Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Blatant appropriation of property) là gì? Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản tiếng Anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản? Cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản? Hình phạt đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?
Qua thực tiễn xét xử các vụ án những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung và các tội xâm phạm sở hữu nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, gây hậu quả và tác hại to lớn cho xã hội, trong số đó có tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Loại tội phạm này có thể nói không chỉ tăng về số lượng mà cả về đối tượng phạm tội, phương thức, thủ đoạn,… làm gia tăng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đồng thời gây ra không ít áp lực, khó khăn lên các cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu, tìm hiểu về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trở nên được quan tâm hơn bao giờ hết. Vậy tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là gì? Được quy định trong BLHS 2015 như thế nào? Hình phạt đối với loại tội phạm này ra sao?
Mục lục bài viết
1. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là gì?
Công nhiên được hiểu là công khai và ngang nhiên. Công nhiên chiếm đoạt tài sản thực hiện việc lấy tài sản của người khác một cách công khai và ngang nhiên mà không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác bằng cách lợi dụng chủ tài sản trong hoàn cảnh đặc biệt không có Điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi phạm tội để công khai chiếm đoạt tài sản của họ.
Vụ án về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:
2. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản tiếng Anh là gì?
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong tiếng Anh là “Blatant appropriation of property”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172
Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
b) Hành hung để tẩu thoát;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;
đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
4. Cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
4.1. Khách thể
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.
4.2. Mặt khách quan
Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người phạm tội không cần che giấu hành vi phạm tội của mình, ngang nhiên lấy tài sản trước mặt chủ sở hữu, người quản lý tài sản mà họ không làm gì được hoặc không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội, nếu có thì cũng không đem lại hiệu quả trong việc lấy lại tài sản đó. Khác với tội cướp tài sản, người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không dùng vũ lực uy hiếp tinh thần hay nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hay che giấu hành vi phạm tội của mình.
Tội phạm hoàn thành vào thời điểm người phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Điều này phụ thuộc vào tính chất của mỗi loại tài sản, vị trí của tài sản.
Hậu quả
Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Hậu quả của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 172
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
– Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
4.3. Mặt chủ quan
Lỗi là nội dung biểu hiện của mặt chủ quan được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người thực hiện tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp.
Về mặt lý trí: Người phạm tội nhận thức rõ về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của minh là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Về mặt ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh, nghĩa là hậu quả của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích là chiếm đoạt được tài sản của người khác.
4.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
5. Hình phạt đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Khung hình phạt cơ bản
Khung hình phạt cơ bản tại Khoản 1 là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung hình phạt Khoản 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
– Hành hung để tẩu thoát.
Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.
Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
– Tái phạm nguy hiểm,. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
+ Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
+ Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ. Hàng cứu trợ’’ là các sản phẩm hàng hoá bao gồm: các loại thực phẩm, nước uống, quần áo, hàng gia dụng, thuốc chữa bệnh, sách vở, các loại vật tư phục vụ sản xuất, sửa chữa, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, sửa chữa, khôi phục nhà cửa của nhân dân bị hư hại do thiên tai.
– Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
Khung hình phạt Khoản 3
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung hình phạt Khoản 4
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
– Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.