Cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài. Trình tự, thẩm quyền, thủ tục cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài?
Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân của mình. Có nghĩa là tất cả những người có quốc tịch Việt Nam dù ở trong nước hay đang ở nước ngoài thì đều được nhà nước bảo hộ quyền và nghĩa vụ của họ, đồng thời là công dân Việt Nam thì phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế, nếu là công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ thì phải thực hiện các thủ tục xin cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài, dưới đây là các trình tự, thủ tục cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BTP-BNG-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 01 tháng 03 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam:
1. Về hồ sơ đề nghị xác nhận có quốc tịch Việt Nam bao gồm:
– Tờ khai xác nhận có quốc tịch Việt Nam (theo mẫu TP/QT-2013-TKXNCQTVN) kèm 02 ảnh 4×6;
– Bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
– Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ được quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nếu trên đó ghi họ tên Việt Nam (họ tên người yêu cầu, họ tên cha, mẹ);
– Tờ khai lý lịch và các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch nêu trên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Về giải quyết của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
Đối với trường hợp có đủ cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam:
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động kiểm tra, đối chiếu danh sách những người đã được thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam. Trường hợp khẳng định người yêu cầu có quốc tịch Việt Nam thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam (theo mẫu TP/QT-2013-GXNCQTVN).
Đối với trường hợp không có đủ cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam:
– Trường hợp không có đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành thủ tục xác minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT/BTP-BNG-BCA (đối với trường hợp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện).
– Trường hợp nghi ngờ tính xác thực của giấy tờ trong hồ sơ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan tra cứu, kiểm tra, xác minh:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tra cứu, kiểm tra, xác minh, Bộ Tư pháp hoặc cơ quan, tổ chức liên quan có văn bản trả lời. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, kiểm tra, xác minh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam (theo mẫu TP/QT-2013-GXNCQTVN) nếu xác định được người yêu cầu đang có quốc tịch Việt Nam.
– Trường hợp sau khi tiến hành tra cứu, kiểm tra, xác minh, vẫn không có đủ cơ sở để xác định người yêu cầu có quốc tịch Việt Nam thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người đó biết.
3. Về thời hạn giải quyết:
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc đối với trường hợp có đủ cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam.
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc đối với trường hợp không có đủ cơ sở xác định quốc tịch Việt Nam.
4. Về lệ phí: không có.