Hộ chiếu ngoại giao là một trong những loại giấy tờ tùy thân được sử dụng để thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh và chỉ áp dụng đối với một số chủ thể đặc biệt nhất định. Dưới đây là quy định về vấn đề cấp, gia hạn, hủy hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Cấp, gia hạn, hủy hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về vấn đề cấp, gia hạn, hủy hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư 04/2020/TT-BNG của Bộ Ngoại giao về việc hướng dẫn việc cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị phía nước ngoài cấp thị thực, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ ở trong nước. Theo đó, để có thể cấp, gia hạn, hủy hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cần phải thực hiện theo quy trình như sau:
Bước 1: Nhận hồ sơ. Cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước sẽ tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thủ tục kiểm tra hồ sơ và đối chiếu hồ sơ với thông tin trong tờ khai, đối chiếu thành phần hồ sơ với các thông tin được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư 04/2020/TT-BNG, cơ quan cấp hộ chiếu sẽ tiến hành thủ tục cấp giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo mẫu do pháp luật quy định đưa cho người nộp hồ sơ, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu số 06/2020 ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BNG. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận thấy thành phần hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp phiếu hướng dẫn bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo mẫu do pháp luật quy định đưa cho người nộp hồ sơ, để người nộp hồ sơ hoàn thiện bổ sung sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu số 07/2020 ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BNG. Trong trường hợp nhận thấy thành phần hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ, cấp phiếu từ chối tiếp nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu số 08/2020 ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BNG. Trong trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có gắn chíp điện tử lần đầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ, sau đó tiến hành thủ tục chụp ảnh, lấy dấu vân tay của người đề nghị theo hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ ngoại giao. Trong trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu ngoại giao, gia hạn hộ chiếu công vụ có gắn chíp điện tử, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người đề nghị lập hồ sơ xin đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử mới.
Bước 2: Xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu ở trong nước sẽ tiến hành thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu hoặc đề nghị cấp công hàm, cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu ở trong nước sẽ giải quyết thành phần hồ sơ trong khoảng thời gian không quá 02 ngày được tính kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp nộp hồ sơ căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Thông tư 04/2020/TT-BNG, trong khoảng thời gian không quá 02 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan ngoại vụ địa phương sẽ ngay lập tức chuyển thành phần hồ sơ cho cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước để giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu trong nước cần phải giải quyết trong khoảng thời gian không quá 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với trường hợp đề nghị gia hạn hộ chiếu hoặc đề nghị gia hạn cấp công hàm, cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu cần phải giải quyết trong khoảng thời gian không vượt quá 02 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Trường hợp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ của người đề nghị vẫn đang còn có giá trị sử dụng trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu cần phải thực hiện thủ tục hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu cũ trước khi tiến hành hoạt động cấp hộ chiếu mới cho người nộp hồ sơ. Đối với trường hợp thuộc diện đi theo, đi thăm, thì cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước cần phải cấp hộ chiếu mới, trong hộ chiếu mới cần phải ghi rõ chức danh, đồng thời không thực hiện thủ tục hủy giá trị sử dụng đối với hộ chiếu cũ. Trong trường hợp người đề nghị bị mất hộ chiếu, cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu cần phải thực hiện thủ tục hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu cũ, tiến hành hoạt động cấp hộ chiếu mới cho người bị mất hộ chiếu.
Bước 4: Trả kết quả. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện thủ tục trả kết quả cho người có tên trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Trong trường hợp người nhận kết quả không được xác định là người có tên trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, thì người đó cần phải nộp các loại giấy tờ giới thiệu của cơ quan chủ quản và đồng thời xuất trình giấy tờ tùy thân để cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối chiếu.
2. Các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Văn bản hợp nhất Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 có quy định về các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu, trong đó có hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Theo đó, hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ sẽ bị hủy giá trị sử dụng, thu hồi khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn khi hộ chiếu đó bị mất hoặc đối với trường hợp đã vượt qua khoảng thời gian 12 tháng được tính kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu, tuy nhiên công dân không đến nhận hộ chiếu, đồng thời công dân đó không có thông báo bằng văn bản về việc chưa có lý do hợp lý để đến nhận;
– Thu hồi và hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người thôi quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam;
– Thu hồi và hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn thời hạn đối với trường hợp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ đó không còn đối tượng sử dụng;
– Thu hồi và hủy giá trị sử dụng đối với hộ chiếu đã cấp cho những người thuộc trường hợp quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 21 của Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
3. Thẩm quyền cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cho công dân Việt Nam ở trong nước:
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 của Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ ngoại giao. Bao gồm:
– Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với Bộ công an và Bộ quốc phòng trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;
– Chủ trì và phối hợp với Bộ công an để đưa ra hướng dẫn cụ thể về quá trình cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ do cơ quan có thẩm quyền đó là Cơ quan lãnh sự Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan được Bộ ngoại giao ủy quyền thực hiện, trực tiếp phối hợp với Bộ công an để đưa ra hướng dẫn cụ thể về quy trình cấp, thu hồi, hủy giá trị sử dụng đối với hộ chiếu phổ thông tại các cơ quan đại diện Việt Nam trên lãnh thổ nước ngoài;
– Tổ chức thực hiện hoạt động cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng đối với hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ của công dân Việt Nam trong nước;
– Chủ trì và phối hợp với Bộ công an để đưa ra các mẫu giấy tờ xuất nhập cảnh cho các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài;
– Phối hợp với Bộ công an để xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trực tiếp cung cấp cho Bộ công an những thông tin cần thiết liên quan tới hoạt động định danh của người có thẩm quyền cấp giấy tờ xuất nhập cảnh thuộc Bộ ngoại giao và cơ quan đại diện Việt Nam đặt tại nước ngoài;
– Thanh tra kiểm tra, giải quyết hoạt động khiếu nại, giải quyết tố cáo về lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;
– Chủ trì và phối hợp với Bộ công an, Bộ quốc phòng để đưa ra phương án ký kết các Điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đề xuất phương án ký kết các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho phép cư trú.
Theo đó thì có thể nói, thẩm quyền cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cho công dân Việt Nam ở trong nước thuộc về Bộ ngoại giao.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
– Thông tư 04/2020/TT-BNG của Bộ Ngoại giao về việc hướng dẫn việc cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị phía nước ngoài cấp thị thực;
– Thông tư 06/2023/TT-BNG của Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2011/TT-BNG ngày 20/6/2011 của Bộ Ngoại giao quy định thủ tục cấp giấy phép nhập cảnh thi hài, hài cốt, tro cốt về Việt Nam; Thông tư 02/2011/TT-BNG ngày 27/6/2011 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục đăng ký công dân Việt Nam ở nước ngoài; Thông tư 04/2020/TT-BNG ngày 25/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị phía nước ngoài cấp thị thực.
THAM KHẢO THÊM: