Trường hợp khi tuần tra giao thông, người vi phạm chạy trốn thì cảnh sát giao thông được đuổi theo người vi phạm không?
Mục lục bài viết
1. Cảnh sát giao thông được đuổi theo người vi phạm không?
Căn cứ Điều 87 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ quy định về việc tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông đường bộ bao gồm:
– Theo quy định, cảnh sát giao thông đường bộ sẽ tiến hành tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Khi phát hiện có hành vi vi phạm, cảnh sát giao thông được quyền xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
Chi tiết về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định tại Điều 8 Thông tư số 65/2020/TT-BCA, bao gồm:
– Trên cơ sở quy định của Luật giao thông đường bộ sẽ được quyền dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Được quyền kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật.
– Được quyền kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
– Đối với các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác sẽ được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, các nhân khác phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện khi rơi vào trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
– Khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác với mục đích để bảo đảm an ninh sẽ được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông.
– Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Theo các quy định trên, được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Do đó, thực tế Cảnh sát giao thông có quyền rượt đuổi người vi phạm quy định về an toàn giao thông nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật như đảm bảo an toàn, không làm cản trở đến hoạt động giao thông chung,…
2. Cảnh sát giao thông truy đuổi dẫn đến tai nạn thương vong thì xử lý ra sao?
Việc xác định cảnh sát giao thông bị xử lý thế nào trong tình huống rượt đuổi người vi phạm và gây đến thương vong thì trước hết phải xác định được yếu tố lỗi thuộc về phía bên nào?
Thứ nhất, nếu trong quá trình truy đuổi người cảnh sát giao thông có lỗi dẫn đến tai nạn đó có thể là lỗi vô ý hoặc cố ý (có sử dụng vũ lực như đạp đổ xe, chèn ép xe, chặn đầu xe …) dẫn tới người bị truy đuổi bị thương tích hoặc chết người thì tùy theo mức độ của hành vi và tình huống khi đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ theo Điều 137 Bộ luật hình sự năm 2015.
– Khung 1: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Người có hành vi dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Khung 2: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với 02 người trở lên, tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên.
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Thực hiện hành vi phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
– Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Vậy, trường hợp Cảnh sát giao thông rượt đuổi khiến người vi phạm ngã xe tử vong sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và áp dụng hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm tùy vào mức độ của hành vi phạm tội.
Trường hợp cảnh sát giao thông rượt đuổi người khác mà gây ra hậu quả làm chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Điều 127 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:
– Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
Đối với trường hợp đối tượng trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
– Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
+ Gây hậu quả làm chết 02 người trở lên.
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị thương tích hoặc bồi thường cho người nhà nạn nhân nếu rơi vào trường hợp người đó chết.
Thứ hai, nếu như trong quá trình truy đuổi người cảnh sát giao thông không có lỗi dẫn đến tai nạn, việc tai nạn là do người vi phạm (có thể là vượt đèn đỏ, đánh võng …) thì người cánh sát giao thông đó sẽ không bị xử lý và chịu trách nhiệm.
3. Quy định về các hình thức tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông:
Căn cứ Điều 9 Thông tư số 65/2020/TT-BCA, cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát thông qua các hình thức sau:
– Tuần tra, kiểm soát cơ động:
Khi thực hiện tuần tra, kiểm soát, cảnh sát giao thông sẽ di chuyển trên tuyến hoặc địa bàn được phân công thông qua các phương tiện giao thông hoặc đi bộ.
Việc tuần tra, kiểm soát này sẽ dự trên kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phân công.
Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trực tiếp hoặc có thể thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
– Tiến hành tuần tra, kiểm soát tại Trạm cảnh sát giao thông hoặc một điểm cụ thể trên đường giao thông:
Theo kế hoạch đã được phân công, cảnh sát giao thông sẽ tổ chức lực lượng tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông, cụ thể:
+ Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ.
+ Kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát.
+ Kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề; kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
+ Phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
+ Thực hiện những nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật.
Tại Trạm Cảnh sát giao thông, lắp đặt, sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi hình khu vực kiểm soát.
Lưu ý: khi cảnh sát giao thông kiểm soát, tuần tra vào buổi tối, ban đêm thì phải có đèn chiếu sáng, đảm bảo phải đủ ánh sáng.
Theo đó, cảnh sát giao thông sẽ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát giao thông qua các hình thức như tuần tra, kiểm soát cơ động; kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông và tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-VPQH 2019 Luật giao thông đường bộ.