Theo Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở dưới bất kì hình thức nào. Đồng thời, cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra cần phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của mình. Vậy cảnh sát giao thông có được vào nhà dân để bắt xe hay không?
Mục lục bài viết
1. Cảnh sát giao thông có được vào nhà dân bắt xe không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Cụ thể như sau:
– Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp;
– Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, bất cứ ai cũng không có quyền tự tiện vào chỗ ở của người khác khi không được sự đồng ý của người đó;
– Được khám xét chỗ ở bắt buộc sẽ cần phải được thực hiện theo quy định của văn bản pháp luật có liên quan.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có quy định cụ thể về quyền hạn của cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra và kiểm soát. Theo đó, cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
– Được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định Luật giao thông đường bộ năm 2019, Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Kiểm soát người, kiểm soát phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, kiểm tra giấy tờ của phương tiện giao thông trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật, kiểm soát việc thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ;
– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, được phép áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, an ninh trật tự xã hội, và xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật;
– Được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp và hỗ trợ giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất an ninh trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, hoặc nhằm mục đích ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đã hoặc có thể xảy ra trên thực tế, các cán bộ cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra sẽ được quyền huy động phương tiện giao thông, các phương tiện thông tin liên lạc, huy động các phương tiện khác của các cơ quan và cá nhân trong xã hội, người đang điều khiển phương tiện, người đang sử dụng phương tiện đó theo quy định của pháp luật về công an nhân dân. Việc huy động này sẽ được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản;
– Được trang bị các loại phương tiện giao thông, được sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện và kĩ thuật nghiệp vụ phục vụ cho quá trình công tác, trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ, trang bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện kĩ thuật khác theo quy định của pháp luật về xử lý hành chính, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và phù hợp với các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Bộ công an;
– Được quyền tạm thời đình chỉ hoạt động đi lại ở một số đoạn đường nhất định, có thẩm quyền phân luồng, phân loại tuyến đường đi, nơi tạm dừng đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông xảy ra, khi xảy ra các hiện tượng tai nạn giao thông và khi có yêu cầu cần thiết khác nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội;
– Thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Theo các điều luật phân tích nêu trên thì có thể thấy, cảnh sát giao thông sẽ không có quyền hạn tự tiện vào nhà dân để bắt xe. Cảnh sát giao thông có hành vi tự tiện vào nhà dân để bắt xe sẽ bị xem là hành vi trái quy định của pháp luật.
2. Khi nào cảnh sát giao thông có quyền khám xét nhà người vi phạm và tạm giữ xe?
Theo như phân tích nêu trên thì có thể nói, nhà dân là chỗ ở bất khả xâm phạm, bất kỳ ai cũng không được phép xâm phạm chỗ ở của công dân khi không được sự đồng ý của người đó. Cảnh sát giao thông có hành vi tự tiện vào nhà dân để bắt xe sẽ là hành vi trái quy định của pháp luật, không thuộc thẩm quyền mà pháp luật đã trao cho cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra và kiểm soát. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật có quy định cảnh sát giao thông sẽ được phép dừng phương tiện tham gia giao thông, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong các biện pháp ngăn chặn và các hình thức xử lý vi phạm giao thông, có biện pháp “khám nơi cất giấu tang vật và phương tiện vi phạm”. Tuy nhiên trong quá trình khám xét cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, không phải trường hợp nào cảnh sát giao thông cũng sẽ có quyền khám xét nơi ở của người vi phạm và tạm giữ phương tiện đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 của Văn bản hợp nhất luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022, cảnh sát giao thông sẽ có quyền tiến hành hoạt động kiểm tra nhà để bắt giữ phương tiện khi có căn cứ cho rằng người đó đang có hành vi dấu phương tiện vi phạm pháp luật. Khi cảnh sát giao thông khám xét nhà để bắt giữ phương tiện, cần phải lưu ý một số vấn đề cơ bản sau đây:
– Khi khám xét nhà của công dân cần phải có mặt của chủ nhà hợp pháp và những người thành viên trong gia đình, đồng thời cần phải có mặt của những người chứng kiến. Trong trường hợp chủ nhà hoặc những người đã thành niên trong gia đình vắng nhà, đồng thời nhận thấy quá trình khám xét nhà không thể bị trì hoãn thì cần phải có đại diện của chính quyền địa phương kèm theo 02 người chứng kiến trong khu vực;
– Cảnh sát giao thông sẽ không được khám xét nhà để bắt giữ phương tiện vào ban đêm, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp hoặc công việc khám xét đang thực hiện vẫn chưa kết thúc;
– Việc khám xét bắt buộc cần phải có quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền, quá trình khám xét cần phải được lập thành biên bản. Quyết định và biên bản cần phải được giao cho chủ nhà giữ 01 bản.
Theo đó thì có thể nói, mặc dù pháp luật quy định cảnh sát giao thông không được phép tự tiện vào nhà dân để bắt xe, hành vi đó sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, cảnh sát giao thông nếu như có đầy đủ căn cứ xác thực cho rằng trong nhà đang cất giấu các phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật, cảnh sát sẽ có quyền vào nhà để khám xét và bắt giữ phương tiện đó. Tuy nhiên quá trình khám xét cần phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật.
3. Cần phải làm gì khi cảnh sát giao thông tự ý vào nhà dân bắt xe?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022 có quy định về vấn đề khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
– Các cá nhân và tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính hoàn toàn có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định hành chính theo quy định của pháp luật;
– Các cá nhân cũng có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của chủ thể có thẩm quyền trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện, nếu nhận thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, bị khởi kiện có thể sẽ gây ra hậu quả khó khăn trên thực tế, thì người giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện cần phải ra quyết định tạm đình chỉ quá trình thi hành đối với các quyết định đó theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, khi bị cảnh sát giao thông tự tiện vào nhà bắt xe, người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại về hành vi đó của cảnh sát giao thông. Người dân có thể nộp đơn khiếu nại lên Trưởng cơ quan nơi cảnh sát đó công tác. Có thể thực hiện theo nhiều hình thức khiếu nại khác nhau. Khiếu nại có thể được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Cụ thể như sau:
– Trong trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại, đơn khiếu nại đó cần phải được lập phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đơn khiếu nại cần phải phản ánh một số nội dung cơ bản như: Ghi rõ ngày tháng năm thực hiện thủ tục khiếu nại, tên của người khiếu nại, địa chỉ của người khiếu nại, tên của người bị khiếu nại, địa chỉ của người bị khiếu nại, địa chỉ của các cơ quan hoặc tổ chức bị khiếu nại, nội dung khiếu nại, lý do khiếu nại, các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan đến nội dung khiếu nại, yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại cần phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;
– Trong trường hợp người khiếu nại đến trực tiếp khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền, thì người tiếp nhận khiếu nại cần phải hướng dẫn cho người đó viết đơn khiếu nại, hoặc người tiếp nhận xét trực tiếp ghi lại vụ việc khiếu nại bằng văn bản, sau đó yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đó để xác nhận, trong nội dung văn bản cũng cần phải bao gồm các nội dung như trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2022;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
THAM KHẢO THÊM: