Hiện nay, vấn nạn thất nghiệp gia tăng lên rất nhiều. Chính vì lý do đó mà các hình thức lừa đảo làm cộng tác viên online mọc lên như nấm. Bài viết dưới đây sẽ bàn luận về các chiêu trò lừa đảo làm cộng tác viên online thường gặp trên thực tế.
Mục lục bài viết
1. Dấu hiệu nhận diện các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online:
1.1. Đưa ra các yêu cầu cho ứng viên:
– Yêu cầu ứng viên tạm ứng tiền:
Đối với thủ đoạn này, kẻ lừa đảo yêu cầu ứng viên trước khi làm việc phải nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc. Số tiền thường dao động từ vài trăm đến vài triệu, các khoản tiền phải tạm ứng như là: tiền đồng phục, tiền hướng dẫn công việc, tiền bảo đảm công việc… Sau khi nhận tiền từ ứng viên thì các công ty lừa đảo này sẽ “bốc hơi” mà không một ai hay biết. Kẻ lừa đảo thường áp dụng thủ đoạn này với các bạn sinh viên năm 1, năm 2, những bạn sinh viên lần đầu đi xin việc.
– Yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin tài khoản cá nhân:
Những kẻ lừa đảo có thể yêu cầu các ứng viên cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, số căn cước công dân với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Chúng có thể sử dụng các thông tin này vào mục đích xấu. Do đó, hãy luôn cảnh giác và không chia sẻ thông tin nhạy cảm của bản thân với bất kỳ ai mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ. Ngoài ra, kẻ lừa đảo thường hay gửi đường link độc, để ứng viên thực hiện các giao dịch thanh toán không an toàn. Trong trường hợp như vậy, ứng viên nên kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của bạn có thể bị đánh cắp.
1.2. Đưa ra lời mời hấp dẫn và không có hợp đồng lao động :
– Quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng:
Các đối tượng lừa đảo thường hứa hẹn sẽ đem đến cho các ứng viên các công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt, không tốn nhiều thời gian hoặc công sức. Do đó, khi ứng viên gặp các đề nghị này thì hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và nên đánh giá kỹ trình độ của bản thân trước khi tham gia.
– Thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ:
Khi bạn đăng ký một công việc nào đó, thường bạn sẽ tìm hiểu về công ty mà mình dự định sẽ làm. Nếu trong quá trình kiểm tra mà không thể tìm thấy được thông tin của công ty, địa chỉ cụ thể rõ ràng hoặc không có nguồn liên hệ cụ thể, thì các ứng viên hãy nên cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.
– Thiếu hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng:
Khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thoả thuận liên quan. Nếu không có hợp đồng hoặc thoả thuận rõ ràng, thì bạn có thể gặp rủi ro bị lừa đảo.
Đồng thời, trước khi tham gia chương trình cộng tác viên, các ứng viên nên kiểm tra kĩ các lượt phản hồi về công ty. Nếu có nhiều phản hồi tiêu cực hoặc các đánh giá không tốt, thì ứng viên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia.
2. Làm gì để không sập bẫy lừa đảo bằng hình thức tuyển cộng tác viên online?
Để bản thân không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tuyển cộng tác viên online, trước hết, chúng ta cần nâng cao hiểu biết của bản thân với công việc mình sắp làm, đồng thời cần lưu ý những công việc kiếm tiền quá dễ dàng đều tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Cơ quan chức năng lưu ý những vấn đề sau để không sập bẫy lừa đảo:
– Thứ nhất, ứng viên nên kiểm chứng thông tin trước khi làm cộng tác viên:
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng nhưng vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Vì thế, ứng viên nên cảnh giác, không tham gia các hoạt động nêu trên, khi phát hiện thì phải trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.
Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng vẫn là chiêu trò cho hưởng hoa hồng cao. Ban đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt hết. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi, chưa có việc làm, nghĩ làm việc kiểu online cũng dễ kiếm thêm thu nhập nên đã “sập bẫy”. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, ứng viên cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, ứng viên cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
– Thứ hai là, cần tỉnh táo trước các lời mời việc nhẹ, lương cao:
Mới đây Bộ Công an cho biết các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng lòng tham, ham muốn kiếm tiền một cách dễ dàng. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo trước các lời mời gọi việc nhẹ lương cao, chiết khấu hoa hồng cao, mời tham gia các kênh đầu tư lợi nhuận lớn hơn 20%/năm.
Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng ta cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Nếu nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, mọi người phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin.
Như vậy có thể thấy, để không trở thành nạn nhân, tất cả chúng ta nên cảnh giác trước việc tuyển cộng tác viên làm việc online trên các trang mạng xã hội. Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Tóm lại, khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, chúng ta cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo hoặc nhận được thông tin liên quan đến vi phạm pháp luật, chúng ta phải đến cơ quan công an, văn phòng luật sư hoặc người hiểu biết pháp luật để trao đổi, cung cấp thông tin nhằm xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Lừa đảo cộng tác viên làm việc online thì bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ theo quy định tại Điều 174
– Người nào đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc dùng thủ đoạn gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác từ 02 đến dưới 50 triệu đồng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174
– Ngoài ra, nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc chiếm đoạt từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 02 đến 07 năm; nếu lợi dụng dịch bệnh, thiên tai hoặc chiếm đoạt từ 200 đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 07 đến 15 năm.
– Đặc biệt, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, tùy theo mức độ phạm tội mà người phạm tội có thể chịu các mức phạt khác nhau, thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là 20 năm tù.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.