Hoạt động thanh tra môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm mục đích kiểm soát vấn đề thực hiện pháp luật và phát hiện ra những hành vi vi phạm pháp luật để có thể xử lý nghiêm minh. Vậy các đối tượng có hành vi cản trở hoạt động này sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Mục lục bài viết
1. Cản trở hoạt động thanh tra môi trường bị phạt bao nhiêu?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi cản trở thanh tra môi trường. Căn cứ theo quy định tại Điều 55 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt đối với hành vi cản trở thanh tra môi trường được quy định cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
– Không thực hiện hoạt động kê khai theo quy định của pháp luật, không thực hiện hoạt động khai báo hoặc kê khai và khai báo không trung thực theo quy định của pháp luật, kê khai và khai báo không đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo yêu cầu của người thi hành công vụ;
– Không cung cấp các loại tài liệu có liên quan đến hoạt động thanh tra, hoặc có cung cấp nhưng cung cấp không đầy đủ và không chính xác thông tin và tài liệu liên quan đến hoạt động thanh tra kiểm tra, và xử phạt vi phạm hành chính khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi có yêu cầu của người thi hành công vụ;
– Không hợp tác hoặc có hành vi cản trở công tác của đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc người được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
– Không cử đại diện có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để tham gia vào buổi công bố quyết định thanh tra kết quả bảo vệ môi trường hoặc không cử đại diện có thẩm quyền làm việc với đoàn thanh tra, làm việc với đoàn kiểm tra về vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo đó thì có thể nói, hành vi cản trở hoạt động thanh tra môi trường có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Tuy nhiên, mức phạt trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, còn mức phạt đối với tổ chức vi phạm được xác định là gấp hai lần đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm hành chính.
2. Thẩm quyền xử phạt hành vi cản trở hoạt động thanh tra môi trường:
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra môi trường, trong đó có hành vi cản trở hoạt động thanh tra môi trường của các đối tượng trong xã hội, của chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, và tiền đến 5.000.000 đồng, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính có giá trị dưới 10.000.000 đồng, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 100.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt như sau: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc ra quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp xét thấy cần thiết.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt. Theo đó thì mức phạt tiền theo như phân tích nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trong trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền sẽ được xác định là gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo như phân tích nêu trên cũng là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân vi phạm, trong trường hợp phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức sẽ xác định là gấp hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Theo đó thì có thể nói, hành vi cản trở hoạt động của thanh tra môi trường theo như phân tích nêu trên có mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đối với tổ chức. Vì vậy thẩm quyền xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động thanh tra môi trường trong trường hợp này sẽ thuộc về Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, vì chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa là 200.000.000 đồng đối với tổ chức.
3. Thời hiệu xử phạt hành vi cản trở hoạt động thanh tra môi trường:
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có quy định cụ thể về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được xác định là 02 năm. Cụ thể được xác định như sau:
– Các hành vi được quy định tại Điều 9; điểm e, g, h khoản 1, điểm e, g, h khoản 2, điểm e, g, h khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; điểm b, c khoản 1, điểm b, c khoản 2 Điều 13; điểm b, d, e khoản 1, điểm c, d, đ khoản 2, điểm c, d, đ khoản 3, điểm c, d, đ khoản 4 Điều 14 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 2, điểm e, g, h khoản 3, điểm e, g, h, i khoản 4, khoản 6 Điều 15 và Điều 38 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
– Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 10 của của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 11 của của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 1 Điều 32; khoản 1 Điều 33 của của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khoản 1, điểm c khoản 3 của Điều 43 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP này là hành vi đang được thực hiện, thì thời hiệu được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phải công khai thông tin hoặc phải nộp báo cáo định kỳ theo quy định;
– Các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là hành vi đã kết thúc, thì thời hiệu được tính từ thời điểm lấy mẫu;
– Các hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 25 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là hành vi vi phạm đã kết thúc, thời điểm kết thúc được tính từ lúc thực hiện xong hành vi vi phạm.
Như vậy có thể nói, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động thanh tra môi trường được xác định là 02 năm theo như phân tích nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2022;
– Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.