Nhiều người quan điểm rằng, khi đã được tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con thì sẽ không thể bị thay đổi. Tuy nhiên trong quá trình chung sống, nhiều trường hợp đã bị yêu cầu thay đổi quyền nuôi con xuất phát từ nhiều căn cứ khác nhau. Dưới đây là những căn cứ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Căn cứ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, pháp luật cho phép tiến hành hoạt động yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi có căn cứ hợp pháp. Căn cứ theo quy định tại Điều 81 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định, vợ chồng hoàn toàn có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, có quyền thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên đối với con sau khi ly hôn, trong trường hợp hai vợ chồng không thể tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi phát triển mọi mặt của đứa trẻ, nếu như con được xác định từ đủ 07 tuổi trở lên thì sẽ phải xem xét nguyện vọng của đứa trẻ đó. Như vậy có thể nói, người có yêu cầu có thể thỏa thuận với vợ hoặc chồng cũ của mình về việc giành lại quyền nuôi con, vì suy cho cùng thì pháp luật luôn luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Nếu như các bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục luật định. Trong trường hợp đứa trẻ đã trên 07 tuổi thì sẽ phải xem xét đến nguyện vọng của chúng, tức là đứa trẻ đó muốn ở với bố hay muốn ở với mẹ. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 84 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Theo đó thì, trong trường hợp có yêu cầu của cha mẹ hoặc của các tổ chức và cá nhân được quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì tòa án có thể ra quyết định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ được giải quyết khi có một trong các căn cứ cơ bản sau:
– Cha mẹ có sự thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của đứa trẻ;
– Người trực tiếp nuôi con đến thời điểm hiện tại xét thấy không còn đủ điều kiện và khả năng để có thể trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ trên thực tế;
– Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ phải xem xét đến nguyện vọng khi đứa trẻ đó từ đủ 07 tuổi trở lên;
– Trong trường hợp xét thấy cả cha và cả mẹ đều không còn đủ điều kiện để có thể trực tiếp nuôi con thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án sẽ phải ra quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Vì vậy có thể nói, nếu người có nhu cầu nuôi con thỏa thuận với người trực tiếp nuôi con thì có thể yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận sự thay đổi người trực tiếp nuôi con theo sự thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì phải khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền và phải có căn cứ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con theo phân tích nêu trên, bao gồm:
Thứ nhất, có sự thỏa thuận giữa cha mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên lợi ích của con cái. Hai bên vợ chồng hoàn toàn có thể chủ động liên lạc với nhau để thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con và xem xét điều kiện để nuôi con một cách tốt nhất. Việc thỏa thuận này phải được dựa trên nhu cầu tự nguyện của các bên và xuất phát từ lợi ích của con, thỏa thuận phải được lập thành văn bản.
Thứ hai, nếu không thỏa thuận được thì cần phải chứng minh người đang có quyền trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện và không có đủ khả năng để tiếp tục chăm sóc và giáo dục con cái. Điều này có nghĩa là, người có nguyện vọng muốn nuôi con cần phải chứng minh người còn lại không thể tiếp tục chăm sóc con. Và đồng thời chứng minh được điều kiện của mình có đủ khả năng để nuôi dậy con tốt hơn như chỗ ở ổn định, có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập cao, có thời gian dành cho con …
2. Thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
Thủ tục yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện nguyện vọng mong muốn được thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Thành phần hồ sơ trong trường hợp này sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu như:
– Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con theo mẫu do pháp luật quy định;
– Quyết định hoặc bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền;
– Giấy tờ tùy thân của bên khởi kiện ví dụ như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn;
– Giấy khai sinh của con.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị hồ sơ hợp lệ thì sẽ nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cần phải nộp hồ sơ khởi kiện hoặc đơn yêu cầu về vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn đến tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi vợ chồng đã thực hiện thủ tục ly hôn trước đây. Sau khi nhận được đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, nếu xét thấy hồ sơ hợp lệ thì tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người nộp đơn. Nếu xét thấy hồ sơ không hợp lệ thì cần phải trả lời bằng văn bản và thông báo cho người nộp hồ sơ bổ sung sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Chi cục thi hành án dân sự cấp quận huyện và sau đó nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho tòa án. Cuối cùng thì tòa án sẽ thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết theo thủ tục chung. Sau đó ra bản án hoặc quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan có thẩm quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của tòa án theo lãnh thổ. Theo đó thì cơ quan có thẩm quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn sẽ được xác định như sau:
– Tòa án nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi bị đơn làm việc trong trường hợp bị đơn được xác định là cá nhân, tòa án nơi bị đơn có trụ sở trong trường hợp bị đơn được xác định là cơ quan hoặc tổ chức, sẽ có thẩm quyền giải quyết thủ tục sơ thẩm những vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động căn cứ theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30, Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
– Các đương sự có quyền thỏa thuận với nhau bằng văn bản về vấn đề yêu cầu tòa án nơi cư trú hoặc tòa án nơi làm việc của nguyên đơn trong trường hợp nguyên đơn được xác định là cá nhân, hoặc tòa án nơi nguyên đơn có trụ sở trong trường hợp nguyên đơn được xác định là cơ quan và tổ chức, sẽ có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động căn cứ theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30, Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
– Đối với những tranh chấp được xác định đối tượng là bất động sản thì chỉ tòa án nhân dân nơi có bất động sản đó mới có thẩm quyền giải quyết.
Theo đó thì có thể nói, tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi người đang trực tiếp nuôi dưỡng con cư trú hoặc đang đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật sẽ có thẩm quyền giải quyết việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con trên thực tế. Do đó nếu muốn giành lại quyền nuôi con thì cần phải làm đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo đúng quy định của pháp luật để gửi lên tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi người trực tiếp nuôi con đang cư trú hoặc đang tạm trú để có thể được yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong trường hợp nếu không xác định được nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người đang trực tiếp nuôi con đó thì rất khó để có thể xác định tòa án có thẩm quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.