Công dân Việt Nam có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Công dân đang mang quốc tịch Việt Nam vẫn có thể bị mất quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp: thôi quốc tịch Việt Nam; không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trong thời hạn quy định của pháp luật; theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai đã được mang quốc tịch Việt Nam, chưa đủ 15 tuổi không còn quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài; bị tước quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp bị tước quốc tịch Việt Nam phải có những căn cứ được quy định tại Điều 31, Luật Quốc tịch 2008:
“1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.
Bên cạnh đó, việc tước quốc tịch Việt Nam cũng phải tuân theo những trình tự thủ tục luật định như sau:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đơn, thư tố cáo về hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Quốc tịch 2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xác minh, nếu có đầy đủ căn cứ thì lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó. Hồ sơ gồm có:
– Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc tước quốc tịch Việt Nam;
– Các tài liệu xác minh, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;
– Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam (nếu có).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tòa án đã xét xử đối với bị cáo có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Quốc tịch 2008 lập hồ sơ kiến nghị Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi đó. Hồ sơ gồm có:
– Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam.
– Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.
Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc của Tòa án, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan thẩm tra hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.