Hiện nay khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hoá, các cá nhân, doanh nghiệp thường quan tâm đến vấn đề về thuế xuất nhập khẩu. Thuế xuất nhập khẩu là gì? Đặc trưng và căn cứ tính thuế xuất nhập khẩu như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thuế xuất nhập khẩu là gì? Căn cứ tính thuế xuất nhập khẩu?
- 2 2. Ưu điểm của pháp luật thuế xuất nhập khẩu:
- 3 3. Hạn chế của pháp luật thuế xuất nhập khẩu:
- 4 4. Các trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu:
- 5 5. Đặc trưng cơ bản của thuế xuất nhập khẩu:
- 6 6. Việc quản lý thuế xuất nhập khẩu như thế nào?
1. Thuế xuất nhập khẩu là gì? Căn cứ tính thuế xuất nhập khẩu?
1.1. Thuế xuất nhập khẩu là gì?
Thuế xuất nhập khẩu là loại một thuế gián thu, nhằm thu vào các loại hàng hóa được phép xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam. Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu là toàn bộ những vật cụ thể được mua – bán, trao đổi, biếu tặng… từ Việt Nam ra nước ngoài hay từ nước ngoài về Việt Nam. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các thỏa ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia.
1.2. Căn cứ tính thuế xuất nhập khẩu:
Căn cứ tính thuế là: số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan, giá tính thuế, thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%);
Đối với mặt hàng áp dụng thuế tuyệt đối thì căn cứ tính thuế là số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa
– Số lượng hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được xác định theo tờ khai hàng xuất khẩu nhập khẩu
– Giá tính thuế được quy định như sau :
+ Đối với hàng xuất khẩu giá tính thuế là giá bán cho khách hàng tại cửa khẩu xuất không bao gồm chi phí vận tải(quốc tế) và phí bảo hiểm theo hợp đồng bán hàng phù hợp với các chứng từ khác có liên quan đến việc bán hàng (Giá FOB)
+ Đối với hàng nhập khẩu giá tính thuế là giá mua của khách hàng tại cửa khẩu nhập bao gồm cả chi phí vận tải và phí bảo hiểm theo hợp đồng (giá CIF)
+ Trường hợp không xác định giá theo hợp đồng, hoặc giá trong hợp đồng quá thấp so với giá mua, bán thực tế tối thiểu tại cửa khẩu, hoặc hàng hóa xuất, nhập khẩu không theo phương thức mua bán thì giá tính thuế là giá mua, bán tối thiểu tai cửa khẩu
– Thuế suất
Theo Luật thuế xuất khẩu,thuế nhập khẩu 2016, thuế suất được thiết kế riêng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu. Thuế suất đối với hàng xuất khẩu chỉ có một biểu thuế suất thông thường. Đối với hàng nhập khẩu, thuế suất bao gồm 3 loại thuế: Thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế ưu đãi đặc biệt.
+ Thuế suất ưu đãi: Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước có thỏa thuận về đối xử Tối Huệ Quốc (MFN) trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
+ Thuế suất ưu đãi đặc biệt: Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu với Việt Nam theo thể chế khu vực thương mại tự do, liên minh thuế quan hoặc để tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới và trường hợp ưu đãi đặc biệt khác.
+ Thuế suất thông thường: Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước hoặc khối nước không có thỏa thuận về đối xử Tối Huệ Quốc (MFN) trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Thuế suất thông thường luôn luôn cao hơn không quá 70% so với thuế suất ưu đãi từng mặt hàng tương ứng.
(Qui chế tối huệ quốc (MFN-Most favoured nation) tức là quy chế đối xử bình đẳng với các nước khác, đây là nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO: mỗi thành viên phải đối xử với các thành viên khác trong tổ chức một cách công bằng, như những đối tác thương mại “ưu tiên nhất”. Nếu một nước dành cho một đối tác thương mại của mình một số ưu đãi thì nước đó phải đối xử tương tự như vậy với tất cả các thành viên còn lại)
Theo Điều 11(Biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa) Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định :
“ Ngoài việc chịu thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này, hàng hóa nhập khẩu còn phải áp dụng một trong các biện pháp về thuế sau đây:
1. Tăng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu quá mức vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam;
2. Thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
3. Thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
4. Thuế chống phân biệt đối xử đối với hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ mà ở đó có sự phân biệt đối xử về thuế nhập khẩu hoặc có biện pháp phân biệt đối xử khác theo quy định của pháp luật về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế.”
2. Ưu điểm của pháp luật thuế xuất nhập khẩu:
Tự do hóa thương mại là vấn đề cần thiết đối với mỗi quốc gia trên thế giới ngày nay, hệ quả của nó là vấn đề khu vực hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế. Hội nhập kinh tế được xem là một tất yếu khách quan và trở thành vấn đề thời sự quốc tế. Quá trình hội nhập kinh tế của một quốc gia đạt hiệu quả cao thì các vấn đề cơ chế, chính sách cần phải được xem xét, đánh giá và hoàn thiện cho phù hợp với trình độ phát triển của quốc gia đó và thông lệ quốc tế. Trong các vấn đề trên, chính sách thuế xuất nhập khẩu được xem là cầu nối rất quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, từ khi thực hiện chính sách mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế thế giới thì hệ thống chính sách thuế xuất nhập khẩu đã được cải thiện rõ rệt, đem lại những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế Việt Nam, hội nhập với khu vực và thế giới.
Chính sách thuế xuất nhập khẩu hiện hành đã có nhiều thay đổi căn bản và hoàn thiện hơn trước đây. Cụ thể:
Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành được xây dựng trên cơ sở danh mục điều hòa (HS) của Hội đồng hợp tác hải quan thế giới, đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân loại hàng hóa dựa trên cấu tạo, đặc điểm của hàng hóa…góp phần làm cho chính sách thuế xuất nhập khẩu dần dần phù hợp với thông lệ quốc tế.Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa, thường được gọi tắt là hệ thống hài hòa hoặc hệ thống HS, là hệ thống được tiêu chuẩn hóa quốc tế về tên gọi và mã số để phân loại hàng hóa được buôn bán trên phạm vi toàn thế giới của Tổ chức hải quan thế giới.
Các mã số của hệ thống hài hòa được gọi là mã HS. Trong lĩnh vực thương mại, khi cần khai báo nguồn gốc xuất xứ nhằm thu được các ưu đãi về thuế quan được áp dụng cho từng phạm trù quốc gia thì người ta đồng thời cũng thường ghi luôn mã HS để thuận tiện cho việc tính thuế tại các nước nhập khẩu)
Thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thiết kế hợp lí hơn. Hiện nay, phần lớn hàng xuất khẩu có thuế suất 0%, trừ một số hàng như dầu thô, một số loại quặng và song mây. Thuế nhập khẩu được quy định có 3 mức là thuế suất ưu đãi, thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi đặc biệt để áp dụng trong những trường hợp khác nhau tùy thuộc vào mức độ quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước, tạo thuận lợi trong đàm phán về thuế, phù hợp với các quy định quốc tế mà nước ta cam kết thực hiện.
Mức thuế nhập khẩu tối đa có xu hướng giảm, hiện nay mức tối đa hạ xuống còn 60%. Số lượng mức thuế được giảm từ 25 xuống còn 18 mức, mức độ phân tán giữa các mức thuế giảm dần. Ngoài việc giảm số lượng các mặt hàng chịu sự quản lí giá tối thiểu của Nhà nước xuống còn 15 mặt hàng, Nhà nước còn quy định bỏ áp dụng giá tối thiểu đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Công tác quản lí thực thi chính sách thuế xuất nhập khẩu được hoàn thiện hơn nhờ Quy trình thu thuế xuất nhập khẩu mới (
Do hệ thống chính sách, cơ chế quản lí trong lĩnh vực xuất nhập khẩu được cải tiến theo hướng ngày càng đơn giản, thông thoáng hơn đã có tác dụng tích cực thúc đẩy sản xuất xuất khẩu tăng nhanh và hướng nhập khẩu phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống. Trong thời gian qua kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng.
Thị trường xuất khẩu của nước ta được mở rộng và ngày càng tăng so với trước đây. Có thể nói rằng chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu đã có tác động tích cực trong việc quản lí hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần phát triển bảo vệ sản xuất trong nước, hướng dẫn tiêu dùng và tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
3. Hạn chế của pháp luật thuế xuất nhập khẩu:
Trong quá trình thực thi pháp luật thuế xuất nhập khẩu, một số bất cập hạn chế đã được biểu hiện cụ thể như sau
Thứ nhất, các văn bản pháp luật quy định về thuế xuất nhập khẩu còn thiếu tính ổn định, rõ ràng làm cho chính sách thuế không minh bạch và doanh nghiệp bị động khi có sự thay đổi về thuế, chưa xác định một cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong quá trình tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ hai, quy định mức thuế suất vừa theo phân loại hàng hoá, vừa theo xuất xứ làm cho biểu thuế quá phức tạp và dẫn đến nhiều mức thuế cho cùng một mặt hàng. Thuế nhập khẩu bao gồm nhiều thứ thuế, cả thuế doanh thu và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nên thuế suất rất cao (như rượu, bia từ 100-150%, ô tô từ 50%-200%…). Tuy có thuận tiện là tập trung nhưng không phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ bị hiểu lầm là hạn chế hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.
Thứ ba, việc ban hành biểu thuế với nhiều thứ thuế suất cao, thấp còn căn cứ vào mục đích sử dụng chứ không theo tính chất hàng hóa nên nhiều mặt hàng có cùng tính chất nhưng mục đích sử dụng khác nhau có thuế suất nhập khẩu chênh lệch khá lớn như: Xe đua(thuế suất 5%), xe đạp thường (70%), ôtô 4 chỗ (200%), xe cứu thương (0%)…Cho nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi gian lận thương mại, trốn thuế.
Thủ thuật quan trọng nhất để trốn thuế là hạ thấp giá trị hàng nhập khẩu để hạ thấp giá trị tính thuế hay hạ quy cách kê khai để hưởng mức thuế suất thấp hơn đã trở nên phổ biến với hàng hoá có đơn giá lớn và thuế suất cao như: xe hơi, rượu mạnh…Điển hình là các doanh nghiệp nhập khẩu xe tải nhẹ nhưng nguỵ trang dưới hình thức là nhập khẩu xe đông lạnh chuyên dụng để trốn thuế từ 60% xuống còn 10% hay xe ôtô du lịch thì được lắp thêm đèn, còi thành xe cứu thương để được hoàn thuế.
Thứ tư, khi gia nhập WTO thì việc duy trì hàng rào thuế xuất khẩu sẽ không đưa lại nguồn thu cho Ngân sách nhà nước, không khuyến khích hoạt động xuất khẩu.Vì vậy, quy định thuế suất xuất khẩu ngoài mức 0% là cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế thương mại quốc tế.
Thứ năm, quy định trong việc nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và hoàn trả thuế xuất khẩu cũng còn hạn chế, bất hợp lý. Với biểu thuế từ 30%-40% cho những lô hàng nguyên liệu, phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, trong thời gian nộp thuế 30 ngày thì cơ sở sản xuất sẽ không đủ vốn để tạm ứng nộp thuế, vì khi nguyên liệu về, cơ sở phải lo triển khai sản xuất trong thời gian vài tháng thậm chí có lô kéo dài tới nửa năm.
Thứ sáu, việc thực hiện thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch biên giới còn bất hợp lý. Điều này được thể hiện ở chỗ: Thông thường thì các mặt hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc là những mặt hàng khuyến khích xuất khẩu như than số 11, 12; chuối xanh, tiêu, điều, ớt, dừa…Với số lượng ít, kém chất lượng, những mặt hàng khó xuất sang theo con đường chính ngạch. Nhưng xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch phải chịu mức thuế suất là 5%, cao hơn xuất khẩu chính ngạch… Chính thuế nhập khẩu đánh vào hàng nguyên liệu đầu vào đã làm tăng giá cả hàng sản xuất và xuất khẩu trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hoá của ta trên trường quốc tế. Như vậy thuế xuất đó là một lực cản kìm hãm xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
4. Các trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu:
Căn cứ theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
– Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định.
Hết thời hạn hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc kết thúc công việc theo quy định của pháp luật thì đối với hàng hóa tạm xuất phải được nhập khẩu trở lại Việt Nam, đối với hàng hóa tạm nhập phải tái xuất ra nước ngoài.
– Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài mang vào Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài trong mức quy định gồm:
+ Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân người nước ngoài khi được phép vào cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc chuyển ra nước ngoài khi hết thời hạn cư trú, làm việc tại Việt Nam;
+ Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép đưa ra nước ngoài để kinh doanh và làm việc, khi hết thời hạn nhập khẩu lại Việt Nam;
+ Hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài; hàng hóa là tài sản di chuyển của nước ngoài mang vào Việt Nam khi được phép định cư tại Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài.
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao tại Việt Nam.
– Hàng hóa nhập khẩu để gia công cho phía nước ngoài được miễn thuế nhập khẩu và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu.
-Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, khi nhập khẩu trở lại được miễn thuế nhập khẩu trên phần trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công theo hợp đồng.
– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa là bưu phẩm, bưu kiện thuộc dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá tính thuế tối thiểu theo quy định.
– Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu hoặc địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được miễn thuế nhập khẩu
– Giống cây trồng, vật nuôi được phép nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
– Miễn thuế lần đầu đối với hàng hóa là trang thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án được ưu đãi về thuế nhập khẩu, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư về khách sạn, văn phòng, căn hộ cho thuê, nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ kỹ thuật, siêu thị, sân golf, khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, cơ sở khám, chữa bệnh, đào tạo, văn hóa, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, dịch vụ tư vấn..
– Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí
– Đối với cơ sở đóng tàu được miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm tàu biển xuất khẩu và miễn thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, trang thiết bị để tạo tài sản cố định; phương tiện vận tải nằm trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm phục vụ cho việc đóng tàu mà trong nước chưa sản xuất được.
– Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được.
-Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ.
– Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư
– Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước được miễn thuế nhập khẩu; trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thì khi nhập khẩu vào thị trường trong nước chỉ phải nộp thuế nhập khẩu trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó.
– Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải (trừ xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi và xe ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng tương đương với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi) do Nhà thầu nước ngoài nhập khẩu theo phương thức tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án ODA tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu khi tạm nhập và miễn thuế xuất khẩu khi tái xuất.
– Hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế
– Địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định
– Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan
5. Đặc trưng cơ bản của thuế xuất nhập khẩu:
Thuế xuất khẩu, nhập khẩu là loại thuế thu vào hành vi xuất khẩu, nhập khẩu các loại hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam
Đặc trưng cơ bản của thuế xuất nhập khẩu đó là:
– Thuế xuất khẩu, nhập khẩu là loại thuế độc lập trong hệ thống pháp luật thuế Việt Nam và các nước trên thế giới.
– Tên gọi đạo luật là thuế xuất khẩu, nhập khẩu điều chỉnh loại thuế khác nhau là thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu.
– Mục đích quan trọng của thuế xuất khẩu, nhập khẩu là do yêu cầu bảo hộ nền sản xuất trong nước nhưng không thể áp dụng các biện pháp hành chính (hàng rào phi thuế quan) thì thuế xuất khẩu, nhập khẩu là công cụ hữu hiệu nhất thực hiện được yêu cầu này.
– Hiện nay, do yêu cầu của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế, nhà nước còn ban hành thêm thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá (được ban hành bởi Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Thực chất đây là hai loại thuế bổ sung cho thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong những trường hợp có căn cứ cho rằng hàng hoá đó có trợ cấp của nhà nước hoặc có hành vi bán phá giá nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
– Đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam.Chỉ có những hàng hoá được vận chuyển một cách hợp pháp qua biên giới Việt Nam mới là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu. – Hàng hoá chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải là hàng hóa được mang qua biên giới Việt Nam.
– Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là loại thuế gián thu, tiền thuế phải nộp cấu thành trong giá cả hàng hoá.
– Đối tượng nộp thuế là các tổ chức, cá nhân trực tiếp có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới.
– Thuế xuất nhập khẩu là một thoại thuế ít ổn định. Thu ngân sách từ lọai thuế này phụ thuộc nhiều vào cung cầu hàng hóa trên thị trường, vào giá cả hàng hóa quốc tế, vào khả năng kiểm soát nạn buôn lậu và nhất là phụ thuộc vào sự giao lưu liên minh, liên kết và hội nhập kinh tế thế giới.
– Thuế xuất nhập khẩu chỉ đánh vào hàng hóa, không đánh vào dịch vụ.
6. Việc quản lý thuế xuất nhập khẩu như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật Dương Gia, tôi có 2 câu hỏi thắc mắc mong nhận đuợc sư giải đáp: 1. nhà nước nên quản lý như thế nào trong việc thu thuế xuất nhập khẩu để đảm bảo có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam. 2. Thuận lợi và khó khăn của nhà nước trong việc quản lý thu các loại thuế, phí? ?
Luật sư tư vấn:
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là một loại thuế đánh vào các hàng hoá mậu dịch, phi mậu dịch được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam.
Để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng Nhà nước nên thự hiện những biện pháp về quản lý thuế xuất nhập khẩu như sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bao gồm hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu như: Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Thông tư của các Bộ hướng dẫn Nghị định của Chính phủ.
Thứ hai, xây dựng quy trình quy phạm quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Trên thực tế đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhưng khi áp dụng lại gặp nhiều vướng mắc về quy trình thực hiện, điều này chứng tỏ vẫn còn có sự chưa đồng bộ về mặt quy định nên mới phát sinh nhiều vấn đề. Vậy căn cứ trên cơ sở các văn bản pháp luật đã có ngành Hải quan cần tiến hành xây dựng các quy trình cụ thể cho tất cả các loại hình kinh doanh xuất, nhập khẩu; quy định cụ thể các khâu, nghiệp vụ từ khâu kiểm tra hàng hóa đến khâu tính thuế, theo dõi số thu thuế, số nợ thuế, nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp thuế, tiền phạt theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, các khoản phí, lệ phí Hải quan…
Thứ ba, tổ chức thực hiện chính sách thuế có hiệu quả. Nhà nước và cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp nợ thuế, trốn thuế…giải quyết các khiếu nại về thuế để đảm bảo quyền lợi cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
Thứ tư, tiến hành cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế bao gồm quy trình thủ tục thu thuế xuất nhập khẩu, cần rút gọn các quy trình để thủ tục qua Hải quan có thể tiến hành nhanh chóng nhất, giảm thiểu tối đa chi phí các mặt hàng xuất nhập khẩu. Cải cách về thái độ phục vụ cũng như cách làm việc của các cơ quan quản lý thuế tránh trường hợp có sự sai phạm đến từ chính cán bộ thuế. Biện pháp này là biện pháp quan trọng nhất, thực tế nhất để có thể cải thiện tình hình việc quản lý thuế xuất khẩu nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như đém lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Đối với việc quản lý các loại thuế, phí thì Nhà nước đang có những thuận lợi và khó khăn sau:
Thuận lợi:
– Cải cách về chính sách thuế đang được Nhà nước tiến hành một cách nhanh chóng, thể hiện bằng việc thời gian nộp thuế, kê khai thế đã rút ngắn rất nhiều so với trước, số lượng người kê khai thuế qua mạng cũng tăng và ngày càng phổ biến, tiết kiệm phần lớn thời gian cho người nộp thuế.
– Hệ thống các quy định pháp luật về quản lý thuế, phí đang ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được phần lớn nhau cầu giải quyết về thuế, phí. Việc kê khai các loại thuế phí được diễn ra một cách công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng giữa người nộp thuế với cơ quan thuế.
Khó khăn:
– Hệ thống pháp luật tuy đang được hoàn thiện nhưng vẫn không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế
– Vẫn còn tình trang nợ thuế, trốn thuế dẫn tới việc Nhà nước bị thất thu một khoản thuế lớn mỗi năm
– Công tác quản lý và khai thác nguồn thuế của một số địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả tạo nhiều lỗ hổng để các cá nhân, tổ chức lợi dụng không nộp thuế.
– Trình độ quản lý của một bộ phận cán bộ thuế còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của ngành thuế dẫn tới việc quản lý lỏng lẻo.