Căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm? Thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án hình sự?
Mục lục bài viết
1. Căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 yêu cầu nội dung của đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải có lý do kháng cáo, lý do, căn cứ kháng nghị (điểm c khoản 2 Điều 332, điểm d khoản 2 Điều 336). Tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định cụ thể căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thực tiễn xét xử cho thấy, bị cáo, bị hại và các đường sự có kháng cáo khi họ nhận thấy quyền và lợi ích của mình hoặc của người mà mình đại diện, bảo vệ không được đảm bảo.Thông thường, bị cáo và người đại diện của họ kháng cáo với mục đích xin giảm nhẹ hình phạt, thay đổi tội danh nhẹ hơn, giảm mức bồi thường thiệt hại... Bị hại, người đại diện của họ thường kháng cáo với mục đích yêu cầu tăng hình phạt, thay đổi tội danh nặng hơn, tăng mức bồi thường thiệt hại,...
1.1. Căn cứ kháng cáo:
Đối với căn cứ kháng cáo, người tham gia tố tụng có thể thực hiện quyền kháng cáo theo đánh giá chủ quan của họ, tức là dù bản án sơ thẩm đã đúng pháp luật những người tham gia tố tụng không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm thì họ có thể kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại. Tuy nhiên khác với kháng cáo, kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định sơ thẩm không thể tùy thuộc vào ý muốn chủ quan mà phải có căn cứ pháp luật.
Ví dụ như trong vụ án Lê Trọng Huỳnh, sinh năm 1996, trú tại thôn Trung Hưng, xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.Bản án hình sự sơ thẩm số 96/2020/HSST ngày 26/11/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Lê Trọng Huỳnh phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, xử phạt Huỳnh 18 tháng tù giam. Bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra công khai và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức hình phạt 18 tháng tù giam đối với bị cáo Lê Trọng Huỳnh. Qua ví dụ thực tế trên có thể thấy, kháng cáo thường mang tính chất chủ quan của người kháng cáo, chủ yếu mang mục đích đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình hoặc của người mà mình đại diện, bảo vệ. Vậy nên khi xét xử phúc thẩm, Tòa án phúc thẩm cần nghiên cứu, đánh giá chính xác tính chất, mức độ của hành vi phạm tội để đưa ra phán quyết khách quan nhất.
1.2. Căn cứ kháng nghị:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tại một điều luật cụ thể nào mà chỉ thông qua một số điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS để xác định căn cứ kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm như: “oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội”(điểm d khoản 1 Điều 266); “có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng” (khoản 5 Điều 267).
Tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định về kháng nghị của VKSND trong đó có kháng nghị phúc thẩm với nội dung:
“Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì VKSND phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, VKS kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm khi có căn cứ bản án, quyết định đó của Tòa án có oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã gián tiếp chỉ ra trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị VKS kháng nghị. Căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 37 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ–VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) (sau đây gọi tắt là Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử). Theo đó, bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
Thứ nhất, việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá không đúng tính chất của vụ án. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã không xem xét, hoặc xem xét chưa triệt để vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Việc điều tra, xét hỏi công khai tại phiên tòa không đầy đủ sẽ dẫn đến việc bản án, quyết định sơ thẩm đánh giá không đúng tính chất của vụ án, từ đó gây oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Xét hỏi là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật vụ án. Tại phiên tòa, với sự có mặt của các bên tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi công khai, quyết định thứ tự người hỏi trước, hỏi sau. Việc xét hỏi đối với bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác để kiểm tra, xem xét các vật chứng; làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án. Việc điều tra xét hỏi công khai tại phiên toà không đầy đủ là trường hợp không xét hỏi hết các tình tiết của vụ án; không thực hiện việc xét hỏi đối với người tham gia tố tụng, không tạo điều kiện cho họ trình bày hết các ý kiến của mình, không làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai bị cáo, bị hại, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác với nhau, mâu thuẫn giữa lời khai với các chứng cứ, tình tiết của vụ án, mâu thuẫn giữa các chứng cứ có trong vụ án; không xét hỏi làm rõ nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS và các tình tiết khác có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án.
Việc điều tra, xét hỏi công khai tại phiên toà không đầy đủ sẽ dẫn đến việc nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử không đảm bảo tính khách quan, toàn diện, không phản ánh đúng tính chất của vụ án.
Thứ hai, Kết luận, quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Đó là khi, kết luận trong bản án, quyết định sơ thẩm không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được điều tra, xác minh tại phiên tòa, không phản ánh đúng đắn bản chất của việc phạm tội.
Để giải quyết vụ án đúng đắn, sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án, Tòa án phải tổng hợp những chứng cứ buộc tội và những chứng cứ gỡ tội. Trên cơ sở hệ thống chứng cứ, Tòa án phải xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 85 BLTTHS năm 2015 đó là có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ phạm tội, những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị cáo; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt. Từ đó, Hội đồng xét xử căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa để đưa ra bản án, quyết định phản ánh rõ sự thật khách quan của vụ án. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án được thể hiện ở các điểm sau đây:
Kết luận của Tòa án không được khẳng định bằng các chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa:
Chứng cứ của vụ án bao gồm những chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và những chứng cứ mới được đưa ra tại phiên tòa. Chứng cứ có thể độc lập hoặc có liên quan đến những chứng cứ khác trong vụ án, cũng có những chứng cứ nếu đặt riêng lẻ không có giá trị chứng minh nhưng nếu đặt trên tổng thể diễn biến vụ án lại có giá trị chứng minh. Có những chứng cứ có giá trị chứng minh hành vi phạm tội, có những chứng cứ
mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án hay có những chứng cứ không đảm bảo giá trị chứng minh. Để đảm bảo giá trị chứng minh trong VAHS, chứng cứ phải đảm bảo tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Vì vậy, thông qua quá trình xét xử tại phiên tòa, tất cả các chứng cứ đều phải được thẩm tra, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào kết quả thẩm tra này để đưa ra bản án đúng pháp luật, phản ánh đầy đủ bản chất của vụ án. Việc Tòa án đưa ra những nhận định, kết luận chỉ dựa vào những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà không dựa vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa là không khách quan dễ dẫn tới oan sai, bỏ lọt tội phạm
Hội đồng xét xử đã không xem xét chứng cứ có ảnh hưởng cơ bản đến kết luận trong bản án, quyết định:
Trong VAHS có thể có nhiều loại chứng cứ khác nhau, để đưa ra được bản án, quyết định chính xác, đúng pháp luật đòi hỏi Hội đồng xét xử phải xem xét tất cả các chứng cứ, đặc biệt là những chứng cứ có ảnh hưởng cơ bản đến kết luận trong bản án, quyết định. Việc Hội đồng xét xử không xem xét những chứng cứ này sẽ dẫn đến việc không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, người tham gia tố tụng. Ví dụ như trường hợp Tòa án đã không xem xét làm rõ các vấn đề liên quan đến vật chứng của vụ án là tài sản thuộc sở hữu chung của người phạm tội và người khác mà đã tịch thu sung quỹ Nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đồng sở hữu khác.
Còn tồn tại những chứng cứ mâu thuẫn nhau có ý nghĩa quan trọng trong việc ra phán quyết:
Trường hợp này Tòa án đã không tiến hành giải quyết triệt để những mâu thuẫn giữa các chứng cứ, không đưa ra căn cứ làm rõ sự phù hợp của các chứng cứ để từ đó lập luận chấp nhận hay bác bỏ các chứng cứ dẫn đến việc kết luận một cách phiến diện, chủ quan. Chẳng hạn như trường hợp có mâu thuẫn giữa các chứng cứ trong xác định tuổi của bị cáo mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được nhưng Tòa án vẫn tiến hành xét xử dẫn đến vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo (về tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội).
Thiếu những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án nhưng Tòa án không đề nghị bổ sung, làm rõ mà vẫn đưa ra quyết định:
Đây là trường hợp chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án chưa được thu thập đầy đủ tuy nhiên tại phiên tòa Tòa án đã không làm rõ, không trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung mà lại căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thu thập để đưa ra quyết định như trường hợp, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại, buộc bị cáo phải thực hiện mặc dù không có đầy đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại
Kết luận trong bản án có mâu thuẫn cơ bản với tài liệu chứng cứ thu thập được:
Trong quá trình giải quyết vụ án, những tài liệu chứng cứ có ý nghĩa quan trọng phải được thu thập đầy đủ, đảm bảo giải quyết của vụ án. Tòa án phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ này để đưa ra những quyết định đối với từng vấn đề của vụ án. Nếu những kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án có mâu thuẫn cơ bản với tài liệu, chứng cứ đã thu thập được sẽ dẫn đến bản án, quyết định không khách quan, không thể hiện đầy đủ, toàn diện bản chất của vụ án làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự.
Thứ ba, có sai lầm trong việc áp dụng các quy định của BLHS, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác. Bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc làm thay đổi bản chất vụ án, “hậu quả giải quyết vụ án của Tòa án không đúng với quy định của pháp luật”, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Xác định bản án hoặc quyết định sơ thẩm có vi phạm trong việc áp dụng các quy định BLHS, BLDS và các văn bản pháp luật khác là căn cứ để kháng nghị phúc thẩm hình sự.
Đây là trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật khác có liên quan dẫn đến việc ra phán quyết không đúng với sự thật khách quan của vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, đương sự trong VAHS.
Việc áp dụng không đúng pháp luật hình sự của Toà án cấp sơ thẩm thường thể hiện qua các điểm sau:
- Bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội; làm oan người vô tội
Việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội; làm oan người vô tội gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó, “Viện KSND Tối cao xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của các đơn vị nghiệp vụ”.
Để đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nếu phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội VKS phải kháng nghị phúc thẩm bản án để đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Ví dụ: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 66/2021/HS–ST ngày 09/3/2021 của
Đối với những trường hợp làm oan đều là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan và đều là căn cứ để VKS thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm. Tòa án làm oan người vô tội thể hiện ở việc kết án người hoặc pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm.
Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS. Một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không được quy định trong pháp luật hình sự thì không được coi là tội phạm. Nói cách khác, chỉ những hành vi vi phạm những quy định của pháp luật hình sự, thỏa mãn đầy đủ cấu thành tội phạm thì mới bị coi là tội phạm. Đây là đặc điểm thể hiện tính hình thức pháp lý của một hành vi phạm tội. Người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng mức độ không đáng kể thì sẽ bị xử lý khác như xử lý hành chính, việc Tòa án kết tội họ trong những trường hợp này là vi phạm nghiêm trọng.
Hành vi không cấu thành tội phạm là hành vi của người hoặc pháp nhân thương mại nào đó không thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Ví dụ: Người thực hiện hành vi phạm tội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không có năng lực trách nhiệm hình sự, không có lỗi, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
– Sai lầm trong việc định tội danh và quyết định hình phạt:
Định tội là quá trình nhận thức, áp dụng pháp luật hình sự được tiến hành trên cơ sở thu thập, đánh giá các tình tiết khách quan liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội của một người, một pháp nhân, tiến hành xem xét, đánh giá, tìm ra sự phù hợp giữa chúng với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS để quy kết hành vi đã thực hiện của một người, một pháp nhân phạm tội gì theo điều, khoản nào của BLHS.
Tòa án có sai lầm trong việc định tội danh khi xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong BLHS, mặc dù, hành vi phạm tội đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của một tội khác cũng được quy định trong BLHS. Tội mà Tòa án kết luận có thể nặng hơn, nhẹ hơn hoặc ngang bằng với tội mà chủ thể đã thực hiện. Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HS–ST ngày 21/02/2020 của TAND tỉnh BK đã tuyên bố các bị cáo NBL và BTN về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Xét thấy về hành vi phạm tội, các bị cáo đã có hành vi đe dọa và trực tiếp sử dụng vũ lực tấn công bị hại nhằm mục đích buộc bị hại phải trả nợ. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản”. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” là không đúng về tội danh.
Hay có những hành vi phạm tội thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau, chủ thể bị coi là phạm nhiều tội và bị xử lý về nhiều tội đó hoặc chỉ bị coi là một tội và xử lý về tội đó đòi hỏi Tòa án phải có nhận định chính xác để xác định tội bị xử lý. Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2020/HSST ngày 23/9/2020 của TAND tỉnh BK đã kết án bị cáo Nông Văn Tuyên về các tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” và “Cố ý gây thương tích”. Về phần tội danh: Do chống trả lại sự tấn công đến từ một nhóm người đối với mình, bị cáo đã dùng dao đâm liên tiếp về phía những người tấn công mình, bất chấp hậu quả, dẫn đến làm 01 người chết, 02 người bị thương. Tòa án cấp sơ thẩm tách các hậu quả khác nhau để xác định bị cáo phạm các tội là không đúng. Hành vi của bị cáo chỉ phạm một tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, còn hậu quả là tình tiết để định khung tăng nặng.
Định tội danh là cơ sở cho việc giải quyết đúng đắn VAHS. Việc định tội không đúng sẽ dẫn đến việc quyết định hình phạt không chính xác, nghiêm trọng hơn có thể để lọt tội phạm hay làm oan người vô tội.
“Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt (đối với loại hình phạt có các mức khác nhau) trong phạm vi luật định để áp dụng đối với chủ thể chịu TNHS” [56, tr. 291]. Trên cơ sở đã xác định được hành vi phạm tội quy định tại điều, khoản nào của BLHS, Tòa án căn cứ vào các quy định của BLHS (về nguyên tắc xử lý, khung hình phạt, loại hình phạt, nội dung, điều kiện áp dụng hình phạt...); tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội (thái độ sau khi thực hiện hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, cải tạo, người có công, người mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,..); những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS (quy định tại Điều 51, 52 BLHS), căn cứ vào khả năng thi hành của người phạm tội (trong trường hợp áp dụng hình phạt tiền) đưa ra quyết định hình phạt phù hợp đối với hành vi phạm tội đó.
Những sai lầm của Tòa án trong quyết định hình phạt thường do áp dụng sai khung hình phạt. Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HSST ngày 05/6/2020 của TAND tỉnh LS tuyên bố các bị cáo MVĐ, LTP, LTH và ĐMH phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Về áp dụng tình tiết định khung hình phạt đối với bị cáo P: Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 19/2018/NĐ–CP ngày 02/02/ của Chính phủ về tính tổng khối lượng hoặc thể tích ma túy tại một số điều của BLHS 2015 thì cùng lúc P có hành vi mua bán đối với 02 chất ma túy cùng quy định tại 01 điểm, trong đó Methamphetamine có trọng lượng 1.720,460g, Heroin 0,112g thuộc khoản 4 Điều 251 BLHS, do đó hành vi của P phải bị truy tố theo điểm h khoản 4 Điều 251 BLHS. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b, h khoản 4 Điều 251 BLHS xử phạt P là không đúng pháp luật, bất lợi cho P. Về hình phạt đối với bị cáo ĐMH, bị cáo là người có nhân thân xấu, đã bị Tòa án kết án về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, nhiều lần bị xử lý hành chính. Trong vụ án, đánh giá về vai trò của bị cáo thị bị cáo ĐMH có vai trò ngang với bị cáo P. Do vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo ĐMH mức án 20 năm tù là nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo. Do đánh giá không đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 41/2020/HS–ST ngày 01/9/2020 của TAND tỉnh HT đã xét xử bị cáo NAT về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xử phạt bị cáo 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm. Về hình phạt: bị cáo T đã vi phạm quy định của Nhà nước và ngành điện về đảm bảo an toàn thi công công trình điện lực dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 04 người tử vong, thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Bị cáo phạm tội theo điểm a khoản 3 Điều 298 BLHS có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm. Mặc dù, | bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên, với vai trò là người chịu trách nhiệm chính của đơn vị thi công nhưng bị cáo đã không thực hiện việc thi công đúng quy định là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm là chưa nghiêm minh, không tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả do bị cáo gây ra. Hay do áp dụng không đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS. Ví dụ: Bị cáo ĐTTN có hành vi trộm cắp 472.956.500 đồng của chị CYH. Bản án hình sự sơ thẩm số 196/2020/HS–ST ngày 12/6/2020 của
Việc quyết định hình phạt không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội sẽ đến bản án không khách quan, không chính xác, thiếu đi tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa.
– Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định khác của BLHS:
Ngoài những sai lầm trong việc xác định hành vi phạm tội, định tội danh hay quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể có những vi phạm khi áp dụng dụng những quy định khác của BLHS như miễn trách nhiệm hình sự, đồng phạm, phạm tội chưa đạt, xử lý vật chứng... Ví dụ: Bản án hình sự số 206/2020/HSST ngày 18/6/2020 của TAND thành phố H đã tuyên bố TXL phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 244 BLHS, tại phần xử lý vật chứng Tòa án áp dụng Điều 46, 106 BLHS tịch thu, sung quỹ nhà nước 18 kg mảnh vụn ngà voi. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 106 BLHS và Điều 15 Nghị quyết số 29/2012/TT–BNNPTNN ngày 31/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì toàn bộ số mảnh vụn ngà voi thuộc trường hợp phải tiêu hủy. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu, sung quỹ Nhà nước là không đúng quy định.
– Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác:
Trong một số vụ án, đặc biệt là những vụ án giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ... cùng với việc giải quyết VAHS, còn cần phải giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại phát sinh do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của tổ chức, cá nhân bị tội phạm xâm hại. Để tạo cơ sở cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, bảo đảm quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng, pháp luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS. Đây là nguyên tắc cơ bản mới được bổ sung trong BLTTHS năm 2015.
Nguyên tắc này đòi hỏi việc giải quyết vấn đề dân sự phải được tiến hành cùng với việc giải quyết VAHS. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án sẽ xem xét các vấn đề có liên quan đến trách nhiệm bồi thường, quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại, từ đó đưa ra phán quyết về vấn đề này bên cạnh những nội dung của trách nhiệm hình sự trong bản án hình sự sơ thẩm. Trong trường hợp phải giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS mà chưa có đủ chứng cứ chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì vấn đề dân sự có thể được tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Ngoài ra, có thể còn có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật khác như việc áp dụng quy định về án phí, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng và Nhà nước.
Những vi phạm nghiêm trọng trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong VAHS ở cấp sơ thẩm đều là căn cứ để VKS kháng nghị phúc thẩm. Ví dụ: Cũng tại Bản án hình sự sơ thẩm số 196/2020/HS–ST ngày 12/6/2020 của TAND thành phố H tuyên bố ĐTTN phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Tại phần xử lý trách nhiệm dân sự Tòa án yêu cầu bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho bị hại số tiền 44.126.500 đồng, tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã trả lại tài sản cho bị hại với trị giá 428.830.000 đồng, bị cáo chỉ còn phải bồi thường cho bị hại số tiền 41.026.500 đồng. Như vậy, việc Tòa án yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền như trên là không chính xác, thêm nữa tại phần quyết định của bản án không tuyển về trách nhiệm dân sự và án phí dân sự là có thiếu sót
Thứ tư, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng. Thành phần Hội đồng xét xử vi phạm Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hoặc thủ tục tố tụng có thực hiện không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.
Hội đồng xét xử bao gồm các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân do Tòa án có thẩm quyền lập ra nhân danh Nhà nước thực hiện việc xét xử tại phiên tòa để ra bản án hoặc quyết định đối với các vụ án. Vì vậy, để hoạt động xét xử khách quan, toàn diện, đúng pháp luật đảm bảo thực hiện những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự: Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Tòa án xét xử tập thể, đòi hỏi thành phần Hội đồng xét xử phải đúng quy định của pháp luật.
Pháp luật tố tụng hình sự đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm theo đó tại khoản 1 Điều 254 BLTTHS năm 2015:
Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm ..... Trường hợp xét xử đối với người dưới 18 tuổi, khoản 1 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định “Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi...”. Đối với những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn, khoản 1 Điều 463 BLTTHS năm 2015 quy định: “Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành”.
Bản án, quyết định sơ thẩm hình sự bị kháng nghị khi chưa có hiệu lực pháp luật, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự và các vi phạm này là những vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm).
Điểm c khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Quy định trên có thể hiểu là trong quá trình tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã có hành vi không thực hiện những quy định bắt buộc trong BLTTHS hoặc có hành vi thực hiện những quy định nhưng thực hiện không đúng, không đầy đủ theo trình tự, thủ tục xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện.
Những vi phạm thủ tục tố tụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm của Toà án tới mức nghiêm trọng phải kháng nghị theo thủ tục phúc phẩm có thể kể đến như: Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án không đúng; Xét xử không đúng thẩm quyền; Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ; Không từ chối tiến hành, tham gia tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong trường hợp quy định tại các Điều 49, 51, 52, 53, 54, 68, 69 và 70 của BLTTHS năm 2015; Triệu tập không đầy đủ những người cần triệu tập đến phiên toà để xét hỏi hoặc tuy có triệu tập những người được triệu tập không nhận được giấy triệu tập vì có lý do chính đáng; Bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn xét xử vắng mặt họ ở phiên toà sơ thẩm người bào chữa thuộc trường hợp quy định vắng mặt, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn xét xử; Bị hại vắng mặt trong trường hợp sự vắng mặt của họ trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử; Những người tham gia tố tụng khác như: Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật... mà sự vắng mặt của họ trở ngại đến việc xác định sự thật của vụ án; Không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa; Không tuyên phần kháng cáo; quyền viết đơn xin ân giảm đối với trường hợp bị cáo bị kết án tử hình; Biên bản nghị án phản ánh nội dung quyết định của Hội đồng xét xử không đúng với phần quyết định của bản án đã tuyên tại phiên toà .... .
Những vi phạm thuộc các trường hợp trên đều coi là vi phạm nghiêm | trọng thủ tục tố tụng hình sự và phải được phát hiện kháng nghị kịp thời.
Những vi phạm thủ tục tố tụng khác nhưng không đến mức nghiêm trọng, không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, không làm sai lệch bản chất vụ án thì không cần thiết phải kháng nghị mà chỉ thực hiện việc yêu cầu, kiến nghị Tòa án.
Qua thực tiễn cho thấy các căn cứ kháng nghị này là phù hợp, tuy nhiên vẫn chỉ là quy định mang tính chất nội bộ của ngành Kiểm sát nên trên thực tế có nhiều trường hợp chưa có cách hiểu thống nhất trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật.
2. Thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
“Thủ tục của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là cách thức theo quy định của pháp luật để thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị”.Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải được thực hiện bằng những thủ tục, hình thức nhất định theo quy định của pháp luật mới được coi là kháng cáo, kháng nghị hợp lệ.
2.1. Thủ tục và hình thức kháng cáo:
Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định chủ thể thực hiện quyền kháng cáo theo hai hình thức là đơn kháng cáo và trình bày kháng cáo trực tiếp với Tòa án. Thẩm quyền tiếp nhận kháng cáo thuộc về cả Tòa án đã xét xử sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm. Đây là điểm mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tiếp nhận kháng cáo dưới hình thức trực tiếp. So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định người kháng cáo chỉ có thể trình bày trực tiếp với
Đối với hình thức đơn kháng cáo,nội dung của Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 332 gồm: thời gian làm đơn kháng cáo; họ tên, địa chỉ của người kháng cáo, lý do và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Như đã phân tích về căn cứ của kháng cáo, trong đơn kháng cáo không yêu cầu người kháng cáo đưa ra căn cứ cho việc kháng cáo của mình mà chỉ cần nêu lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo
Đối với hình thức kháng cáo trực tiếp với Tòa án,Tòa án tiếp nhận kháng cáo phải lập biên bản về việc kháng cáo. Biên bản về việc kháng cáo phải tuân thủ quy định về Biên bản theo Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Có thể hiểu biên bản về việc kháng cáo gồm có các nội dung như: địa điểm, thời gian lập biên bản, nội dung của kháng cáo, thành phần tham gia lập biên bản, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ. Tuy nhiên Điều 133 chỉ quy định về Biên bản nói chung trong tố tụng hình sự chứ không quy định cụ thể biên bản kháng cáo trong trường hợp kháng cáo trực tiếp tại Tòa án phải có những nội dung gì, có cần phải trình bày lý do kháng cáo hay không?
Người kháng cáo khi nộp đơn kháng cáo hoặc trình bày trực tiếp có thể chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo bằng các chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có).Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
Bên cạnh đó, để “bảo đảm quyền kháng cáo tối đa cho bị cáo” , khoản 1 Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trường hợp người kháng cáo là bị cáo đang bị tạm giam thì Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. Tuy nhiên quy định này có điểm hạn chế là bị cáo chỉ được thực hiện quyền kháng cáo bằng đơn kháng cáo mà không được trình bày trực tiếp kháng cáo với Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Thủ tục kháng cáo được quy định tại Điều 334 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ. Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.
Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, VKS cùng cấp. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn.Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Khoản 1 của Điều 334 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Tòa án phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo tuy nhiên không có điều luật nào quy định về tính hợp lệ của kháng cáo. Đây là điểm bất cập của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cần được hoàn thiện trong thời gian tới.
2.2. Thủ tục và hình thức kháng nghị:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thủ tục kháng nghị tại một điều luật cụ thể . Tuy nhiên Điều 32 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử quy định: khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS cấp mình để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, sau khi kết thúc phiên tòa hoặc sau khi nghiên cứu bản án, quyết định sơ thẩm thì Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án nếu xác định có căn cứ để kháng nghị thì báo cáo đề xuất bằng văn bản với lãnh đạo Viện để xem xét và quyết định việc kháng nghị.
Khác với kháng cáo có thể bằng lời nói hoặc văn bản, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải được thực hiện dưới hình thức văn bản là quyết định kháng nghị. Quyết định kháng nghị tuân theo hình thức và nội dung, đúng thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật là căn cứ phát sinh hiệu lực của kháng nghị. Tại khoản 2 Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nội dung Quyết định kháng nghị của VKS cùng cấp hoặc VKS cấp trên trực tiếp phải ghi rõ lý do và căn cứ kháng nghị, những vi phạm pháp luật của bản án, quyết định về đánh giá chứng cứ, về vận dụng chính sách pháp luật hoặc về áp dụng thủ tục tố tụng và nêu quan điểm, yêu cầu của VKS về việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Hình thức của Quyết định kháng nghị phải theo Mẫu số 15/XP ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ–VKSTC ngày 18/12/2017 của VKSND tối cao.
Như vậy, sau khi nhận được kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện hoạt động thụ lý vụ án và phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án (Điều 340 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp để nghiên cứu, trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển cho VKS cùng cấp (Điều 341 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).