Khái niệm tham nhũng và nguyên tắc xử lý tham nhũng? Xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức tham nhũng?
Phòng chống tham nhũng là cuộc chiến trường mà Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ. Thông qua các biện pháp xử lý chặt chẽ, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện tốt cuộc chiến này, xử lý nghiêm đối với những đối tượng tham gia. Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ biện pháp xử lý với cán bộ công chức, viên chức tham nhũng.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Khái niệm tham nhũng và nguyên tắc xử lý tham nhũng:
– Hiện nay, tham nhũng là vấn đề diễn ra khá phổ biến ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Có thể thấy, đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là người được bổ nhiệm, bầu cử, có chức vụ, quyền hạn tại cơ quan, tổ chức nào đó. Những đối tượng này lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng. Như vậy, có thể thấy đối tượng tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn và người này phải lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn này để đạt được một lợi ích nào đó không chính đáng.
– Tham nhũng là hành vi trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của quốc gia và người dân. Do đó, việc xử lý hành vi tham nhũng là vấn đề mang tính chất đặc biệt quan trọng được Nhà nước quan tâm và trực tiếp chỉ đạo. Theo đó, việc xử lý hành vi tham nhũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Điều này tạo nên đặc tính công bằng, công minh trong quá trình xử lý tham nhũng. Bất kỳ đối tượng nào thực hiện hành vi tham nhũng đều bị răn đe, xử lý.
+ Thứ hai, người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đây là cách xử lý công bằng, đúng tội. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Tham nhũng là có tội, song cách xử lý hành vi tham nhũng cũng phải khách quan, đảm bảo các cá nhân liên quan phải chịu trừng phạt theo đúng mức độ tội phạm của mình.
+ Thứ ba, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật. Cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng thực chất chỉ là cá thể của cả bộ máy quản lý của tổ chức. Do đó, người đứng đầu của cơ quan, tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của cá thể trong bộ máy tổ chức của mình. Việc xử lý này góp phần tạo nên tính nhất quán trong cả hệ thống, mang tính răn đe kỷ luật, để răn đe người lãnh đạo của tổ chức khác để họ thắt chặt quản lý, tránh trường hợp để nhân viên cấp dưới thực hiện hành vi tham nhũng.
+ Thứ tư, để thể hiện sự khách quan, khoan hồng trong quá trình thực thi pháp luật, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
+ Thứ năm, người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của
+ Thứ sáu, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản tham nhũng là tài sản của Nhà nước, thì sau khi thu hồi, tài sản đó sẽ được nộp lại cho nguồn ngân sách chung của Nhà nước.
+ Thứ bảy, đối với thiệt hại do hành vi tham nhũng, thì người thực hiện hành vi tham nhũng phải khắc phục, bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định của Nhà nước và pháp luật.
2. Xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức tham nhũng:
– Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
– Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
– Các biện pháp xử lý đối với hành vi tham nhũng của cán bộ công chức, viên chức bao gồm:
+ Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
+ Các hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc. Việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đổi với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức.
+ Các hình thức kỷ luật đối với viên chức gồm: Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; buộc thôi việc. Viên chức quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc.
Có thể thấy, Nhà nước và pháp luật đưa ra các biện pháp xử lý hết sức chặt chẽ đối với hành vi tham nhũng của cán bộ công chức viên chức. Điều này tạo nên sự khách quan, công bằng trong việc xử lý hành vi vi phạm, thể hiện quyền lực tối cao của pháp luật trong việc điều chỉnh hành vi vi phạm của mỗi cá nhân. Tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc sống và làm việc của cán bộ viên chức, công chức theo quy định của pháp luật. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sự phát triển của tổ chức, đất nước; xâm phạm đến điều kiện công ích mà người dân vốn được hưởng (Bởi thông thường, tiền tham nhũng thường là số tiền được Nhà nước cấp để phục vụ cho việc xây dựng các công trình công ích, phục vụ đời sống của người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh nước nhà theo xu hướng phát triển của nền kinh tế chung của thế giới). Do đó, những biện pháp xử lý của Nhà nước là vô cùng cần thiết, kịp thời. Nó được xem là phương thức ngăn chặn sự tiếp diễn của hành vi vi phạm; răn đe hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức của cán bộ công chức, viên chức. Việc xử lý nghiêm, chặt chẽ và khách quan những hành vi tham nhũng, Nhà nước thể hiện được quyền quản lý Nhà nước, xã hội, bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế xã hội nước nhà.