Cầm tiền công ty rồi tiêu hết thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không? Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi không thanh toán tiền nhận giữ của người lao động.
Cầm tiền công ty rồi tiêu hết thì có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì không? Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi không thanh toán tiền nhận giữ của người lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Bạn tôi làm ở 1 công ty, khi hết hạn hợp đồng họ không kí tiếp, tuy nhiên công ty vẫn đóng bảo hiểm cho bạn tôi. Khi xin nghỉ bạn tôi có trao đổi với Giám đốc là xin cầm trước khoản tiền các dự án mà bạn tôi đã mang về cho công ty là: 7 triệu 500 ngàn đồng. Giám đốc đồng ý, cũng không có biên bản gì, chỉ nói miệng, bạn tôi hiện đã tiêu hết. Sau đó công ty đòi bạn tôi trả lại số tiền này, nếu không trả thì kiện bạn tôi. Vậy tôi muốn hỏi công ty đó có căn cứ gì để khởi kiện và nếu kiện thì bạn tôi có bị tội danh gì không? Mong Phòng Luật sư trả lời giúp tôi sớm.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2003
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, về quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Công ty. Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định:
“Điều 25. Trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm
1. Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức và công dân tham gia tố tụng hình sự; phải trả lời kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm cho tổ chức đã báo tin, người đã tố giác tội phạm biết.
3. Các tổ chức, công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.”
Theo đó, mọi chủ thể trong xã hội đều có quyền tố giác tội phạm. Vậy nên về nguyên tắc, phía công ty nơi bạn của bạn từng làm việc hoàn toàn có quyền làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan có thẩm quyền về hành vi mà bạn của bạn đã thực hiện. Sau quá trình điều tra, xác minh thông tin ban đầu, nếu xác định có các dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án và vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự.
Thứ hai, vấn đề mà bạn của bạn gặp phải liên quan đến số tiền 7 triệu 500 nghìn đồng nhận từ Giám đốc công ty nơi làm việc. Thông qua yêu cầu của phía công ty đối với bạn thì tình huống này có nhiều dấu hiệu liên quan đến nhóm các tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu được quy định tại Bộ luật hình sự 1999. Để xác định tội danh mà bạn của bạn có thể phải đối mặt khi vụ việc được đưa ra Tòa giải quyết thì cần căn cứ vào nhiều yếu tố:
– Về chủ thể, vì bạn không cung cấp thông tin cụ thể nên chúng tôi cho rằng bạn của bạn là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ: người đủ 18 tuổi trở lên và không mắc các bệnh về thần kinh dẫn đến việc suy giảm hay mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, bạn của bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những hành vi mình thực hiện.
– Khách thể, trong vụ việc này chính là quan hệ sở hữu đối với số tiền 7 triệu 500 nghìn đồng. Đây là quan hệ được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ nên những hành vi xâm phạm khách thể này sẽ phải chịu sự xử lý của pháp luật.
– Yếu tố mặt chủ quan. Qua những thông tin bạn cung cấp thì bạn của bạn chủ động thực hiện việc đề đạt nhận số tiền 7 triệu 500 nghìn đồng với Giám đốc công ty để có tiền tiêu dùng. Như vậy, nếu được xác định là có tội thì lỗi của bạn của bạn sẽ được xác định là lỗi cố ý.
– Yếu tố khách quan. Đặc điểm chung trong yếu tố khách quan của các tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu là sự giả dối hay những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong trường hợp này, bạn của bạn cho rằng số tiền 7 triệu 500 nghìn đồng là số tiền hợp lý mà anh ta được nhận bởi đã giúp công ty ký kết được các hợp đồng và khi đề xuất với Giám đốc công ty thì đã nhận được sự chấp nhận. Tuy nhiên, số tiền 7 triệu 500 nghìn đồng này bạn của bạn vay của Giám đốc hay là theo bạn nói "xin cầm trước" ở đây được hiểu như thế nào?
Theo như bạn trình bày thì không có bất cứ hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay những hành vi khác dẫn đến việc Giám đốc công ty buộc phải đồng ý với yêu cầu trên hay nói cách khác là bạn của bạn nhận được tài sản một cách hoàn toàn tự nguyện, dấu hiệu của thủ đoạn gian dối trong trường hợp này cũng không rõ ràng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, nếu có căn cứ xác nhận việc bạn của bạn lấy số tiền thông qua một giao dịch "cầm hộ" nhưng lại chiếm đoạt số tiền đó thì mới có thể thỏa mãn các dấu hiệu theo quy định của Bộ luật hình sự 1999, hiện tại chưa có đủ căn cứ và còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra. Nếu không đủ điều kiện nêu trên bên công ty có thể tiến hành kiện đòi tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.