Hãy trình bày cảm nhận về một nhân vật trẻ em mà em thấy ấn tượng trong truyện “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam được biên soạn với các bài văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 6.
Mục lục bài viết
1. Cảm nhận về một nhân vật trẻ em trong Gió lạnh đầu mùa hay:
Mẫu 1:
Có nhiều nhân vật nhỏ tuổi xuất hiện trong tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” nhưng nhân vật khiến bản thân tôi ấn tượng nhất chính là nhân vật Lan, là chị gái của Sơn. Lan được xây dựng trong truyện hiện lên là hình ảnh một cô bé có trách nhiệm và tháo vát. Lan dậy sớm ngồi cùng mẹ quạt bếp pha trà, giúp mẹ lấy thúng quần áo ra cho em mặc…. Không những vậy, Lan còn là một cô bé rất giàu tình yêu thương đối với mọi người. Cô bé yêu thương em trai mình hết mực: Chính Lan là người đánh thức em dậy mỗi sáng, an ủi, động viên em… Còn đối với những đứa trẻ trong xóm, Lan luôn hòa đồng, thân thiện và gần gũi. Thấy Hiên đứng ở xa mà không đến chơi cùng mình, Lan đã gọi Hiên đến và hỏi thăm rất chân thành. Sau khi nghe em trai gợi ý mang cho Hiên một chiếc áo bông, Lan đã đồng ý và còn háo hức chạy về nhà lấy. Thông qua nhân vật này, tác giả Thạch Lam muốn gửi gắm tới bạn đọc bài học về tình yêu thương đối với mọi người.
Mẫu 2:
Nhân vật tôi ấn tượng và yêu thích nhất khi đọc tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam chính là cậu bé Sơn. Cậu sinh ra trong một gia đình giàu có, luôn nhận được sự yêu thương từ những người thân. Tính cách của cậu bé có thể được nhìn thấy qua những tình huống đặc biệt của câu chuyện. Khi nhìn thấy người vú già “với lấy cái áo, lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”, cậu bé cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Sơn cũng cảm động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Sơn luôn thân thiện và chơi đùa với những đứa trẻ nghèo trong xóm – thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc. Tuy nhiên, cảm động nhất là hành động của cậu bé khi nhìn thấy Hiên – cô bé hàng xóm nhà bên không có áo ấm để mặc. Khi nhìn thấy Hiên đứng bên cột quán trong gió lạnh chỉ với chiếc áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”, Sơn chợt nhớ đến mẹ Hiên nghèo lắm và nhớ đến em Duyên ngày trước thường hay chơi với Hiên ở vườn nhà. Một suy nghĩ tốt đẹp chợt lóe lên trong đầu cậu bé – tặng chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu kể lại chuyện đó cho chị gái mình và nhận được sự đồng ý của chị. Cô bé Lan “hăm hở” chạy về nhà lấy chiếc áo. Về phần Sơn, cậu bé lặng lẽ đứng đợi chờ, trong lòng chợt cảm thấy “ấm áp vui vui”. Với nhân vật cậu bé Sơn, tác giả Thạch Lam đã đưa ra bài học quý giá về tình yêu thương con người trong cuộc sống.
2. Cảm nhận về một nhân vật trẻ em trong Gió lạnh đầu mùa ấn tượng:
Mẫu 1:
Khi đọc truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam, tôi ấn tượng nhất bởi hình ảnh nhân vật Hiên được xây dựng trong tác phẩm. Tác giả miêu tả hình ảnh cô bé chỉ bằng một vài chi tiết nhỏ nhưng cũng đã đủ để gây ấn tượng trong lòng tôi. Hiên cũng sống ở xóm chợ nghèo. Hoàn cảnh gia đình cô bé rất khó khăn. Mẹ Hiên làm nghề bắt cua, bắt ốc để kiếm sống hàng ngày. Số tiền kiếm được chỉ đủ để trang trải qua từng ngày. Mùa đông đến, Hiên không có áo ấm để mặc. Cô bé chỉ dám đứng từ xa nhìn Sơn và Hiên nói chuyện với các bạn từ đằng xa. Hình ảnh Hiên hiện lên qua những lời văn miêu tả thật đáng thương, xót xa – “co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Dù nghèo khó nhưng cô bé Hiên không hề cảm thấy có một chút bất hạnh nào vì Hiên vẫn nhận được đầy đủ tình yêu thương của mẹ và sự thông cảm của các chị em Sơn. Chiếc áo mà Hiên nhận được đã chứa đựng tình bạn cùng tấm lòng nhân ái, thảo thơm của Sơn và Lan. Tác giả Thạch Lam đã miêu tả nhân vật Hiên khơi gợi trong lòng người đọc biết bảo sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc.
Mẫu 2:
Trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”, tác giả Thạch Lam đã xây dựng thành công hình ảnh của nhân vật cậu bé Sơn – một cậu bé mang trong mình tấm lòng nhân hậu và giàu tình yêu thương. Sơn dược inh ra trong một gia đình hạnh phúc và giàu có. Em là một đứa trẻ ngoan, sống một cuộc sống no đủ và được mẹ yêu thương, chiều chuộng hết mực. Thật khó để một đứa trẻ có thể nhận thức và thấu hiểu được thiếu thốn, vất vả của người khác, nhất là với một đứa trẻ được sống trong nhung lụa như Sơn. Tuy nhiên, Sơn lại rất đặc biệt. Em đã hiểu và thông cảm cho những đứa trẻ đang bất hạnh trong cuộc sống. Cậu bé là một đứa trẻ rất đáng yêu và tràn đầy tình yêu thương với em gái mình. Ngủ dậy thấy lạnh, Sơn đã “kéo chăn lên đắp cho em” đang ngủ. Khi mẹ giơ chiếc áo bông cũ của em Duyên – người đã mất khi năm lên bốn tuổi – “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá”. Những cử chỉ, tình cảm này cho thấy Sơn đủ để cho chúng ta thấy rằng em quả thực là một cậu bé có một tâm hồn rất đẹp, rất trong sáng, ngay từ nhỏ đã biết quan tâm đến mọi người xung quanh. Sơn cũng là một đứa trẻ đáng yêu và giàu tình yêu thương. Mặc dù mấy đứa em họ của Sơn “kiêu kỳ và khinh khỉnh” bạn bè thì Sơn và chị Lan lại rất thân thiện và chan hòa với chúng. Vì thế, khi thấy chị em Sơn đến, chúng “lộ vẻ vui mừng khôn xiết”. Khi gặp các bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cậu bé nhìn những người bạn nhỏ thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc… mà thương xót cho hoàn cảnh nghèo khó của các bạn. Trời lạnh mà các bạn vẫn “ăn mặc không khác ngày thường, vần những bộ quần áo nâu bạc đã rách và vá nhiều chỗ”, và “môi chúng nó tím lại….” chỗ quần áo rách “da thịt thâm đi”. Mỗi lần gió lạnh thổi qua, các bạn của Sơn lại “run lên” và “hai hàm răng đập vào nhau”. Chỉ có những trái tim nhân hậu, nhân ái mới biết quan tâm đến người thân như vậy thì mới có tấm lòng biết chia sẻ và cảm thông với bạn bè mà thôi. Cậu bé Sơn cũng như vậy. Sơn đã chơi và sống với các bạn bằng một trái tim nhân hậu và nhân ái biết bao!
3. Cảm nhận về một nhân vật trẻ em trong Gió lạnh đầu mùa đặc sắc:
Nhân vật cậu bé Sơn trong “Gió lạnh đầu mùa” của Nguyễn Thạch Lam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Tác giả Thạch Lam đã xây dựng hình ảnh cậu bé Sơn là một cậu bé lễ phép, tốt bụng và đáng yêu. Cậu được sinh ra trong một gia đình giàu có và nhận được sự yêu mến của mọi người xung quanh. Nhưng điều đó không khiến cậu bé trở nên kiêu ngạo hay xa cách một chút nào. Đối với lũ trẻ hàng xóm – thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc, Sơn vẫn thường xuyên chơi cùng và tỏ ra thân thiết, chứ cậu không hề có biểu hiện kì thị hay khinh thường. Điều đặc biệt nhất là cách cư xử của Sơn đối với cô bé Hiên. Khi nhìn thấy Hiên đứng “co ro” bên cột quán trong cơn gió lạnh, cô bé chỉ mặc một manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Sơn cảm thấy thương xót cho cô bé. Chợt nhớ đến mẹ Hiên nghèo lắm và nhớ đến em Duyên ngày trước hay chơi với Hiên ở trong vườn. Một ý tưởng hay chợt lóe lên trong đầu cậu bé – tặng chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Có thể thấy, thông qua nhân vật Sơn, tác giả đã truyền tải những giá trị nhân văn cao đẹp để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.