Bài thơ “Nhớ rừng” của nhà thơ Thế Lữ đã mượn lời của con hổ trong vườn bách thú để nói lên tâm sự thầm kín của mình. Để hiểu rõ hơn tâm sự thầm kín của tác giả trong bài thơ này, mời các bạn tham khảo bài viết Cảm nhận về khổ thơ cuối của bài thơ Nhớ rừng hay nhất dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Cảm nhận về khổ thơ cuối của bài thơ Nhớ rừng hay nhất:
Thế Lữ tên đầy đủ Nguyễn Thứ Lễ, sinh năm 1907, qua đời năm 1989, quê ở Bắc Ninh, được đánh giá là một trong những đại diện tiên phong của trào lưu Thơ Mới (1932 – 1945). Với tâm hồn dạt dào cảm xúc và sự tài tình trong sử dụng ngôn ngữ, ông đã đóng góp quan trọng cho sự đổi mới của thơ ca Việt Nam. Ngoài tuyển tập Mấy vần thơ xuất bản năm 1935, Thế Lữ còn sáng tác nhiều loại văn học khác như truyện trinh thám, kinh dị, đường rừng, kịch… Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực sân khấu và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành kịch nói ở Việt Nam.
Thế Lữ – một cái tên không thể phai mờ khi nhắc đến bài thơ Nhớ rừng, bài thơ đã chinh phục trái tim của nhiều độc giả. Sử dụng hình ảnh con hổ bị nhốt trong vườn bách thú, tác giả đã mô tả tâm trạng uất hận và chán ghét cuộc sống tầm thường, đầy u ám. Bằng cách này, ông thể hiện sự phủ nhận thực tại nô lệ, khao khát tự do mãnh liệt và tình yêu nước sâu sắc của nhân dân. Đặc sắc nhất phải kể đến khổ thơ cuối của bài thơ:
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Chúng ta có thể thấy “lời của con hổ ở vườn Bách thú” nhưng rõ ràng bài thơ là tâm trạng của cả một tầng lớp, một thế hệ thanh niên Việt Nam cảm thấy bất lực và bế tắc. Ta muốn thấy một con hổ biết phá cũi sổ lồng, một con hổ biết tung người lên, bay qua các hàng rào để tự giải phóng cho mình hay tiêu cực hơn, tự đập đầu vào tường, để tự sát, quyết không chịu sống cảnh “nhục nhằn tù hãm” nhưng con hổ của chúng ta, con hổ của Thế Lữ, không được như thế. Con hổ của chúng ta, con hổ của Thế Lữ, chỉ biết dừng lại ở chỗ: bất bình với hiện tại, xót xa với cái hôm nay, nhớ tiếc quá khứ, mơ mộng đến những ngày tháng đã qua!
Nhưng dù sao đi nữa, dù bất lực và bế tắc thì sự bất lực và bế tắc của một con hổ vẫn kì vĩ hơn nhiều, hào hùng hơn nhiều so với sự bất lực và bế tắc của một con sâu hay sự bất lực và bế tắc của một con dòi. Bởi một lẽ đơn giản là con hổ được người ta tôn trọng: người ta gọi con hổ là ông Hổ, ông Hùm, ông Cọp, ông Ba mươi. Ở Phan Rang (Ninh Thuận) có Cầu ông Cọp, ở Hội An (Quảng Nam) có Miếu ông Cọp, …
Tóm lại, với sáng tạo nghệ thuật độc đáo, Thế Lữ đã góp phần khẳng định chỗ đứng vững chắc và sự toàn thắng của thơ mới trên diễn đàn văn học, đánh dấu một bước ngoặt lớn của thi ca Việt Nam đương đại. Bài thơ đã dựng lên thành công hình tượng chúa sơn lâm thật đẹp, thật bi tráng mang nỗi niềm tâm sự của con người. Thoát khỏi khuôn khổ câu chữ trong thơ, bài thơ đã thể hiện sâu sắc thấm thía tình yêu quê hương đất nước của lớp thanh niên đương thời.
2. Cảm nhận về khổ thơ cuối của bài thơ Nhớ rừng ấn tượng nhất:
Thế Lữ là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ mới hiện đại. Ông đã để lại cho chúng ta vô vàn những tác phẩm hay và đặc sắc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu đó không thể không kể đến bài thơ Nhớ rừng. Thơ của ông luôn thể hiện được sự lãng mạn và những ẩn ý vô cùng sâu sắc và tác phẩm Nhớ rừng cũng không ngoại lệ – thể hiện sự khát khao tự do qua hình tượng của con hổ. Qua bài thơ ta nhận thức được nỗi uất hận của người dân Việt Nam phải sống trong sự tù túng của quân xâm lược. Đặc biệt hơn, niềm khao khát tự do ấy được thể hiện rõ hơn hết trong khổ thơ thứ năm của bài thơ:
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Quá khứ và hiện tại, tự do và nô lệ, cái mất và cái còn, chán chường tẻ nhạt và rực rỡ huy hoàng,… luôn đan xen nhau, hỗ trợ cho nhau tạo nên những vẻ đẹp lấp lánh nhiều sắc màu, nhiều cung bậc tình cảm, nhiều giọng điệu trong toàn bài thơ. Tinh thần của bài thơ là một hoài niệm. Quá khứ chính là yếu tố tạo nên chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Mạch cảm xúc thông thường trong tác phẩm thơ là từ hiện tại mà hướng đến tương lai, còn ở đây tác giả lại để cho cảm xúc vận động theo chiều ngược lại: từ hiện tại mà quay về quá khứ.
Nhớ rừng là một bài thơ hay, tiêu biểu cho phong trào thơ Mới giai đoạn khởi đầu, là lá cờ tiên phong dẫn lối cho các nhà thơ khác phát triển hơn nữa nền thơ ca Việt Nam, thoát khỏi phong các thơ cổ, theo lối mòn cứng nhắc. Có thể thấy rằng không chỉ đoạn thơ cuối mà cả bài thơ Nhớ rừng đều tập trung hướng về một nội dung chính là sự bế tắc của đất nước và con người Việt Nam giai đoạn trước cách mạng, phải chịu cảnh tù đày, nô lệ đầy nhục nhã, luôn đau đáu hối tiếc về những ngày tháng tự do, tốt đẹp xưa cũ, nhưng nhân dân ta chưa từng một ngày chịu khuất phục, dẫu thực cảnh có bế tắc, họ vẫn luôn tìm cách giải phóng bản thân mình bằng niềm hy vọng, khao khát tự do mãnh liệt, chống chọi với những cái tầm thường, giả dối độc ác.
3. Cảm nhận về khổ thơ cuối của bài thơ Nhớ rừng chi tiết nhất:
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Xét về hình thức nghệ thuật của bài thơ “Nhớ rừng”, cái “mới” của thi phẩm trước hết được thể hiện qua thể thơ tám chữ, gieo vần liền (hai câu liền nhau có vần với nhau), vần bằng, vần trắc hoán vị liên tiếp, đều đặn. Kế thừa thể hát nói truyền thống nhưng “Nhớ rừng” với thể tám chữ đã được dùng linh hoạt, tự do hơn về cách ngắt nhịp, phá bỏ hoàn toàn những qui định niêm luật vận đối cứng nhắc (khi ngắn, khi dài, khi anh, khi chậm…).
Ngoài ra ngôn ngữ hình ảnh thơ không còn mang tính ước lệ nữa, thay vào đó rất sinh động, sáng tạo, giàu tính chất trữ tình, biểu cảm. Bên cạnh đó, bài thơ còn sử dụng nhiều các biện pháp tu từ nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, liệt kê, câu hỏi tu từ… Tất cả điều đó đã tạo nên tính nhạc điệu và chất họa cho bài thơ.
Xét về nội dung, bài thơ “Nhớ rừng” đã mượn lời con hổ ở vườn bách thảo để thể hiện kín đáo tâm sự con người thời kì đó. Bài thơ có lời đề từ là “Lời con hổ ở vườn bách thú” những đó thực chất là lời tâm sự, khát vọng tự do mạnh mẽ của thế hệ thanh niên sống trong hoàn cảnh mất nước. Đó là “niềm uất hận ngàn thâu” đối với hiện thực xã hội tù túng, ngột ngạt – một hiện thực khiến con người thấy chán ghét, muốn từ bỏ, thoát ly. Đi liền với sự chối bỏ là niềm khát khao mạnh mẽ được đổi thay, được khẳng định giá trị bản thân mình trong một xã hội bình yên, phẳng lặng.
Vì thế, bài thơ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình tượng con hổ bị giam cầm, nhớ về thời vàng son của mình mà còn gửi gắm trong đó sự lên tiếng của cá nhân, đòi giải phóng cái tôi người nghệ sĩ và mong ước đất nước được hòa bình, tự do, thoát khỏi cảnh nô lệ, ngục tù. Cho nên, có thể nói, bài thơ đã bộc lộ kín đáo, thấm thía tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ Thế Lữ.
THAM KHẢO THÊM: