Viếng lăng Bác là tất cả nỗi lòng và sự xúc động của nhà thơ Viễn Phương - một người con miền Nam ra viếng lăng của Bác Hồ. Bài thơ chất chứa tấm lòng biết ơn và tự hào, pha chút chua xót của nhà thơ, đặc biệt ở khổ đầu và khổ cuối bài thơ. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn đọc phân tích nội dung hai khổ thơ này.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý hướng dẫn cảm nhận khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ Viếng lăng Bác:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu về nhà thơ Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác.
– Khái quát nội dung khổ thơ đầu và khổ cuối bài thơ.
1.2. Thân bài:
– Giới thiệu khái quát chung về bài thơ
Bài thơ sáng tác năm 1976 khi nhà thơ được vinh dự cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thủ đô Hà Nội viếng lăng Bác sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất và lăng Bác vừa được hoàn thành.
a. Khổ 1: Cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác
– “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” -> là lời tự giới thiệu như lời tâm tình nhẹ nhàng về hoàn cảnh ra đời bài thơ.
+ Cách xưng hô “con – Bác” thể hiện tình cảm thân thương, gần gũi, diễn tả tâm trạng xúc động của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm xa cách.
+ “Con” là tiếng lòng, sự đại diện cho cả miền Nam, là tất cả tấm lòng của đồng bào Nam Bộ đang hướng về Bác, hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc với một niềm xúc động lớn lao.
+ Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” một cách tinh tế để nói giảm, nói tránh nhằm làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát.
=> Bác đã mãi mãi ra đi nhưng hình ảnh của Người vẫn còn sống mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, trong lòng dân tộc.
– Cảnh quang quanh lăng Bác:
+ Hình ảnh hàng tre: “hàng tre” được điệp lại hai lần trong khổ thơ và phép nhân hóa trong dòng thơ: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” giúp hình ảnh hàng tre hiện lên càng thêm đẹp đẽ vô cùng.
+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” ẩn dụ cho những khó khăn thử thách của lịch sử dân tộc tộc.
+ Dáng “đứng thẳng hàng” gợi nhắc về tinh thần đoàn kết đấu tranh, chiến đấu anh hùng, không bao giờ khuất phục của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mạnh mẽ.
b. Phân tích nội dung khổ thơ cuối
– Niềm thương cảm lớn lao:
+ Một tiếng “thương” của miền Nam nhưng gói ghém trọn vẹn tình cảm của người miền Nam đối với Bác.
+ Thương là xót xa vì nỗi đau mất mát đi người cha già kính yêu, nỗi đau ấy trào dâng thành nước mắt cũng là niềm đau thương tiếc nuối vô bờ của nhân dân Việt Nam đối với Bác làm cảm động cả tấm lòng trời đất khi:
– Nguyện ước của tác giả:
+ Trong cảm xúc nghẹn ngào trong tâm trạng lưu luyến ấy, nhà thơ như muốn được hoá thân để mãi mãi bên Người.
+ Điệp ngữ “muốn làm” ba lần cùng với các hình ảnh liên tiếp con chim, đoá hoa, cây tre như để bộc bạch ước nguyện tha thiết của nhà thơ muốn là Bác yên lòng, muốn đền đáp công ơn trời biển của Người.
=> Nguyện ước của nhà thơ vừa chân thành, sâu sắc, là chính những cảm xúc của hàng triệu con người miền Nam trước khi rời lăng Bác sau những lần đến thăm Người.
1.3. Kết bài:
– Nêu cảm nhận của bản thân về khổ thơ đầu và cuối bài thơ Viếng Lăng Bác.
2. Bài hướng dẫn phân tích khổ thơ đầu và khổ thơ cuối bài thơ Viếng lăng Bác:
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương là tiếng lòng chân thành dành cho Bác Hồ trong chuyến ra Bắc viếng lăng vào năm 1976, khi đất nước thống nhất. Trải qua những cảm xúc đau xót, niềm tự hào và vô hạn kính yêu, nhà thơ đã được viếng lăng Bác lần đầu tiên và thể hiện tình cảm ấy qua khổ 1 và khổ 4 của bài thơ. Bài thơ thể hiện sự thành kính và niềm xúc động thiêng liêng đối với người lãnh đạo vĩ đại, gắn bó mãi với tâm hồn dân tộc, tình yêu thương vô bờ bến của đồng bào với Bác Hồ.
Mở đầu bài thơ, Viễn Phương không giấu nổi niềm xúc động của một người con phương xa, giờ đây giây phút được trở về bên Bác, được nhìn ngắm nơi bác yên nghỉ, hồi tưởng về quá khứ xa xăm:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”
Câu thơ đầu tiên của bài thơ “Viếng lăng Bác” như một lời tâm sự giản dị, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Nhà thơ cho biết mình đến từ miền Nam, nơi đã trải qua nhiều năm chiến tranh, nhiều đau thương và nước mắt. Việc đến viếng lăng Bác không chỉ đơn giản là một chuyến đi tham quan, mà còn là một cuộc hành trình tìm về nguồn cội, tìm về ký ức về một thời kỳ đau khổ và hy vọng của dân tộc. Từ “con” ở đầu câu thơ thể hiện sự thân thiết, gần gũi và cảm động. Đây là một cách xưng hô gần gũi, thân thiết, tình cảm mà vẫn giữ được sự tôn trọng, thiêng liêng. Đồng thời, nó cũng thể hiện tâm trạng xúc động của người con quay trở về thăm cha sau bao năm xa cách.
Nhà thơ đã sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng”, thể hiện sự giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát và gợi lên sự gần gũi, thân mật. Câu thơ không cần nhiều kỹ thuật nghệ thuật nhưng lại gợi lên nhiều cảm xúc khác nhau. Từ cách xưng hô đến cách dùng từ của Viễn Phương, người đọc có thể cảm nhận được tình cảm xúc động, nhớ thương của một người con đối với cha. Điều đó thể hiện không chỉ tình cảm riêng của nhà thơ mà còn là tình cảm chung của dân tộc Việt Nam. Nhưng đằng sau tình cảm đó là sự tiếp nối của thế hệ này với thế hệ trước đó, với tình cảm với Bác Hồ kính yêu.
Hàng tre bát ngát là hình ảnh mở ra một không gian rộng lớn, khoáng đạt, biểu tượng cho tinh hoa và sức sống bền bỉ của dân tộc Việt Nam. Thành ngữ “bão táp mưa sa” thể hiện những khó khăn, gian khổ, cay đắng mà nhân dân Việt Nam đã vượt qua trong trường kì đấu tranh dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. “Đứng thẳng hàng” là tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng, không bao giờ khuất phục, tất cả vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Hình ảnh này thể hiện tinh thần của dân tộc Việt Nam trong việc vượt qua những khó khăn, chiến đấu cho sự độc lập và tự do của đất nước. Hàng tre bát ngát như những đội quân danh dự cùng với những loài cây khác đại diện cho những con người ở mọi miền quê trên đất nước Việt Nam tụ họp về đây sum vầy với lăng Bác, trò chuyện và bảo vệ giấc ngủ cho Người. Chỉ một khổ thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để thể hiện những cảm xúc chân thành, tỉnh cảm thiêng liêng của nhà thơ và cũng là của nhân dân đối với Bác kính yêu.
Nếu ở khổ thơ đầu,Viễn Phương giới thiệu mình là người con miền Nam ra thăm Bác thì trong khổ thơ cuối, nhà thơ lại đề cập đến sự chia ly với Người. Nghĩ đến ngày mai về miền Nam, xa Bác, xa Hà Nội, tình cảm của nhà thơ không kìm nén trong lòng mà được bộc lộ thể hiện ra ngoài:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
“Câu thơ “Mai về miền Nam, thương trào nước mắt” là một lời tạm biệt đầy xúc động. Tác giả dùng từ “trào” để diễn tả cảm xúc đau lòng, u sầu và không muốn xa Bác. Điều này không chỉ là cảm xúc của tác giả mà còn là của hàng triệu trái tim khác. Dù chỉ được ở bên Bác trong chốc lát, nhưng ta không muốn rời xa Người vì tình cảm ấm áp và lòng rộng lớn của Người.
Mặc dù tình cảm lưu luyến với Bác nhưng tác giả cũng biết rằng sẽ đến lúc phải trở về miền Nam. Và để gửi tấm lòng của mình, tác giả muốn hóa thân, trở thành một phần của những cảnh vật xung quanh lăng để có thể luôn ở bên Bác trong thế giới của Người.”
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
Trong bài thơ, tác giả sử dụng các hình ảnh đẹp của thiên nhiên như “con chim”, “đóa hoa” và “cây tre” kết hợp với điệp ngữ “muốn làm” để thể hiện ước muốn sâu sắc của mình. Tác giả mong muốn được hóa thân thành con chim cất tiếng hót làm vui lăng Bác, trở thành đóa hoa đem sắc hương, điểm tô cho vườn hoa quanh lăng. Đặc biệt, tác giả ước nguyện trở thành “cây tre trung hiếu chốn này” để được canh giữ giấc ngủ thiên thu của Bác trong hàng tre bát ngát.
Hình ảnh của cây tre có tính chất tượng trưng được sử dụng để tăng thêm tính sâu sắc cho bài thơ. Tác giả lặp lại hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác ở cuối bài thơ, tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng và đầy ý nghĩa. “Cây tre trung hiếu” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện lòng kính yêu, sự trung thành vô hạn của tác giả với Bác, và đồng thời cũng là ý nguyện của người dân miền Nam. Tất cả đều hướng về lòng tôn kính, sự trung thành, và lòng hướng về một cách mạng của đồng bào Việt Nam với Bác.
Kết thúc đầu cuối tương ứng khiến bài thơ như một tiếng khóc đau đớn, nghẹn ngào trước sự ra đi của Bác, nó là lòng thương nhớ không nguôi, lòng kính phục vô hạn của nhà thơ Viễn Phương và của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.