"Bài thơ Nhớ rừng" của Thế Lữ là một tác phẩm nổi tiếng trong nền thơ ca Việt Nam, phản ánh tâm trạng u uất và khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh lịch sử đầy biến động. Dưới đây là các mẫu bài văn cảm nhận về khổ thơ thứ 3 “Nhớ rừng” của Thế Lữ. Xin mời các em học sinh cùng theo dõi.
Mục lục bài viết
1. Cảm nhận khổ 3 bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ hay nhất:
Nếu Thế Lữ được coi là người tiên phong thành công cho phong trào thơ mới thì bài thơ “Nhớ rừng” của ông chính là tác phẩm đã giành được vị trí cao nhất trong phong trào thơ mới. Đọc “Nhớ rừng” của Thế Lữ, có ý kiến cho rằng: “Đằng sau ký sự hồi tưởng về quá khứ huy hoàng của con hổ, chúng ta cũng cảm thấy một nỗi tiếc nuối bất lực cùng một khát vọng tự do cháy bỏng. Tất cả những điều đó được thể hiện bằng một ngòi bút thực sự tài hoa”.
Đoạn thơ sau trong bài thơ đã thể hiện rõ điều đấy:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”
(Nhớ rừng – Thế Lữ)
“Nhớ rừng” được sáng tác vào những năm đất nước còn trong xiềng xích nô lệ. Bất cứ người Việt chân chính nào cũng không thể không cảm thấy ngột ngạt và bức bối,… Một buổi tối mùa hè, khi Thế Lữ đang nện gót chân trên đường về nhà, ông đã đi ngang qua sở thú và bất ngờ nhìn thấy vị chúa sơn lâm – một con hổ đang ngồi trong lồng. Nhà thơ cảm thấy buồn khi nghĩ về số phận của những người dân Việt Nam đang làm nô lệ. Những cảm xúc này đã khiến cho ông có cảm hứng viết nên bài thơ tuyệt vời này.
Khổ thơ trên là khổ thơ thứ ba của tác phẩm, tái hiện những ngày tháng hào hùng của chú hổ trong rừng xanh hung dữ và hùng vĩ. Đó cũng là một bức tranh tứ bình tuyệt vời.
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?”
Đêm chính là khoảng thời gian được con hổ nhắc đến đầu tiên, có lẽ vì đó là lúc nó đang được tung hoành chốn sơn lâm. Gọi là “đêm vàng” bởi đêm trong vắt và ánh trăng soi sáng khắp nơi. Không chỉ vậy, ánh trăng còn chiếu xuống lòng sông, ánh sáng phản chiếu biến mặt suối bừng lên sắc vàng tuyệt đẹp, huy hoàng, lộng lẫy. Giữa “cảnh tượng kì vĩ ấy” nổi bật lên hình ảnh con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” như một vị vua say chiến thắng. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “uống ánh trăng tan” khiến cho ánh trăng càng trở nên huy hoàng hơn. Ánh trăng tựa như luồng ánh sáng chảy vào rừng đêm huyền ảo.
Trong nỗi nhớ của hổ có cả:
“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?”
Mưa rừng dày đặc tạo nên những âm thanh ồn ào, dồn dập. Cơn mưa ấy khiến cho tất cả các loài hoảng sợ, ẩn náu, nín thở. Tuy nhiên, với hổ thì ngược lại, hổ đứng trên vị trí của chúa tể sơn lâm mà bình tĩnh “ngắm giang san ta đổi mới”. Từ “lặng ngắm” đã đưa hình ảnh hổ trở thành nốt nhạc trầm trong sự hòa hợp hùng vĩ của mưa rừng. Hổ dùng sự bình tĩnh của chính mình để điều khiển chuyển động hung bạo của khu rừng lớn. Sau những ngày mưa, bình minh rừng trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết:
“Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?”
Khoảnh khắc bình minh chính là lúc vạn vật bắt đầu một ngày mới, nhưng cũng là lúc hổ bắt đầu chìm vào giấc ngủ sau một đêm ăn dữ dội. Tất cả những rạo rực, xôn xao khi bắt đầu một ngày mới, với hổ đó lại là tiếng nhạc du dương đưa nó vào giấc ngủ. Hình ảnh con hổ uy nghiêm, oai phong nhất được thể hiện qua ba câu thơ:
“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?”
Khi hoàng hôn buông xuống, mặt trời khuất dạng ở hướng Tây, để lại mặt đất một màu đỏ rực hung dữ. Nhưng đối với hổ, đó là máu của kẻ thù lênh láng nơi bìa rừng sau một trận chiến ác liệt. Thời điểm mặt trời lặn quả thực cũng là lúc hổ bắt đầu ngày làm việc của mình. Đêm đen kỳ lạ và đáng sợ này hoàn toàn thuộc về nó. Và trong mắt con hổ, mặt trời – vị vua bất tử của vũ trụ – chỉ là một kẻ thua cuộc khốn khổ có cái chết bi thảm “lênh láng máu sau rừng”, “để ta chiếm lấy riêng phần bí mật”.
Nhưng quá khứ vẫn chỉ là quá khứ. Tỉnh dậy sau ánh hào quang rực rỡ của ngày hôm qua, trở về với thực tại chật hẹp, hổ ai oán thốt lên:
“- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”
Những điệp từ “nào đâu…”, “đâu…” thể hiện sự tiếc nuối vô tận của con hổ đối với quá khứ huy hoàng và oai hùng. Đặc biệt là thán từ “than ôi!” cùng với lời than thở “Thời oanh liệt nay còn đâu!” đã như nói lên nỗi đau buồn của hổ khi phải đối mặt với hiện thực tầm thường và tù túng của vườn thú này.
Đoạn thơ được trích dẫn trong bài là một khổ thơ đầy màu sắc tươi sáng, hình ảnh kì vĩ, không chỉ thể hiện tâm trạng nuối tiếc bất lực của hổ mà còn bộc lộ khát vọng tự do muốn thoát ra khỏi cái lồng chật hẹp của nó. Tất cả những điều đó đã được thể hiện bằng một ngòi bút thực sự tài hoa.
2. Cảm nhận khổ 3 bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ ấn tượng:
Thế Lữ là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào “Thơ mới”. Ông còn được coi là ngôi sao sáng trên bầu trời “Thơ Mới”. Nói đến những tác phẩm để lại dấu ấn của Thế Lữ phải kể đến bài thơ “Nhớ Rừng”. Đọc “Nhớ rừng”, chúng ta thấy bài thơ không khác lời tự bộc bạch của con hổ trong sở thú, nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn một chút, chúng ta thấy tác phẩm này cũng là tiếng nói của chính nhà thơ. Và khổ thơ thứ ba là minh chứng rõ ràng nhất, một bức tranh tứ bình đẹp đẽ, mang vẻ tươi đẹp của thiên nhiên núi non và của chính vị chúa tể sơn lâm.
Tác phẩm được viết vào những năm tháng đất nước ta bị chìm trong cảnh nô lệ, bị dày vò về thể xác. Thời bấy giờ, bọn thực dân quá tàn ác và man rợ cho nên tác giả không trực tiếp bày tỏ sự bất bình của mình mà mượn lời của hổ – thế lực hùng mạnh để nói lên cái sự chán ghét, khinh thường mọi thứ đập vào mắt, chỉ là giả dối, tầm thường so với núi rừng bao la của chúng. Từ đấy để nói lên tâm trạng của con hổ cũng giống tâm trạng của con người nhà thơ, mong muốn chiến thắng, khát khao tự do để thoát khỏi cái xã hội ngột ngạt này.
Chảy theo dòng cảm xúc đó, vị chúa tể sơn lâm nhớ về quá khứ vàng son nơi rừng núi xanh bất tận của mình, cuộc sống ở đó tươi đẹp biết bao. Cuộc sống không nô lệ mà tự do, được ngắm trăng, ngắm mưa rừng, thậm chí ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp. Hai câu thơ đầu là mảnh ghép của một bức tranh đẹp cảnh đêm trăng:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”
“Nào đâu” là tiếng lòng của tiếc nuối về quá khứ huy hoàng. Đêm trăng ấy đẹp biết bao, “một đêm vàng bên bờ suối” lãng mạn và huyền ảo biết bao. Ánh trăng chiếu sáng mọi cảnh vật, bóng của nó đổ xuống bờ suối làm say mê hổ. Vào đêm trăng sáng ấy, chúa tể sơn lâm đã say đắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Không chỉ “say mồi” đơn thuần do được ăn no mà là “say ánh trăng tan”.
Bức tranh cơn mưa rừng tuyệt đẹp cũng dần được hé lộ, người đọc cũng phải thốt lên rằng “cơn mưa đại ngàn thật mãnh liệt và xối xả”:
“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới”
Tác giả dùng động từ mạnh “mưa chuyển bốn phương ngàn” để miêu tả những cơn mưa rừng trút xuống xối xả và mạnh mẽ. Những cơn mưa mạnh đến mức có thể “chuyển bốn phương ngàn”, khiến cho muôn loài hoa cỏ giật mình sợ hãi. Nhưng với con hổ – chúa tể của rừng xanh – nó chỉ đơn giản là “lặng ngắm giang sơn”. Núi rừng này là của “ta”, không hề sợ hãi bởi “ta” là chúa tể muôn loài.
Núi rừng trở về cái vẻ rộn rã, thanh bình của nó sau những cơn mưa dữ dội muốn lay chuyển đất trời. Bình minh ở núi rừng đại ngàn đến như bao ngày:
“Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng”
Một lần nữa con hổ lại thể hiện sự tự do và rộng lượng của mình. “Bình minh” ở nơi đại ngàn hoang sơ với cây xanh, ánh nắng và tiếng chim hót. Hình ảnh dữ dội của cơn mưa hoàn toàn tương phản với cảnh bình minh êm đềm và xinh đẹp. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, reo vang, còn hổ cũng mệt mỏi chìm vào “giấc ngủ tưng bừng” sau một đêm thức cùng vũ trụ.
Màu sắc chủ đạo của bức tranh này là màu đỏ. Màu đỏ ấy không chỉ là màu đỏ của mặt trời mà còn là màu đỏ của máu. Từ láy “lênh láng” được tác giả sử dụng trong bài viết gợi lên nỗi ám ảnh, kinh hoàng và sợ hãi tột độ. Càng về chiều, “mảnh trời gay gắt kia” dần mờ nhạt, không còn ánh nắng chói chang mà chỉ còn lại một màu đỏ tươi. Chúa sơn lâm đang chờ đợi thời điểm để thống trị thế giới nơi đây. Trong khát vọng này vừa có lòng táo bạo vừa có sự khinh thường đối thủ. Khi nói đến mặt trời, người ta thường nghĩ tới vũ trụ bao la rộng lớn nhưng đối với loài hổ, đó chỉ là một “mảnh mặt trời” mà thôi. Quả thật xứng đáng là chúa tể muôn loài.
Đây quả thực là đoạn thơ được tác giả sáng tạo một cách cẩn thận, là bộ tranh tứ bình đẹp nhất. Mượn lời của hổ, những đắm say một thời đã qua cũng chính là tâm trạng của tác giả. Bài thơ sử dụng những thủ pháp độc đáo làm tăng giá trị nội dung của khổ thơ nói riêng và của toàn bộ bài thơ nói chung.
3. Cảm nhận khổ 3 bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ ngắn gọn:
Thế Lữ là tác giả nổi tiếng trong phong trào thơ mới và được công nhận là “đệ nhất thi sĩ”. Bài thơ “Nhớ rừng” của ông được in tròn tuyển tập “Mấy vần thơ” xuất bản năm 1935 nói về sự tù túng cùng khát vọng tự do của con người. Bức tranh tứ bình về vẻ đẹp thăng hoa của thiên nhiên cũng được thể hiện trong bài thơ.
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”.
Khổ thơ thứ ba chính là ký ức hùng vĩ, lẫm liệt của “vị chúa sơn lâm” trong rừng xanh. Khung cảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp với trăng, rừng và mặt trời.
Hai câu thơ đầu nói về “đêm vàng”, ánh trăng sáng đến mức dường như nhuộm vàng tất cả mọi thứ, hổ đứng bên bờ suối trong đêm trăng ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp. Trong cảnh này, hổ đã ăn no và cũng đang được tận hưởng “ánh trăng tan”. Một hình ảnh nhân hóa vô cùng đẹp, chủ thể hòa quyện với thiên nhiên.
Trong hai khổ thơ tiếp theo, đi qua sự yên bình ấy là một trận mưa lớn như trút nước tưởng chừng như làm rung chuyển núi rừng. Nhưng chúa tể sơn lâm không hề sợ hãi mà tiếp tục “lặng ngắm giang sơn”. Hình ảnh này đã thể hiện sự bản lĩnh và sức mạnh khi đối mặt với thiên nhiên liệu của hổ.
Ký ức về những ngày huy hoàng vẫn còn hiện rõ trong cảnh bình minh. Vương quốc rừng xanh tràn ngập màu xanh và ánh nắng. Hổ ngủ ngon lành trong khúc nhạc của tiếng chim muôn. Bức tranh dường như tràn ngập màu sắc và âm thanh, màu hồng của bình minh, màu vàng nhạt của ánh nắng sớm mai, màu xanh của cây rừng cùng tiếng chim hót líu lo. Vạn vật cùng nhau tạo nên một không gian, cảnh quan nghệ thuật tựa như xứ sở thần tiên.
Nhưng tiếc thay chỉ còn lại những kỷ niệm huy hoàng, quá khứ càng oanh liệt, nỗi tiếc nuối, nhớ nhung càng ai oán. Những cụm từ như “nào đâu”, “đâu những” đặt trước mỗi câu thơ càng thể hiện sự tiếc nuối, buồn bã vô cùng của con hổ. Bức tranh tứ bình khép lại, chỉ còn lại hình ảnh của một hiện thực đen tối, xiềng xích và khát khao tự do mãnh liệt.
THAM KHẢO THÊM: