Cảm nhận bài thơ "Vịnh khoa thi Hương" gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Nội dung cảm nhận bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Trần Tế Xương:
1.1. Cuộc thi năm Đinh Dậu:
– Hai câu đề mang tính chất tự sự, kể lại cuộc thi năm Đinh Dậu:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
– Nhìn từ bên ngoài có vẻ thật bình thường, kỳ thi được mở theo đúng thông lệ đã có từ trước (ba năm mở một khoa). Tuy nhiên, sự bất thường của thể hiện rõ ràng ngay từ cách tổ chức: Trường Nam thi lẫn với trường Hà. Trước đó, trường Nam (Nam Định) và trường Hà (Hà Nội) đều có kỳ thi riêng. Đến khoa Đinh Dậu, trường Nam, trường Hà thi chung. Từ “lẫn”
– lẫn lộn tùng phèo – đã báo trước sự ô hợp, láo nháo trong thi cử.
1.2. Bọn sĩ tử, quan trường không còn nho phong, sĩ khí:
– Hai câu thực và hai câu luận gợi tả cụ thể hơn về những nét đặc biệt của kỳ thi Đinh Dậu.
– Ngòi bút của tác giả hướng đến hai nhóm đối tượng chính của kỳ thi: sĩ tử (người đi thi) và quan trường (quan coi việc thi).
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
– Hình ảnh sĩ tử không có dáng dấp thư sinh. Trông họ rất nhếch nhác, luộm thuộm và bệ rạc: vai đeo lọ. Biện pháp đảo chữ “lôi thôi sĩ tử” không chỉ nhấn mạnh sự luộm thuộm, không gọn gàng mà còn tạo ấn tượng khái quát về hình ảnh những sĩ tử khoa thi này. Họ không có tư thế người đi thi cũng không có tư thế người làm chủ trong kì thi. Hình tượng sĩ tử trong thơ Tú Xương phản ánh sự suy thoái về “nho phong sĩ khí” do xã hội hỗn loạn, mất trật tự gây ra.
– Hình ảnh quan trường xuất hiện với vẻ ra oai, nạt nộ. Cái oai của quan trường là cái oai cố tạo, cái oai “vờ”. Từ “ậm ọe” biểu thị âm thanh của tiếng nói to nhưng bị cắn trong cổ họng nên trầm và nghe không rõ, nói lên cái oai không thực chất của quan trường. Kết hợp với cách đảo ngữ “ậm ọe” giọng thét loa của quan trường, có thể thấy sự huyên náo, lộn xộn của cảnh trường thi. Quan phải thét vì sĩ tử chẳng ai nghe. Sĩ tử không ai nghe nên quan càng phải cố tỏ cái oai vờ nạt nộ.
1.3. Bộ mặt của bọn thực dân:
– Hình ảnh các quan sứ và mụ đầm xuất hiện trong một buổi tiếp đón lớn, rất linh đình, bầu trời rợp đầy cờ. Trang phục của Quan bà có phần lòe loẹt, diêm dúa: “Váy lê quét đất mụ đầm ra”. Biện pháp đảo ngữ: Cờ cắm rợp trời quan sứ đến – Váy lê quét đất mụ đầm ra cho thấy rõ sự phô trương về hình thức. Sự xuất hiện của quan sứ, bà rất được hoan nghênh nhưng không khác gì một màn trình diễn.
– Nghệ thuật đối của thơ đường Luật được áp dụng triệt để, tạo nên sức đả kích mãnh liệt, sâu . Tú Xương đã đem “cờ” che đầu quan sứ với “váy” bà. Với cách diễn đạt trên, nhà thơ đã nhục bọn thực dân xâm lược.
– Hình ảnh các sĩ tử, quan trường, quan sứ và mụ đầm giữa trường thi đều nói lên sự thiếu tôn trọng và có phần lố bịch của khoa thi Đinh Dậu.
1.4. Nỗi đau xót, tủi nhục của tác giả:
– Hai câu kết có sự thay đổi đột ngột về giọng điệu và cảm xúc. Sáu câu trên mang giọng điệu mỉa mai, châm biếm. Hai câu cuối chủ yếu có giọng điệu trữ tình:
Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
– Hai câu thơ là lời kêu gọi, đánh thức lương tri, lương tâm. Câu hỏi phiếm chỉ “Nhân tài đất Bắc nào ai đó” một mặt ám chỉ những sĩ tử trong khoa thi Đinh Dậu – nơi quy tụ các nhân tài đất Bắc – đồng thời nó cũng mang ý nghĩa khái quát: tất cả những ai tự cho mình là “nhân tài đất Bắc”. Tú Xương nhắc tất cả các nhân tài đất Bắc đó, hãy ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà. Trông cảnh nước nhà để nhận ra hiện trạng mất nước và nỗi nhục mất nước. Suy cho cùng, từ “nước nhà” được đặt cuối bài thơ mang âm hưởng tha thiết, có tác dụng thức tỉnh tinh thần dân tộc.
2. Cảm nhận bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Trần Tế Xương hay:
Tú Xương là một nhà thơ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bi thương nhất của đất nước, khi đất nước bị Pháp xâm lược và đô hộ. Đứng trước cảnh đất nước bị tù đày ấy, thơ của ông là một bức tranh hiện thực, thể hiện nỗi đau xót của người con nước Nam, đồng thời lên án những tội ác đen tối của bọn thực dân. Và “Vinh khoa thi Hương” cũng là một tác phẩm như vậy.
Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ giới thiệu về kỳ thi Hương năm ấy:
“Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà”
Kỳ thi này thường được tiến hành ba năm một lần. Tuy nhiên, điều bất thường là các thí sinh của trường Hà Nội cũng bị dồn về trường Nam Định để thi. Tác giả đã khéo léo diễn đạt sự hỗn loạn, bát nháo, tạp nham của kỳ thi Hương năm ấy bằng từ “lẫn”.
Và đó là sự thật, kỳ thi ấy tạp nham thật:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”
Từ “lôi thôi” xuất hiện ở đầu câu, nhấn mạnh vẻ ngoài nhếch nhác, lôi thôi của ”vị sĩ tử”. Thông thường, những người tham gia kỳ thi là những người đọc sách, những người luôn gọn gàng, chỉn chu. Nhưng bây giờ, thí sinh đi thi trong bộ quần áo xộc xệch, tay cầm chai lọ lỉnh kỉnh, không còn cái vẻ tao nhã của người đọc sách. Chỉ là một đối tượng nhưng cũng đủ cho thấy sự suy tàn của cả một xã hội. Các thí sinh không còn vẻ tao nhã trí thức thì các vị giám khảo cũng không còn vẻ nghiêm túc, đáng kính như trước nữa, mà chỉ còn cái dáng “thét loa” như ngoài chợ, khi nói cũng “ậm ọe” chẳng thành câu. Một lần nữa, giống như từ “lôi thôi”, từ “ậm ọe” được đặt ở đầu câu, nhấn mạnh sự bất tài của đám quan trông trường thi. Chúng chỉ là những người kiêu ngạo và tự cho mình là trung tâm, không có tài năng hay thực quyền. Hình ảnh một trường thi hỗn loạn hiện ra trước mắt người đọc, giám thị thì quát tháo với giọng hống hách, còn các sĩ tử đi thi thì lôi thôi, lếch thếch, xiêu vẹo lều chõng lọ giấy đi thi. Thật là đáng buồn và đáng cười làm sao!
Trong cái nhốn nháo, tạp nham ấy, hai nhân vật “quan trọng” xuất hiện một cách hoành tráng:
“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra”
Theo lịch sử, kỳ thi Đinh Dậu 1897 có sự tham dự của vợ chồng toàn quyền Pháp và vợ chồng tôn công sứ Nam Định đến dự. Đang trong không khí căng thẳng của trường thi, vậy mà vợ chồng quan sứ vẫn được chào đón một cách trang trọng, “lọng cắm rợp trời”, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Kẻ xâm lược được đón tiếp một cách nồng nhiệt, đặt lên một vị trí cao nhất cho thấy một thực trạng đau lòng ở nước ta trong thời kỳ thực dân nắm quyền và xã hội phong kiến chẳng khác gì một con rối. Ở đây, Tú Xương dùng từ vô cùng đắt, gọi “quan sứ” một cách trang trọng, nhưng lại gọi vợ chúng là “mụ đầm”. “Mụ” là một từ để chỉ một người đàn bà không ra gì, là cách gọi thô tục. Tú Xương “chửi” một cách vô cùng sắc bén. Thật trớ trêu nhưng đó cũng là nỗi đau xót, sự hận thù của những người phải chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan.
Trước cảnh nhốn nháo biến chất ấy, nhà thơ buộc phải thốt lên:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
Hai câu này là những câu hỏi tác giả tự hỏi chính mình và cũng những câu hỏi tự vấn người có cùng cảnh. Không biết còn bao nhiêu người còn nhớ nỗi tủi nhục mất nước, nhà tan và cùng nhau đứng lên hành động? Có bao nhiêu người mù quáng tin tưởng vào đất nước, chính phủ của mình mà không nhìn vào thực tế?
Thơ Tú Xương kết hợp giữa hiện thực và trữ tình. Bắt đầu bằng việc miêu tả sự thoái hóa, biến chất của kì thi , nhà thơ đã vẽ nên bức tranh một đất nước bị thực dân cầm tù, áp bức, thể hiện nỗi buồn mất quê hương, tổ quốc và một thế hệ trí thức yêu nước đứng trước cảnh mất nước nhà tan.
3. Cảm nhận bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Trần Tế Xương ấn tượng:
Trần Tế Xương thườn được gọi là Tú vì đi thi tới Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy nên chỉ đỗ Tú tài. Tuy nhiên, tài năng thơ ca, đặc biệt là thơ trào phúng đã giúp ông có được vị trí dẫn đầu trong thời kỳ văn học cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
“Vinh khoa thi Hương” là bài thơ thể hiện thái độ mỉa mai, phẫn nộ của Tú Xương đối với chế độ thi cử đương thời và đối với con đường thi cử gian nan, lận đận của ông. Có người cho rằng Vịnh khoa thi Hương là tiếng khóc, nhưng cũng có người lại cho rằng đó là tiếng cười châm biếm sâu cay của Trần Tế Xương trước thời cuộc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cả hai nhận xét trên đều đúng.
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Long cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
Bài thơ châm biếm toàn bộ cảnh khoa thi Hương vào năm Đinh Dậu (1897). Do tình hình chính trị bất ổn, các sĩ tử Hà Nội phải thi cùng với các sĩ tử Nam Định. Vì vậy, trái ngược với không khí trang nghiêm vốn có chốn cửa Khổng Môn sân Trình lại là khung cảnh lại hỗn loạn, lộn xộn.
Quy định ba năm mở khoa một lần là quy định được triều đình phong kiến nhà Nguyễn thiết lập từ rất lâu. Tuy nhiên, từ “Nhà nước” ở đầu bài thơ là hàm ý châm biếm chế độ bảo hộ của thực dân Pháp lúc bấy giờ, và triều đình nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn.
Hai câu đề:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Câu phá đề chỉ mang tính chất thông báo nhưng qua câu thừa đề thì ý châm biếm của tác giả trở nên rõ ràng thông qua việc sử dụng từ “lẫn”. Mọi chuyện bát nháo, nực cười nơi trường thi cũng bắt nguồn từ sự chung đụng lẫn lộn này.
Hai câu thực:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Tú Xương sử dụng cấu trúc đảo ngược và đặt tính từ ở đầu câu để đặc tả cảnh tượng đáng buồn của một trường thi ở giai đoạn chữ Hán đang được thay thế bằng chữ quốc ngữ.
Trước đây, các sĩ tử phải chuẩn bị lều chõng, cơm nước, tráp để đựng bút giấy, nghiên mực… và mang theo một ống quyển để đựng quyển thi. Mang vác lỉnh kỉnh như vậy, họ đầu tóc bù xù, nhếch nhác, chen lấn và xô đẩy, trông giống một đám đông hỗn loạn trên phố chợ hơn là một trường thi uy nghiêm.
Sĩ tử thảm hại đã đành, còn quan trường cũng chẳng ra gì. Tiếng loa dùng gọi từng thí sinh vào nhập trường thi lẽ ra phải to và rõ ràng nhưng lại quá ồn ào và hỗn loạn đến mức quan xướng danh phải cố gắng hét lên cho thật, riết rồi thành ậm ọ ẹ, chẳng ra đâu vào đâu cả nên hóa buồn cười.
Hai câu luận:
Long cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Bằng bút pháp trào lộng sắc sảo, Tú Xương tiếp tục khắc họa hiện thực cái “chợ phiên” chữ nghĩa này với những chi tiết độc đáo. Có rất nhiều điều trớ trêu và buồn ẩn giấu trong khung cảnh này. Để thể hiện sự quan tâm của “mẫu quốc”, tên toàn quyền Pôn Đu-me (Paul Doumer) cùng vợ đã đến dự khai mạc trường thi cho thêm phần long trọng. Con mắt tinh đời và tâm trạng phẫn uất của Tú Xương đã giúp mọi người nhận ra nỗi nhục mất nước qua hai hình ảnh tương phản trong hai câu thơ đối nhau chan chát: Cờ của triều đình phong kiến bán nước đối với Váy của vợ tên quan thực dần cướp nước. Ngậm ngùi, cay đắng biết bao nhiêu! Dù không có giọt nước mắt nào nhưng người đọc vẫn có thể thấy rõ nhà thơ đang cắn răng cố kìm nén tiếng khóc trong lòng. Ông khóc vì quốc thể bị xúc phạm, khóc vì nỗi nhục nô lệ của giới trí thức nói riêng và cả dân tộc nói chung.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
Nỗi đau buồn bị kìm nén cao độ đã thốt lên thành những tiếng cảm thán làm rung động trái tim và cảm xúc của cả người trong cuộc và ngoài cuộc.
“Nhân tài phương Bắc” là cách gọi mỉa mai của Tú Xương đối với đám sĩ tử lôi thôi chen chúc trong trường thi nhốn nháo theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong đám đông ấy, hỏi có ai nghĩ tới cảnh nước nhà đáng đau, đáng hận; hay chỉ chúi mũi chúi tai tranh nhau cố kiếm miếng đỉnh chung mà quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ?!
Nhiều người đồng tình rằng mối quan hệ hài hòa, chặt chẽ giữa chủ nghĩa hiện thực và trữ tình được thể hiện rõ nét trong thơ Trần Tế Xương. Bài Vịnh khoa thi Hương là một ví dụ điển hình. Đằng sau sự hài hước châm biếm mang ý nghĩa xã hội sâu xa là tiếng kêu buồn, tiếc nuối trước sự suy tàn của Hán học và những gì được coi là tinh hoa của nó đã bị làn sóng văn hóa phương Tây cuốn trôi. Các cường quốc phương Tây đang tràn vào nước ta, theo chân quân viễn chinh xâm lược nước Pháp.