Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật? Đôi nét về Bài thơ về tiểu đội xe không kính? Bố cục bài thơ? Dàn bài chi tiết phân tích bài thơ? Bài văn mẫu cảm nhận về Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật?
Mục lục bài viết
1. Bố cục Bài thơ tiểu đội xe không kính:
– Đoạn 1 (Khổ 1+2): Tư thế ung dung và hiên ngang của người lính lái xe không kính
– Đoạn 2 (Khổ 3+4): Tinh thần dũng cảm bất khuất dù có khó khăn gian khổ và tinh thần lạc quan, sôi nổi của người lính
– Đoạn 3 (Khổ 5+6): Tinh thần đồng chí đồng đội thắm thiết của những người lính lái xe
– Đoạn 4 (Khổ 7): Ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam và tinh thần yêu nước bất diệt
2. Dàn bài chi tiết cảm nhận Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật:
2.1. Mở bài cảm nhận Bài thơ tiểu đội xe không kính:
– Dẫn chiếu đôi nét về đề tài chiến tranh, người lính trong thơ ca.
– Giới thiệu sơ lược về tác giả Phạm Tiến Duật.
– Khái quát về tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
2.2. Thân bài cảm nhận Bài thơ tiểu đội xe không kính:
a. Sơ lược về hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ về tiểu đội xe không kính nằm trong chùm thơ của tác giả Phạm Tiến Duật, được trao giải Nhất cuộc thi thơ của báo văn nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ Vầng trăng quầng lửa của tác giả.
b. Cảm nhận về hình ảnh những chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính:
– Hình ảnh những chiếc xe không kính được tác giả miêu tả một cách trần trụi và chân thực:
Không có kính không phải vì xe không có kính,
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.
+ Những chiếc xe vận tải chở hàng hóa, đạn dược ra mặt trận, bị máy bay Mĩ bắn phá, kính xe vỡ hết.
+ Động từ “giật”, “rung” cùng với từ “bom” được nhấn mạnh hai lần càng làm tăng sự khốc liệt của chiến tranh.
=> Hai câu đầu giải thích nguyên nhân và hậu quả mà chiến tranh để lại thật thảm khốc, không gì có thể sánh được.
c. Cảm nhận về hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ tiểu đội xe không kính:
– Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, tự tin hiếm có dù thiếu đi những phương tiện chiến đấu tối thiểu:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
+ Tác giả sử dụng tính từ ung dung nhấn mạnh tư thế chủ động, coi thường mọi khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ lái xe.
+ Điệp từ “nhìn”: thể hiện ý chí kiên cường, như thách đố với khó khăn.
– Thái độ, tinh thần lạc quan, không ngại đương đầu với những khó khăn:
+ Bụi vương vào tóc, vào mặt nhưng những người lính vẫn lạc quan, mưa ướt áo cứ đi tiếp vì gió lùa áo khô nhanh thôi, xe không kính cũng có cái hay đó là tầm nhìn rộng hơn, thấy được con đường “chạy thẳng vào tim”, thấy sao trời gần hơn “ùa vào buồng lái”.
+ Những khó khăn gian khổ như tăng lên gấp bội vì xe không có kính nhưng điều đó không làm giảm ý chí và quyết tâm của các chiến sĩ lái xe.
+ Điệp từ “ừ thì”: như một cái tặc lưỡi, có thể đồng thuận, coi mọi khó khăn là chuyện nhỏ.
+ Thái độ lạc quan, yêu đời, tự tin có chút bướng bỉnh, nhưng không kém phần hiên ngang; hình ảnh người lính lái xe hiện lên vừa đáng yêu vừa đáng nể.
– Tình đồng đội thắm thiết, thiêng liêng là sợi dây vô hình kết nối mọi người trong hoàn cảnh hiểm nguy, kề cận cái chết:
+ Tiểu đội xe là “Những chiếc xe từ trong bom rơi” , họ đã gặp nhau.
+ Tình đồng đội: những cái bắt tay qua “cửa kính vỡ rồi”, là dựng bếp Hoàng Cầm giữa trời, cùng ăn cùng ca hát, cùng mắc võng ngủ trong rừng.
+ Từ trong gian khổ, những người lính từ mọi miền xa lạ trở thành “gia đình” của nhau.
– Tin vào việc chiến thắng quân thù:
+ Điệp từ “lại đi”, lí do “vì miền Nam phía trước” : thể hiện việc không có bất cứ điều gì ngăn cản được các anh đến chi viện cho chiến trường miền Nam.
+ Hình ảnh ẩn dụ “trời xanh thêm” và hoán dụ “trong xe có một trái tim”: chính là tình yêu thương dành cho miền Nam, cho Tổ quốc, là niềm tin và chiến thắng, vào sự tự do.
+ Hình ảnh “trái tim” là một hoán dụ nghệ thuật đẹp đẽ và có nhiều sáng tạo, khẳng định phẩm chất cao quý của các chiến sĩ lái xe trên đường ra tiền tuyến lớn.
+ Tất cả cùng chung lí tưởng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tin tưởng vào tương lai tươi sáng sẽ đến.
– Hình ảnh người lính lái xe được miêu tả trong bài thơ:
+ Khí thế ung dung, hiên ngang: ung dung buồng lái ta ngồi, nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
+ Tinh thần lạc quan, yêu đời: Dù họ gặp khó khăn về hoàn cảnh chiến đấu nhưng vẫn vui tươi và lạc quan vào những việc đang làm, biến những khó khăn thành niềm vui: bụi phun trắng tóc -> chưa cần rửa, phì phèo điếu thuốc => cười ha ha. Mưa ướt áo => chưa cần thay -> gió lùa mau khô thôi. Gặp nhau => bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi
+ Tình đồng chí đồng đội thân thiết và sâu sắc: Chung bát đĩa, chung bếp lửa, chung chiếc võng chông chênh
+ Tấm lòng luôn hướng về miền Nam ruột thịt: dù xe không có kính, mất mùi, mất đèn pha, nhưng xe vẫn chạy vì miền nam phía trước, chỉ cần trong xe có một trái tim.
2.3. Kết bài cảm nhận Bài thơ tiểu đội xe không kính:
– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
– Liên hệ việc giáo dục phát huy tinh thần chiến đấu cho thế hệ trẻ hiện nay.
3. Bài văn mẫu cảm nhận về tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật hay nhất:
Là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước, Phạm Tiến Duật đem đến cho người đọc sự vui tươi, hồn nhiên, tinh nghịch trong tất cả các tác phẩm của mình. Bài thơ về tiểu đội xe không kính có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, dí dỏm làm nổi bật hình ảnh những ngườichiến sĩ lái xe Trường Sơn hiên ngang, ung dung và lạc quan yêu đời.
Không giống như các tác giả khác, Phạm Tiến Duật đã thể hiện tính cách khác người của mình ngay ở hai câu thơ mở đầu. Hình ảnh chiếc xe chạy trên chiến trường trong thơ Phạm Tiến Duật rất trần trụi, bình dị, không nguyên vẹn, không mĩ lệ hoá, không dùng hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ để so sánh, không trau chuốt, không bóng bẩy:
Không có kính không phải vì xe không có kính.
Tại sao? Chỉ đơn giản là vì “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” nên xe không còn nguyên vẹn nữa, nhưng những chiếc xe không kính ấy vẫn băng băng ra chiến trường.
Chiếc xe thể hiện phong thái đầy tự tin, không hề lo sợ trước bom đạn khủng khiếp của giặc Mĩ. Khác với những gì trần trụi bên ngoài, đây là một chiếc xe dũng cảm, hiên ngang, xe vẫn băng ra tiền tuyến trên những đoạn đường đầy nguy hiểm. Phải chăng đó là do người điều khiển là những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn? Vì xe không có kính nên các anh được tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài: gió, sao trời, cánh chim, và cả bầu trời rộng cũng ùa vào buồng lái, hoà cùng nhịp thở nhộn nhịp của các anh:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
Ở đây không hề có một sự ràng buộc hay rào cản nào ngăn cách các anh tiếp xúc với đất trời, ngay cả thiên nhiên cũng muốn hoà mình với khí thế ấy. Chính vì thế mà các anh có thể nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng một cách rất thoải mái, tự nhiên. Dù không có kính thì điều kiện chiến đấu cũng thiếu thốn nhưng các anh vẫn yêu đời, vẫn có niềm tin vào chiến thắng, điều này gạt đi những khó khăn trở ngại mà các anh gặp phải – đó, chỉ là mục tiêu để thử thách bản thân:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau, mặt lấm, cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Điệp cấu trúc “không có kính… ừ thì” đã góp phần thể hiện tính cách ngàng tàng, bất chấp tất cả khó khăn: không có kính chắn bụi thì đương nhiên phải có bụi bám lên tóc, nhưng các anh vẫn không lo, cứ để vậy mà nhìn nhau, mặt lấm, cười ha ha. Không có kính che mưa thì phải ướt áo, dù áo ướt nhưng các anh cũng mặc kệ, cứ để vậy mà lái tiếp bởi khi mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi. Các anh vẫn giữ tư thế ấy, hiên ngang mà sao yêu đời, dù cho có thiếu thốn, cực khổ đến đâu, các anh vẫn yêu thương, chia sẻ cho nhau tình yêu thương:
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Trong chiến đấu, sự gian khổ đã giúp các chiến sĩ tôi luyện ý chí và giúp cho tình đồng đội của các anh thêm gắn bó, keo sơn. Đặt trong hoàn cảnh vào sinh ra tử nhưng người lính vẫn hồn nhiên, vô tư và lạc quan tin tưởng, chỉ một cái bắt tay qua khung kính vỡ rồi những cũng đủ gieo vào nhau những tình cảm tốt đẹp, các anh động viên nhau tiến bước quân hành. Tình cảm ấy đã làm các anh cảm thấy đầm ấm khi cùng chung tiểu đội:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Tiểu đội của các anh như một gia đình vui vẻ, hạnh phúc, nơi đó có vẻ đẹp của sự sum họp, chan hoà. Các anh có chung một điểm tựa, tâm hồn nên gia đình ở chiến trường của các anh đều cùng chung một nhiệm vụ thiêng liêng, các anh luôn tin tưởng vào tương lai đang chờ đợi phía trước. Câu thơ lại đi, lại đi trời xanh thêm với năm thanh bằng và điệp ngữ lại đi đã tạo nên một âm điệu thanh thản, nhẹ nhàng trong chính tâm hồn người lính nơi chiến trường.
Đối với các anh, điều làm nên sự chiến thắng chính là lòng yêu nước, là ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Ở đây có sự tương phản giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài và bên trong, giữa cái không có và cái có. Bom đạn kẻ thù đã làm cho xe không có rất nhiều: không kính, không đèn, không mui nên chiếc xe đã trở nên trần trụi đến kì lạ, xe không còn nguyên vẹn… Nhưng một thứ rất cần mà các anh đã có, đó là trái tim yêu nước, một trái tim đầy nhiệt thành cách mạng, sẽ chiến thắng những thiếu thốn về vật chất. Chính trái tim yêu nước đã điều khiển chiếc xe không nguyên vẹn ấy băng về phía trước, nơi miền Nam ruột thịt, là sức mạnh để xe băng mình ra trận chính là sức mạnh của trái tim người lính.
Với chất liệu hiện thực độc đáo, bài thơ thể hiện hình ảnh hào hùng của chiếc xe không kính, qua đó khắc hoạ nổi bật hình ảnh cao quí của người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứy nước. Qua bài thơ, ta càng thấy rõ phẩm chất của người lính Trường Sơn: mộc mạc, giản dị và vĩ đại, cũng chính vì thế chúng ta càng biết ơn các anh. Thế hệ trẻ Việt Nam nguyện tiếp bước các anh gìn giữ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam đầy tươi đẹp, chân trọng nền độc lập mà biết bao thế hệ đã ngã xuống để giành lại.