Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi bạn đọc và gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương tồn tại trong cuộc sống. Cùng bài viết này tìm hiểu nhé:
Mục lục bài viết
1. Dàn ý cảm nghĩ về truyện ngắn gió lạnh đầu mùa:
1. Mở bài: Khái quát cảm xúc, suy nghĩ về truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”.
2. Thân bài:
Khái quát nội dung chính:
Truyện ngắn kể về việc Lan và Sơn khi đi chơi với các bạn, thấy Hiên đứng co ro bên cột quán ngoài chợ đã mang áo bông cũ cho Hiên. Vì sợ Sinh – em họ mách lẻo với mẹ nên hai chị em đã ra chợ tìm Hiên để đòi lại áo. Khi trở về nhà, Lan và Sơn thấy mẹ con Hiên đang ngồi nói chuyện với mẹ của mình để trả chiếc áo. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ con Hiên, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên mượn năm hào để bà may áo cho con.
Nêu cảm nghĩ về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn:
a. Nội dung:
– Chủ đề của truyện: nói về tình yêu thương con người:
– Sự sẻ chia của chị em Lan, Sơn với bé Hiên:
+ Khi đứng trước những đứa trẻ nghèo khổ hơn mình phải mặc quần áo đã rách rưới, Lan và Sơn đã không vì thế mà tỏ ra kiêu kì, khinh khỉnh như những đứa em họ mà chan hòa, sẵn sàng lại gần chơi với chúng.
+ Thấy Hiên chỉ có một mảnh áo rách mặc giữa trời lạnh, co ro đứng bên cột quán, Lan và Sơn đi đến ân cần quan tâm, hỏi han.
+ Biết được tình cảnh khó khăn của gia đình Hiên, hai chị em Sơn động lòng thương và về lấy chiếc áo bông cũ cho Hiên mặc.
– Sự đồng cảm của mẹ Sơn với mẹ Hiên:
+ Biết được hoàn cảnh đáng thương của gia đình Hiên, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo cho con.
=> Nhận xét: Qua những hành động này có thể thấy gia đình Sơn là những người giàu tình yêu thương, bao dung, nhân hậu.
b. Nghệ thuật:
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình.
– Ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình.
3. Kết bài: Khẳng định cảm xúc, suy nghĩ về truyện ngắn.
2. Bài văn mẫu nêu cảm nghĩ về truyện ngắn gió lạnh đầu mùa:
2.1. Cảm nghĩ về truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa – mẫu số 1:
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi bạn đọc và gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương tồn tại trong cuộc sống. Với giọng kể truyện nhẹ nhàng, sâu lắng, tác giả đã khắc họa một cách rõ nét hình ảnh các nhân vật xuất hiện xuyên suốt câu truyện ngắn một cách sống động, chân dung đẹp đẽ. Trong đó, nổi bật là nhân vật chính là chị em Lan và Sơn có điều kiện hơn các bạn nhưng không hề kiêu ngạo mà vì thương đám trẻ nghèo đã mang áo của em gái mình ra cho cô bạn nhỏ. Để rồi sợ mẹ mắng vì tự ý mang quần áo của em đi mà khép nép không dám nhìn mẹ. Cũng vì hành động của con trẻ ngây thơ nhưng ấm áp mà người mẹ ngỡ ra được bao điều và cho người mẹ nghèo vay tiền mua áo cho con. Đó chính là khoảnh khắc đẹp đẽ của cả người lớn và trẻ em – khoảnh khắc chứa chan tình người khiến cho người đọc chúng ta cũng rưng rưng xúc động. Vì cuộc sống vốn khó khăn mà con người thường chỉ nghĩ đến mình mà khó nghĩ được cho người khác, những người có cuộc sống đủ đầy lại càng khó hiểu được những gánh nặng mà những người khốn khó hơn mình phải chịu. Thế nhưng, những em bé trong câu chuyện dù còn nhỏ và có hoàn cảnh tốt hơn các bạn xung quanh nhưng vẫn có thể thấu hiểu và thương những mảnh đời khó khăn, đó thực sự là vẻ đẹp quý giá của tình người. Có thể thấy, tác giả Thanh Lam đã miêu tả bức tranh đầu mùa đông chính xác, tinh tế, vừa sinh động vừa giàu tình cảm. Còn bức tranh tình người hiện lên vừa ấm áp, vừa giản dị, vừa quen thuộc nhưng dạt dào tình cảm giữa mùa đông lạnh giá. Có thể nói rằng, với ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả trong suốt mấy mươi năm qua vì vẻ đẹp tình người.
2.2. Cảm nghĩ về truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa – mẫu số 2:
Đối với những ai yêu thích nhà văn Thạch Lam thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua truyện ngắn đặc sắc của ông là “Gió lạnh đầu mùa”. Tác phẩm ghi dấu trong lòng người đọc bởi lối kể truyện nhẹ nhàng cùng bài học ý nghĩa về tình yêu thương để lại cho người đọc. Mỗi lần đọc tác phẩm, em đều cảm động trước câu truyện tình người, trước tấm lòng bao dung, nhân hậu của gia đình Sơn.
Lan và Sơn là hai chị em ruột, sinh ra trong gia đình tương đối khá giả ở địa phương sinh sống. Sau khi được mẹ mặc cho chiếc áo mới, Lan và Sơn ra chợ chơi cùng với đám trẻ con quanh nhà. Đám trẻ con ở đó rất nghèo, thấy Hiên đứng bên cột quán với manh áo rách, Lan và Sơn quyết định về nhà lấy áo bông cũ mang cho Hiên mặc. Nhưng vì sợ bị em họ là Sinh sẽ mách với mẹ chuyện tự ý ban nãy mà Sơn và Lan lại đi tìm Hiên để đòi lại áo. Khi trở về nhà, hai chị em thấy mẹ con Hiên nói chuyện với mẹ để trả áo. Cuối cùng, mẹ Sơn cho mẹ Hiên năm hào may áo cho con.
Đọc trang văn của Thạch Lam, em không khỏi xúc động bởi sự sẻ chia của hai cô cậu bạn nhỏ Lan, Sơn với bé Hiên. Lan và Sơn dù có điều kiện sống tốt hơn nhưng hai chị em không bao giờ tỏ ra “kiêu kì” hay “khinh khỉnh” trước sự ngưỡng mộ của những bạn nghèo khác. Trong cảm nhận của em, Lan và Sơn là những người giàu tình yêu thương, luôn biết quan tâm, sẻ chia với mọi người ngay từ khi chỉ là một đứa trẻ. Hành động chia sẻ áo với Hiên là một chi tiết đắt giá trong tác phẩm và để lại cho em niềm xúc động sâu sắc.
Bên cạnh đó, chỉ tiết mẹ Sơn quyết định cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo sua khi tâm sự biết được hoàn cảnh của họ. Mẹ Sơn quả là một người có tấm lòng bao dung vị tha khi không những không trách phạt con mà còn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vì vậy mà cô có thể đào tạo được hai đứa con ngoan ngoãn, giàu lòng vị tha.
Có thể thấy, nhà văn Thạch Lam dành một tình cảm đặc biệt cho trẻ em nghèo. Ông thương xót cho những đứa trẻ không đủ cơm ăn, áo ấm, xây dựng nhân vật tài tình để qua đó đem câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương đặc biệt là thương những tấm thân nhỏ bém khó khăn đến gần hơn với độc giả.
2. Tìm hiểu chung về tác phẩm:
a. Xuất xứ
– Trích trong tập Gió lạnh đầu mùa, in trong Văn chương Tự lực văn đoàn, tập ba, NXB giáo dục, Hà Nội, 2001.
b. Bố cục: 3 phần
– Phần 1 (Từ đầu đến rơm rớm nước mắt): Cảnh sinh hoạt trong gia đình Sơn ngày gió đầu mùa.
– Phần 2 (Tiếp đến ấm áp vui vui): Cảnh hai chị em Sơn cùng vui chơi với đám bạn và chia sẻ áo ấm cho Hiên.
– Phần 3 (Còn lại): Sự lo lắng của Sơn và cảnh mẹ Hiên trả lại áo.
c. Tóm tắt truyện ngắn:
Vào một ngày đầu đông, hai chị em Lan và Sơn ra chợ chơi với lũ bạn của mình. Mấy đứa trẻ giương mắt ngắm và trầm trồ bộ quần áo mới của Sơn. Đám bạn của Sơn nghèo lắm, chúng ăn mặc rách ruới, da thịt chúng thâm tím do cái lạnh. Còn cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm bạn chơi với Lan và Duyên chỉ mặc một manh áo rách tả tơi, đứng co ro bên cột quản. Khi nghe cái Hiên bịu xịu nói ‘hết áo rồi, chỉ còn cái áo này’, Sơn mới chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, động lòng thương, lại gần chị Lan thì thầm. Sau đó, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy cái áo bông em Duyên đem cho cái Hiên… Vú già biết chuyện, hai chị em Sơn và Lan lo mẹ đánh đòn, mãi đến chập tối mới dắt tay nhau khép nép về nhà. Mẹ cái Hiên đem áo đến nhà hai chị em trả lại, mẹ Sơn cho mẹ cái Hiên vay năm hào để về may áo cho con. Bà nhẹ nhàng, ôm hai đứa con âu yếm vào lòng mà bảo: “Hai con tôi quỷ quá, dám tự do lẩy áo đem cho người ta, không sợ mẹ mắng ư?”.
d. Thể loại: truyện ngắn.
e. Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
f. Giá trị nội dung và nghệ thuật
– Giá trị nội dung: Qua câu chuyện cho áo và cho vay tiền mua áo, tác giả Thạch Lam ca ngợi những tấm lòng tốt bụng, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong cảnh bần hàn.
– Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm tinh tế cùng các thủ pháp đối lập, miêu tả tâm lí xuất sắc.
3. Tìm hiểu chung về tác giả Thạch Lam:
a. Tiểu sử:
– Thạch Lam (1910 – 1942), sinh ra và học tập tại Hà Nội, hồi nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng – Hải Dương.
– Sau khi đỗ Tú tài, ông thôi học về làm báo với anh và gia nhập Tự lực văn đoàn.
– Là người thông minh, trầm tĩnh, điềm đạm, đôn hậu và rất tinh tế.
b. Sự nghiệp văn học:
– Quan điểm sáng tác: Theo Thạch Lam văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Ông quan niệm: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
– Một số tác phẩm chính: “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn”(1938), “Sợi tóc” (1942), “Ngày mới” (1939), “Theo dòng” (1941), “Hà Nội ba sáu phố phường” (1943), …
– Phong cách nghệ thuật: Những sáng tác Thạch Lam thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Cốt truyện của những câu chuyện của ông thường đơn giản thuộc hoặc không có cốt truyện. Thạch Lam đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm nhân vật. Nội dung câu chuyện thường có sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình.