Cải cách vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
Hiện nay việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được quan tâm nhiều hơn, vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có thể là một phần hoặc 100% Tuy nhiên số vốn này sẽ được sử dụng một cách có hiệu quả và thực hiện theo quy định cụ thể. Hiện nay đối với một số nguồn vốn tại doanh nghiệp sử dụng chưa hiệu quả gây lãng phí nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó pháp luật cung có những quy định để thực hiện cải cách và cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp để sử dụng nguồn vốn được hiệu quả hơn. Vậy cụ thể cải cách và cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Cải cách vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Đối với thực hiện cải cách vốn nhà nước tại doanh nghiệp chúng tôi cho rằng cần đề cao tính thị trường. Bởi vì hiện nay cơ chế thị trường là nền tảng cho các tập đoàn kinh tế phát triển. Ví dụ như là việc hình thành thị trường trong lĩnh vực viễn thông, từ chỗ độc quyền thay đổi sang thị trường cạnh tranh, nhờ có cạnh tranh mà dịch vụ tốt hơn, giá cả rẻ hơn. Như thế mới có thể xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực then chốt, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện nay chúng ta có thể nhận thấy có thể đối với nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng thực tiễn trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn một số tồn tại. Về thể chế, vẫn còn các quy định, quy trình chưa rõ ràng liên quan đến vấn đề rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khiến quá trình thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn. Nhiều quy trình thủ tục đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm; các quy định về định giá doanh nghiệp, bán cổ phần còn chưa theo sát thị trường.
Bên cạnh đó, các quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng. Các quy định bắt buộc về áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế còn thiếu nên chưa tạo áp lực, động lực cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện, khiến hệ thống thông tin tài chính doanh nghiệp hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn nhà nước có lúc, có nơi còn thực hiện chưa đầy đủ, hay việc thực hiện còn mang tính hình thức nên nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Ngoài ra muốn thực hiện cải cách vốn nhà nước tại doanh nghiệp chúng tôi cho rằng cần có nhìn nhận khách quan về vai trò trong sử dụng nguồn vốn của nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua. Theo đó nếu những hoạt động sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả của một bộ phận các doanh nghiệp không thể đánh đồng và quy chụp cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước. Sự đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào sự phát triển của đất nước là rất lớn, ngoài đóng góp về kinh tế, còn đóng góp vào sự ổn định chính trị – xã hội. Bên cạnh đó có thể thấy có không ít doanh nghiệp nhà nước là điểm sáng của sự phát triển như Tập đoàn Viettel, một số doanh nghiệp của ngành dầu khí… Đánh giá doanh nghiệp nhà nước cần nhìn nhận khách quan, bởi khu vực này thường phải đầu tư vào những lĩnh vực sinh lời thấp, rủi ro cao, tư nhân không muốn đầu tư; gánh trên vai nhiệm vụ kép đo là nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa thực hiện các nhiệm vụ chính trị – xã hội. Đây cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp nhà nước trên thế giới, với vai trò như vậy thì việc cải cách vốn nhà nước tại doanh nghiệp là điều rất cần thiết để khắc phục những tồn tại.
Bên cạnh đó cũng cần đổi mới cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực quốc tế vì việc phát triển doanh nghiệp quyết định những yếu tố liên quan tới sử dụng vốn và quản lý vốn nên nếu có cải cách thì nên có quy định cùng với cơ chế quản trị doanh nghiệp.
2. Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại điều 36. Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp
” 1. Căn cứ phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp quy định tại Điều 10 của Luật này, Chính phủ quy định lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành.
2. Doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải thực hiện cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Luật này.
3. Thu hồi vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tái đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
4. Thu hút nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp.
5. Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo các hình thức sau đây:
a) Chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp;
b) Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
c) Chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.”
Như vậy có thể thấy pháp luật đã đưa ra quy định chi tiết đối với hoạt động Cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo 05 nội dung cơ bản, có thể hiểu như sau:
Thứ nhất, việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp dựa trên việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bởi nếu trong trường hợp thực hiện việc thoái vốn chậm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực thu về cho ngân sách nhà nước, phục vụ kế hoạch đầu tư trung và dài hạn mà còn ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp. Vì đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, chậm thoái vốn sẽ khiến doanh nghiệp khó xác định chiến lược phát triển dài hạn. Theo đó nên cần sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tế hiện nay để hoàn thiện quy định pháp luật, gỡ khó cho quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó có thể thấy hiện nay các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Thứ hai, pháp luật có nêu về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp không có 100% vốn nhà nước. Chúng ta có thể thấy Hoạt động sản xuất kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không thể tách rời quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ hay còn gọi là vốn. Theo đó vốn là một trong những điều kiện tối quan trọng khi thành lập doanh nghiệp và là yếu tố không thể thiếu khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn của doanh nghiệp còn phản ánh nguồn lực tài chính của một doanh nghiệp. Nhìn vào cơ cấu vốn chủ sở hữu và cơ cấu vốn vay cũng như tương quan giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu có thể nói lên phần nào tình hình tài chính của doanh nghiệp và các chính sách điều hành quản lý doanh nghiệp đó.
Thứ ba, đối với việc thu hồi vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tái đầu tư chúng ta có thể hiểu là việc thu lại vốn đã cấp thừa cho các đơn vị cơ sở, để điều chỉnh vốn của đơn vị giảm xuống mức phù hợp với nhu cầu của nó với mục đích nhằm thúc đẩy việc sử dụng vốn hợp lí, có hiệu quả, tránh lãng phí vốn. Thu hồi vốn do cơ quan tài chính thực hiện để nộp lại ngân sách. Cũng có khi thu hồi vốn do các bộ, tổng cục thực hiện để điều hoà, phân phối lại vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu giữa các xí nghiệp và tổ chức kinh tế trực thuộc bộ, tổng cục.
Thứ tư, thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp cần phải thu hút nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để có thêm nguồn vốn phát triển doanh nghiệp và đa dạng thêm những nguồn vốn mới.
Cuối cùng đó là pháp luật có đưa ra 03 hình thức để thực hiện cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mỗi hình thức sẽ tương ứng và phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể. thế nên việc thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nên xem xét để lựa chọn được hình thức tối ưu đối với doanh nghiệp.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Cải cách và cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và các thông tin pháp lý dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.