Thủ tục cải cách hành chính là một trong những yêu cầu cấp thiết của chính phủ trong hoạt động bộ máy nhà nước. Đây được coi là khâu đột phá quan trọng mà Chính phủ đã nêu ra. Bài viết dưới đây sẽ phân tích nội dung này. Mời các bạn tham khảo .
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về cải cách hành chính:
– Trong Từ điển hành chính Việt Nam“Cải cách hành chính là hệ thống những chủ trương, biện pháp tiến hành những sửa đổi, cải tiến mang tính cơ bản và có hệ thống nền hành chính nhà nước (hay còn gọi là nền hành chính công, nền hành chính quốc gia) về các mặt: Thể chế, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ công vụ, quy chế công chức, năng lực, trình độ, phẩm chất phục vụ của đội ngũ công chức làm việc trong bộ máy đó”
Như vậy, cải cách hành chính là quá trình thay đổi có kế hoạch, được thực hiện theo một mục tiêu nhất định, xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cải cách hành chính không làm thay đổi bản chất của hệ thống hành chính, với nhiệm vụ làm cho hệ thống này trở nên hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn; các thể chế quản lý nhà nước đồng bộ, khả thi, đi vào cuộc sống hơn; cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của một quốc gia và bắt kịp với sự phát triển của toàn cầu hóa.
2. Nguyên nhân của quá trình cải cách hành chính:
Chính phủ chọn cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính bởi những lý do và yêu cầu đặt ra như sau:
– Thứ nhất, đây là một nội dung của cải cách hành chính, là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, nhưng đồng thời cũng là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp và đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế.
– Thứ hai, trong điều kiện nguồn nhân lực còn nhiều khó khăn nên chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung khác như: cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy… thì khâu cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực và hiệu quả cao nhất.
– Thứ ba, thông qua cải cách thủ tục hành chính, giúp chúng ta xác định căn bản các công việc của cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp; qua đó chúng ta có thể xây dựng bộ máy phù hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, tận tâm, nhiệt huyết và đáp ứng được yêu cầu công việc.
– Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: nâng cao chất lượng thể chế, bộ máy nhà nước; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ, … giúp thủ tục hành chính được nhanh gọn, tiện lợi.
3. Những hạn chế và đề xuất nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính:
3.1. Những hạn chế trong quá trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020:
Cải cách hành chính nhà nước (CCHC) là một chương trình lớn của Việt Nam nói chung và thuộc chính sách của nhà nước, đã thực hiện từ những năm đầu của thế kỷ XXI, qua quá trình thực hiện chương trình CCHC lần thứ hai theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ từ năm 2011 đến nay đã đạt nhiều thắng lợi, song chúng ta cũng phải thừa nhận những hạn chế được nhận diện vào giữa giai đoạn thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 như sau:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC chưa thực sự quyết liệt, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, tính đồng bộ, cân đối, khả thi của hệ thống pháp luật tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều chênh lệch, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực khiến cho quá trình thực thi khó khăn.
Thứ hai, thủ tục hành chính (TTHC) trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp như số lượng các TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn hạn chế, việc công bố, công khai TTHC còn chậm chập, mất nhiều thời gian, hơn nữa còn tình trạng công khai TTHC đã hết hiệu lực.
Thứ ba, việc đổi mới chức năng, nhiệm vụ của cả bộ máy hành chính nhà nước còn chậm chạp chưa bắt kịp được yêu cầu thời đại. Bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu ổn định, hơn nữa, quá trình tinh giản biên chế kém hiệu quả, phân cấp quản lý nhà nước chưa triệt để, nghiêm túc, đúng quy định.
Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) có nơi chưa đồng đều, còn yếu về năng lực như: tham mưu và đề xuất các biện pháp giải quyết; hay còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham những khiến bộ máy chưa thật sự minh bạch, nhanh gọn. Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý CBCC ở một vài nơi có vi phạm pháp luật, chưa thường xuyên, và hiệu quả không cao.
Thứ năm, việc thực hiện tự chủ tài chính có nơi chưa thực sự hiệu quả, kết hợp với quấ trình xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ còn mang tính hình thức; chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ, giao biên chế và giao kinh phí khi thực hiện.
Thứ sáu, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính còn nhiều hạn chế, theo đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa sâu sát trong chỉ đạo triển khai, chưa thực hiện nghiêm các yêu cầu trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 và việc triển khai đầu tư xây dựng cơ quan hành chính cấp xã hạn chế, thiếu hiệu quả.
Thứ bảy, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn chưa thật sự thống nhất dẫn đến những sự chồng chéo, thiếu thống nhất và gây khó khăn cho người dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng tùy tiện, thiếu quy định rõ ràng về quy trình giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính cũng như hiện tượng tham ô, hối lộ vẫn tồn đọng.
3.2. Những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả quá trình cải cách thủ tục hành chính:
Một là, các cơ quan, cấp chính quyền có thẩm quyền ban hành quy định thủ tục hành chính cần làm tốt khâu đánh giá tác động của thủ tục hành chính, có sự tham vấn từ phía các cán bộ, công chức thực thi công vụ, các cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận “một cửa” về hiệu quả cũng như những vướng mắc trong quy trình thủ tục hành chính trước đó. Nhà nước phảo ban hành thủ tục hành chính khoa học không chỉ để quản lý mà còn để thực hiện mục tiêu cao hơn là nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ xã hội. Vì vậy, sự tham vấn là hết sức cần thiết để phát huy tính chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ cũng như để thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy vai trò giám sát, đánh giá của người dân đối với công tác quản lý của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, hoạt động minh bạch, nhanh gọn cho nhân dân. Mặt khác, điều đó còn có tác dụng làm hạn chế những quy định thủ tục và cách thức thực hiện thủ tục theo lối tuỳ tiện, tham những, lười biếng mà một số cơ quan, cấp chính quyền đã mắc phải.
Hai là, thủ tục hành chính phải linh hoạt, đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu của toàn xã hội trong thời kỳ dân số hiện nay. Bởi lẽ, thủ tục hành chính tuy là những quy định hướng dẫn mang tính chất pháp lý, bắt buộc để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả phía Nhà nước và công dân, nhưng trong đời sống thường có những tình huống nằm ngoài ý chí của Nhà nước cũng như ý muốn của người dân như việc xảy ra các tình huống động đất, cháy nổ, lũ lụt…, có thể dẫn đến một vài những vấn đề liên quan đến hành chính như: các giấy tờ, hồ sơ gốc bị thất lạc, tiêu huỷ; do vậy, những người dân muốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các nhu cầu khác của mình thì không thể đáp ứng được các quy định thủ tục hành chính theo yêu cầu.
Ba là, Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ chế “một cửa”, tiến tới xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” giữa các sở, ban, ngành nhằm giải quyết nhanh những vấn đề giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bốn là, Đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính nội bộ, xây dựng quy định về mối quan hệ làm việc nội bộ và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan khác theo các tiêu chí: pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai về các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, nhằm góp phần xây dựng văn hoá công sở, gữi gìn trật tự, kỷ cương trong hoạt động công vụ nhằm thúc đẩy quá trình hoạt động hiệu quả của cơ quan ban, ngành đó.