Hóa đơn trên 20 triệu đồng phải chuyển khoản không? Cách xử lý hóa đơn trên 20 triệu nhưng không chuyển khoản? Tổng các hóa đơn trong ngày lớn hơn 20 triệu có được thanh toán tiền mặt không?
Hiện nay, các giao dịch tài chính ngày càng phổ biến. Theo quy định pháp luật hiện hành trong giao dịch này bên bán phải xuất hóa đơn trên 20 triệu thì bên mua phải thực hiện việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thay vì trả bằng tiền mặt, việc pháp luật quy định như vậy để bảo đảm sự minh bạch của hóa đơn, chứng từ. Vậy, Hóa đơn trên 20 triệu đồng phải chuyển khoản không? Cách xử lý hóa đơn trên 20 triệu nhưng không chuyển khoản? Tổng các hóa đơn trong ngày lớn hơn 20 triệu có được thanh toán tiền mặt?
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 218/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Nghị định 57/2021/NĐ-CP Bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20
– Nghị định 91/2014/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;
– Thông tư 43/2021/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và
– Thông tư 37/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư số 39/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.
– Thông tư 26/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tai Nghị đinh số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổỉ, bổ sung môt số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
– Thông tư 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Hóa đơn trên 20 triệu đồng phải chuyển khoản không?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư số 78/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền theo quy định của pháp luật về hóa đơn; hóa đơn này nếu có giá trị dưới 20 triệu đồng và có thanh toán bằng tiền mặt thì doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn này và chứng từ thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Như vậy, theo Thông tư 78/2014/TT-BTC các khoản chi nếu có hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ từng lần trên 20 triệu đồng trở lên, để được khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí hợp lý thì bên mua phải thực hiện thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng cho bên bán.
2. Cách xử lý hóa đơn trên 20 triệu nhưng không chuyển khoản:
Như đã phân tích tại mục 1 nêu trêu, về nguyên tắc những hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần mà trên 20 triệu đồng trở lên thì bắt buộc phải có các chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế trong đó quy định các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ giá trị trên 20 triệu đồng không bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm các khoản chi sau:
– Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các khoản chi của doanh nghiệp cho việc:
+ Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc;
+ Hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp.
+ Cho việc thu mua hàng hóa, dịch vụ được lập Bảng kê.
Căn cứ theo Điểm a Khoản 4 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP quy định các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản chi sau:
– Khoản chi cho thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật; khoản chi hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp.
– Các khoản chi thực tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp.
– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường hợp bên mua thực hiện thanh toán bằng tiền mặt với các hóa đơn giá trị trên 20 triệu đồng. Luật Dương Gia xin đưa ra phương án cho quý bạn đọc tham khảo như sau:
Phương án 1: Trong trường hợp hai bên là đối tác quen biết, bên mua liên hệ với bên bán để làm ủy nhiệm chi thanh toán vào tài khoản của bên bán. Sau khi thực hiện ủy nhiệm chi thanh toán hoàn tất thì bên bán lấy tiền mặt làm giấy nộp tiền trả vào tài khoản.
Phương án 2: Hai bên có thể thỏa thuận và thống nhất cùng ra ngân hàng viết sẵn ủy nhiệm chi chuyển khoản sang tài khoản của bên bán. Bên bán nhận tiền trong tài khoản và tiến hành rút tiền mặt ra để trả lại cho bên mua bằng tiền mặt hoặc bằng séc.
Phương án 3: Bên mua tiến hành gặp mặt bên bán để thỏa thuận lấy lại tiền mặt, mang ra ngân hàng làm ủy nhiệm chi để chuyển khoản cho bên bán.
3. Tổng các hóa đơn trong ngày lớn hơn 20 triệu có được thanh toán tiền mặt không?
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC và Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung điều 15 trường hợp nhiều hóa đơn trong ngày có giá trị dưới 20 triệu nhưng tổng các hóa đơn trên 20 triệu được quy định như sau:
– Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Cần lưu ý rằng, nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp người nộp thuế là cơ sở kinh doanh có các cửa hàng là các đơn vị phụ thuộc sử dụng chung mã số thuế và mẫu hóa đơn của cơ sở kinh doanh, trên hoá đơn có tiêu thức cửa hàng số” để phân biệt các cửa hàng của cơ sở kinh doanh và có đóng dấu treo của từng cửa hàng thì mỗi cửa hàng là một nhà cung cấp.