Cách ứng xử khi vợ/chồng mang con bỏ đi một cách hợp pháp như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Thực trạng tranh chấp về con cái của vợ chồng khi tiến hành ly hôn:
Ly hôn là sự kiện pháp lý, chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng về mặt pháp luật. Khi hai vợ chồng ly hôn, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh liên quan xảy ra. Các vấn đề phát sinh chủ yếu cần được giải quyết khi chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai chủ thể với nhau là: Tài sản chung, con chung và công nợ chung.
Hiện nay, vấn đề ly hôn diễn ra hết sức phổ biến tại nước ta. Tranh chấp về vấn đề nuôi con diễn ra khá nhiều. Xét về tính chất của các vụ việc ly hôn, các chủ thể hướng đến việc chấm dứt quan hệ hôn nhân là do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, không duy trì được giá trị cốt lõi của hôn nhân là sự hòa hợp và hạnh phúc.
Khi không tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân, các cá nhân thường hướng tới việc giải thoát cho nhau bằng việc ly hôn. Tuy nhiên, do mâu thuẫn, không còn tình cảm với nhau, nên đa số các vụ việc ly hôn đơn phương đều xảy ra tình trạng tranh chấp con cái.
Ngay cả khi chưa chấm dứt hoàn toàn về mặt pháp luật, vợ và chồng cũng xảy ra sự tranh chấp, mâu thuẫn về quyền nuôi con. Cả vợ và chồng đều muốn con ở với mình. Khi sự tranh chấp, mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm, các cá nhân thường hành xử gây nặng nề vấn đề. Thậm chí là mang con bỏ đi. Thực tế, khi đối phương mang con bỏ đi, vợ (hoặc chồng) thường rất lo lắng, dẫn đến những hành động thiếu sáng suốt, gây ảnh hưởng đến tiêu cực đến đối phương, con cái, và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái:
Trước những tình huống diễn ra phổ biến về việc vợ (hoặc chồng) mang con bỏ đi, người viết phân tích quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái.
Theo quy định tại Điều 69, 71, 72 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái như sau:
– Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
– Cha mẹ phải thực hiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Cha mẹ là người giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
– Cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
– Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.
– Pháp luật cũng quy định rõ, cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con; hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.
– Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.
– Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như nội dung phân tích trên, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Việc ly hôn chỉ chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, chứ không chấm dứt quan hệ giữa cha mẹ với con cái.
3. Cách ứng xử khi vợ/chồng mang con bỏ đi một cách hợp pháp:
Như đã phân tích ở các phần mục trên, khi hai vợ chồng xảy ra tranh chấp, bất đồng, không tìm được tiếng nói trong hôn nhân, dẫn đến xung đột xảy ra, các bên dễ dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát, đặc biệt là trong việc tranh chấp quyền nuôi con.
Mâu thuẫn xảy ra, hầu hết trong các trường hợp thực tế, ai cũng muốn quyền nuôi con thuộc về mình. Để tránh đối phương tranh chấp, giành quyền nuôi con, vợ (hoặc chồng) còn hướng đến hành vi mang con bỏ đi.
Mang con bỏ đi của vợ (hoặc chồng) sẽ gây hoang mang cho đối phương, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ, cùng những hệ lụy về mặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Rất nhiều trường hợp khi vợ (hoặc chồng) mang con bỏ đi, đối phương đã có cách ứng xử mang tính xung đột cao, thậm chí là có hành vi cư xử trái quy định của pháp luật.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A và chị Phạm Thị L đang trong quá trình giải quyết ly hôn với nhau. Hai người ở riêng. Cháu B là con chung, hiện đang ở với bộ. Tháng 1 năm 2022, anh A sang nhà bế cháu B bỏ đi. Chị L hoang mang, sợ mất con. Khi biết thông tin anh A đưa cháu sang tỉnh Hải Dương (nơi anh A) làm việc, chị L đã thuê người đến, đánh anh A và đưa cháu B về. Cách hành xử của chị Phạm Thị L là trái với quy định của pháp luật.
Vậy một câu hỏi được đặt ra, là cần ứng xử như thế nào khi vợ (hoặc chồng) mang con bỏ đi một cách hợp pháp?
Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Do đó, khi bố (hoặc mẹ) mang con bỏ đi sẽ không bị quy về hành vi trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi tâm lý của vợ (hoặc chồng) không ổn định, hoặc khi có căn cứ cho rằng đối phương có thể thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của con, đối phương có thể nhờ đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ con cái.
Vợ hoặc chồng mang con bỏ đi là vấn đề tương đối nhạy cảm. Vậy nên, cách thức tốt nhất, ưu việt nhất để giải quyết vấn đề này là hai người ngồi xuống nói chuyện với nhau. Vợ (hoặc chồng) sẽ phân tích cho đối phương về vấn đề khi hai người ly hôn, chỉ là chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, chứ không chấm dứt quan hệ giữa cha mẹ với con cái. Cả hai người đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về việc yêu thương và chăm sóc con. Vậy nên, cả hai nên cố gắng tìm ra phương hướng giải quyết chung sao cho hòa hợp nhất, tránh ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển của con sau này.
Thực tế, khi vợ hoặc chồng mang con bỏ đi, cách giải quyết khéo léo nhất mà đối phương có thể thực hiện là cố gắng cùng nhau tìm ra tiếng nói chung, hạn chế đến mức tối đa những xung đột có thể xảy ra để bảo vệ lợi ích của sự phát triển cho con cái, và nó cũng là cách cư xử hợp pháp nhất, không vi phạm quy định của pháp luật.
4. Vợ chồng cần ứng xử với nhau như thế nào để bảo vệ sự phát triển toàn diện của con cái khi ly hôn?
Ly hôn không chỉ đơn giản là sự chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, mà nó còn ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến con cái.
Trong nền tảng xã hội hiện đại và phát triển tiên tiến như ngày này, cha mẹ khi ly hôn cần cùng nhau đưa ra phương hướng đảm bảo cho sự nuôi dưỡng, bảo vệ con cái. Để làm được điều này, vợ chồng sau ly hôn cần cư xử với nhau như sau:
– Hai người cần tôn trọng nhau, tôn trọng thỏa thuận chung về vấn đề nuôi con hoặc quyết định của Tòa án về việc phân chia quyền nuôi con.
– Các chủ thể này cần thỏa thuận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con, trách nhiệm của nhau đối với con cái.
Những cách cư xử ở trên chỉ mang tính khách quan, tương đối. Thực tế, phụ thuộc vào từng trường hợp mà cách cư xử, quan hệ giữa vợ và chồng khi tiến hành ly hôn khác nhau. Tuy nhiên, các bên cũng cần nhìn nhận một cách sâu sắc, toàn diện về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với con cái. Từ đó, đưa ra phương hướng hành động một cách tối ưu nhất, bảo vệ quyền và lợi ích phát triển của con cái.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.