Thời hạn, thời hiệu tính bằng ngày bình thường hay ngày làm việc? Quy định của pháp luật về cách tính thời hiệu khởi kiện? Quy định về thời hạn và cách tính thời hạn? Cách tính thời hiệu theo quy định của Luật dân sự 2015?
1. Thời hạn được tính là ngày hay là ngày làm việc?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa Luật sư! Xin hỏi, thời hạn, thời hiệu trong các văn bản quy phạm pháp luật có ghi 5 ngày, 30 ngày, 2 tháng, 24 tháng, 1 năm …. được hiểu là ngày bình thường (kể cả ngày nghỉ và ngày lễ) hay là ngày làm việc. Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau về thời hạn, thời hiệu:
“Điều 144. Thời hạn
1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.
2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
Điều 145. Áp dụng cách tính thời hạn
1. Cách tính thời hạn được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
“Điều 149. Thời hiệu
1. Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 không quy định rõ khái niệm “ngày” là ngày bình thường hay ngày làm việc. Do đó, việc xác định thời hạn, thời hiệu theo ngày tùy thuộc vào quy định trong từng văn bản pháp luật và từng quy phạm pháp luật. Thậm chí, trong cùng một văn bản luật, khái niệm ngày cũng được hiểu khác nhau. Ví dụ
“Điều 27. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau
1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.
2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.”
Như vậy, việc xác định là ngày bình thường hay ngày làm việc phụ thuộc vào quy định của từng văn bản pháp luật cụ thể.
2. Quy định về thời hạn và cách tính thời hạn
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì:
“Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra”.
Về cách tính thời hạn: Thời hạn được tính theo dương lịch và được xác định như sau:
“Điều 151. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn
1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
b) Nửa năm là sáu tháng;
c) Một tháng là ba mươi ngày;
d) Nửa tháng là mười lăm ngày;
đ) Một tuần là bảy ngày;
e) Một ngày là hai mươi tư giờ;
g) Một giờ là sáu mươi phút;
h) Một phút là sáu mươi giây.
2. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
3. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
Điều 152. Thời điểm bắt đầu thời hạn
1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định.
3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày xảy ra sự kiện đó.
Điều 153. Kết thúc thời hạn
1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
2. Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
3. Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
4. Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”.
3. Cách tính thời hiệu theo quy định của Luật dân sự 2015
Khi xem xét một thời hạn ta cần quan tâm tới các yếu tố của thời hạn đó là điểm bắt đầu, điểm kết thúc và độ dài của thời hạn. Thời hiệu là một loại thời hạn và vì vậy nó cũng chứa đựng các yếu tố trên của thời hạn.
Về cách tính thời hiệu, Bộ luật dân sự 2015 đã có quy định tại Điều 156 của bộ luật như sau:
“Điều 156. Cách tính thời hiệu
Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu”.
Tuy nhiên đối với hai hình thức hay hai loại thời hiệu, đó là thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự thì nhà làm luật còn quy định thêm về thời điểm bắt đầu thời hiệu tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 159. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Việc xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu có ý nghĩa rất lớn đối với việc xác định thời điểm kết thúc thời hiệu. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện quyền khởi kiện, yêu cầu của các chủ thể. Với những cách xác định bắt đầu thời hiệu khác nhau sẽ có kết thúc thời hiệu khác nhau do đó sẽ dẫn đến những hậu quả khác nhau. Vì vậy nhà làm luật đã quy định thời điểm bắt đầu thời hiệu ngay trong bộ luật để các chủ thể và tòa án có thể chủ động trong việc xác định.
Luật sư
Trong các yếu tố cấu thành thời hiệu thì thời điểm bắt đầu thời hiệu và thời điểm kết thúc thời hiệu là hai yếu tố có sự tác động và ảnh hưởng mang tính chất quyết định. Tuy nhiên, sự tác động này chỉ mang tính một chiều, thời điểm bắt đầu là yếu tố quyết định thời điểm kết thúc thời hiệu. Sẽ không thể có kết thúc thời hiệu nếu không có bắt đầu thời hiệu, xác định kết thúc thời hiệu có chính xác hay không là phụ thuộc vào việc xác định bắt đầu thời hiệu.
Tuy nhiên, việc xác định thời điểm kết thúc của thời hiệu vẫn giữ một vi trí quan trọng. Tuy không đứng độc lập nhưng đây lại là điều kiện đủ để xác định xem một chủ thể còn hay không còn quyền khởi kiện, yêu cầu giải quyết việc dân sự, hay xác định xem chủ thể có hay không có quyền dân sự hay đã được miễn một nghĩa vụ dân sự nào đó hay chưa.
Khoảng thời gian không tính vào thời hiệu:
Vấn đề này chỉ xuất hiện trong thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Để đảm bảo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khi thực hiện hoạt động này thì Bộ luật dân sự 2015 đã quy định thời gian không tính vào thời hiệu. Khoảng thời gian này phải là khoảng thời gian xảy ra các sự kiện khách quan là khoảng thời gian xảy ra thiên tại, lũ lụt, hỏa hoạn hay bất kì các sự kiện nào không có yếu tố chủ quan….
Ngoài ra, thời gian không tính vào thời hiệu còn có thể là thời gian chủ thể có quyền khởi kiên, yêu cầu lâm vào tình trạng không nhận thức, kiểm soát được hành vi nhưng lại không có người thay họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự… Do xuất phát từ yếu tố khách quan chứ không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể, nằm ngoài tầm kiểm soát, dự liệu nên cho dù khoảng thời gian đó ngắn hay dài thì nó cũng không được tính vào thời hiệu, trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh chủ thể cố tình kéo dài thời gian xảy ra sự kiện nhằm kéo dài thời hiệu.