Thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định để tiến hành các hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tố tụng. Thời hạn trong Tố tụng hình sự có thể được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Vậy nội dung chi tiết về cách tính thời hạn theo Bộ luật tố tụng hình sự mới nhất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cách tính thời hạn theo Bộ luật tố tụng hình sự mới nhất:
Trong tố tụng hình sự, thì cách tính thời hạn theo Bộ luật tố tụng hình sự là một chế định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có liên quan mật thiết đến các chế định khác nằm trong sự điều chỉnh của Bộ luật này như về thời hạn điều tra, tạm giữ, tạm giam, thời hạn khởi tố, truy tố, xét xử… Việc quy định thời hạn một cách hợp lí sẽ hỗ trợ cho cho hoạt động tố tụng được tiến hành nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, và đặc biệt là tiết kiệm chi phí, tài sản Nhà nước và những người tham gia tố tụng khác đầu tư cho hoạt động này. Không chỉ thế để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng vi phạm các quy định về thời hạn, Điều luật đã quy định cách tính thời hạn sao cho bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trước đây khi Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 có hiệu lực pháp lý cũng đã có điều khoản ghi nhận về cách tính thời hạn tố tụng hình sự. Đến nay, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 vẫn giữ nguyên nội dung điều luật này với cách tính thời hạn tố tụng hình sự như sau:
– Thời hạn trong tố tụng hình sự được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày;
– Đối với trường hợp có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch vụ bưu chính thì thời hạn được tính theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng Nhà tạm giữ, Trưởng Buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, Giám thị Trại tạm giam, Giám thị Trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.
2. Bình luận quy định cách tính thời hạn theo Bộ luật Tố tụng hình sự:
Với quy định đã nêu thì Việt Nam đang áp dụng cách tính thời hạn theo Bộ luật tố tụng hình sự nước ta và tính theo giờ, ngày và tháng; Việc ghi nhận đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ trong một số trường hợp có một số hành vi và hoạt động tố tụng không được tiến hành trừ trường hợp có lí do không thể trì hoãn (ví dụ: pháp luật cũng quy định về việc không được hỏi cung vào ban đêm, không được khám nhà, bắt người vào ban đêm…).
Mặc dù có ghi nhận về thời hạn quy định trong điều luật này được tính theo dương lịch nhưng vấn đề đặt ra là không phải tất cả các tháng đều có 30 ngày mà có những tháng có 31 ngày, hoặc 29 ngày. Luật quy định khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn kết thúc vào ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó. Quy định này cũng tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng dễ dàng hơn, đảm bảo được sự thống nhất về cách tính thời hạn;
Trong tố tụng hình sự, pháp luật ghi nhận hai hình thức gửi đơn hoặc giấy tờ, tài liệu, theo đó cá nhân có thể gửi trực tiếp cho người hoặc cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hoặc trong một số trường hợp có thể lựa chọn gửi qua đường bưu điện. Trong trường hợp đơn, giấy tờ hoặc tài liệu được gửi qua đường bưu điện thì thời hạn bắt đầu được tính theo thời gian ghi trên dấu của bưu điện nơi gửi. Trong thực tế, đối tượng là bị can, bị cáo, người bị kết án đang trong các trại tạm giam, trại giam không thể nào tự mình thực hiện gửi đơn từ, giấy tờ, tài liệu theo một trong hai hình thức nói trên mà bắt buộc phải thông qua ban giám thị trại tạm giam, trại giam.
Nên để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị kết án đang trong các trại tạm giam, trại giam thì rất cần các quy định cụ thể hướng dẫn về thủ tục tiếp nhận đơn từ, giấy tờ, tài liệu của Ban giám thị các trại giam, trại tạm giam khi các trại viên có nhu cầu gửi đơn từ, giấy tờ hoặc tài liệu tới những người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
3. Cần có sự điều chỉnh thế nào để hoàn thiện quy định về thời hạn và thời điểm tính thời hạn:
Bên cạnh những lợi ích của việc quy định cách tính thời hạn thì vẫn tồn tại một số vấn đề cần được bổ sung và hoàn thiện hơn nữa để áp dụng thống nhất các quy định về thời hạn trong pháp luật tố tụng hình sự. Theo quan điểm riêng của tác giả thì tại Điều 134 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung khái niệm thời hạn để cụ thể hóa cách hiểu khi cá nhân, cơ quan áp dụng chế định này. Theo đó, có thể định nghĩa: Thời hạn tố tụng hình sự là giới hạn thời gian do pháp luật tố tụng hình sự quy định để các chủ thể tố tụng hình sự thực hiện các hoạt động, hành vi tố tụng do Bộ luật này quy định;
Trong việc sử dụng từ ngữ cũng cần có sự hiệu chỉnh nhất định, đó là thay từ “đêm” bằng từ “ban đêm” trong cụm từ “đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau” tại đoạn 1 khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 cho phù hợp với các quy định khác trong Bộ luật. Ví dụ, khoản 3 Điều 113 BLTTHS năm 2015 quy định: Cá nhân có thẩm quyền sẽ không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã; hoặc tại khoản 1 Điều 195 BLTTHS năm 2015 quy định: Việc khám xét chỗ ở sẽ không được thực hiện vào thời điểm ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Nếu có thể sửa đổi từ ngữ trên thì hỗ trợ tốt hơn trong việc bảo đảm tính chính xác về mặt ngôn ngữ;
Bên cạnh đó, quy định khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn tại khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 là chưa hợp lý. Bởi một ngày đêm được tính bằng 24 giờ nếu tính một cách công bằng thì thời hạn tố tụng được tính bằng ngày thì nó phải hết vào đúng thời điểm giờ tương ứng đã được dùng để bắt đầu tính thời hạn trong ngày hết hạn, mà không thể vào lúc 24 giờ của ngày hết hạn. Theo cách tính như BLTTHS hiện hành thì khi thời hạn tố tụng nào đó được tính bằng ngày thì thời hạn không phải là số ngày tròn đúng như BLTTHS năm 2015 quy định, mà thường có sự chênh lệch số giờ nhất định.
Vì vậy, cần sửa đổi Điều 134 BLTTHS năm 2015 theo hướng sau đây sẽ có tính khả thi và hợp lý hơn. Theo đó: “Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào giờ trùng của ngày cuối cùng của thời hạn…;Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào giờ trùng của ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh. Quy định “khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau” tại khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 chỉ có thể áp dụng khả thi với việc xác định loại thời hạn 02 tháng, và sẽ không phù hợp với loại thời hạn trên 02 tháng. Do vậy, cần sửa khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 thành: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng cuối cùng của thời hạn”;
Ngoài các thời hạn tính theo giờ, ngày và tháng, BLTTHS hiện hành còn quy định một số thời hạn được tính theo năm. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 chưa đề cập đến cách tính loại thời hạn này, do đó cần bổ sung nội dung: “Khi tính thời hạn theo năm thì thời hạn hết vào ngày trùng, tháng trùng năm cuối cùng của thời hạn”.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
THAM KHẢO THÊM: