Cách thức lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Cách thức lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa Luật sư, em có một câu hỏi muốn nhớ luật sư giải đáp ạ. Câu hỏi là: có 3 người muốn cùng nhau thành lập doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó 1 người nguyên là cán bộ công an về hưu, 1 người là chủ doanh nghiệp tư nhân, người còn lại mang quốc tịch Trung Quốc. Họ có thể thành lập loại hình doanh nghiệp nào? Nếu được thành lập thì thủ tục thành lập như thể nào? Em cảm ơn Luật sư.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Luật Doanh nghiệp 2014 thừa nhận 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh và Công ty cổ phần. Những người muốn thành lập doanh nghiệp ngoài việc phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 còn phải đáp ứng những yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với người thành lập doanh nghiệp.
“Điều 18. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.”
Thứ nhất, đối với cán bộ công an về hưu.
Điều 19, điều 20 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định:
“Điều 19. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước
1. Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
2. Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.
Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không được làm
Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”
Đồng thời, điểm d khoản 1 điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005 quy định cán bộ, công chức không được: “Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;”
Như vậy, để xác định người này có được tham gia thành lập doanh nghiệp và thực hiện hoạt động kinh doanh hay không cần căn cứ vào chức vụ và lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý khi còn giữ chức vụ của họ với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp định thành lập trên cơ sở đối chiếu với các quy định liên quan của pháp luật.
Thứ hai, đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.” Như vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.
Cũng bởi chính lý do đó, khoản 3 Điều 183 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cụ thể: “3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.”
Như vậy, một cá nhân với tư cách là chủ doanh nghiệp tư nhân không được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân khác hoặc tham gia thành lập công ty hợp danh
Thứ ba, với người mang quốc tịch Trung Quốc.
Như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 nêu trên thì không có bất cứ hạn chế nào đối với người nước ngoài khi tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu ba người trên bao gồm: cán bộ công an đã nghỉ hưu, chủ doanh nghiệp tư nhân và người mang quốc tịch Trung Quốc muốn cùng thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam thì họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn (hai thành viên trở lên) hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế khi không được thuộc lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của người là cán bộ công an đã về hưu (hạn chế áp dụng trong thời hạn nhất định tính từ thời điểm người này thôi giữ chức vụ).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về thủ tục thành lập doanh nghiệp, bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau và các điều khoản hướng dẫn được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
“Điều 22. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
b) Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Điều 23. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
b) Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.”