Cách thức chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước. Nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài khi nào?
Hiện nay, việc đầu tư ra nước ngoài là một trong những hoạt động diễn ra khá phổ biến trong xu thế toàn cầu hóa, phát triển kinh tế thị trường khi mà nhà đầu tư không chỉ đẩy mạnh việc phát triển trong nước mà chú trọng việc đầu tư, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Khi thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài, có nhiều vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, trong đó là vấn đề chuyển vốn ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận về nước. Trong phạm vi bài viết này, đội ngũ chuyên gia và luật sư luật Dương gia sẽ tư vấn về cách thức chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận đầu tư về nước để mọi người được biết.
Đầu tư nước ngoài là khái niệm được quy định tại khoản 1 Điều 3
1. Cách thức chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là căn cứ theo quy định tại Điều 53, 64, 63
- Về vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trước hết, khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm góp vốn và huy động các nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư này. Việc vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải tuân thủ điều kiện và thủ tục pháp luật về ngoại hối, về ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Vốn đầu tư ra nước ngoài được thể hiện dưới các hình thức như:
– Tiền tệ, cụ thể là đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Trong đó: nếu vốn đầu tư ra nước ngoài là đồng Việt Nam thì phải phù hợp với pháp luật về ngoại hối của Việt Nam; còn nếu là ngoại tệ thì phải là ngoại tệ có trên tài khoản tại một tổ chức tín dụng được phép giao dịch; hoặc được mua tại một tổ chức tín dụng được phép. Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài cũng có thể là ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
– Vật chất, tài sản hữu hình, cụ thể như máy móc, thiết bị, hàng hóa thành phẩm (hoặc bán thành phẩm), nguyên liệu, nhiên liệu.
– Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật.
– Các tài sản hợp pháp khác.
- Về điều kiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
Để có thể thực hiện việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài dưới dạng chuyển ngoại tệ, hoặc thiết bị, máy móc, hàng hóa ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư (phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác).
– Chủ đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép hoạt động đầu tư. Trường hợp chưa được cấp phép hoặc chấp nhận đầu tư do hạn chế của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư không quy định cụ thể về hoạt động đầu tư này thì nhà đầu tư cũng cần cung cấp tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư này.
– Đã có tài khoản vốn đầu tư theo quy định để thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. Tài khoản vốn này phải được mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam được đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Về cách thức chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trên cơ sở xác định về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, và điều kiện để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư có thể thực hiện việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài theo một trong các cách thức sau:
– Chuyển vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài được mở tại tổ chức tín dụng được phép.
Trong đó, theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư 12/2016/TT-NHNN thì tài khoản vốn đầu tư nước ngoài là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của nhà đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Còn tổ chức tín dụng được phép là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về mặt nguyên tắc, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thì: Nếu nhà đầu tư chuyển nguồn vốn đầu tư là ngoại tệ ra nước ngoài thì phải mở một tài khoản vốn đầu tư bằng 01 ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối theo quy định.
Nếu nhà đầu tư chuyển nguồn vốn đầu tư là đồng Việt Nam ra nước ngoài thì nhà đầu tư được đồng thời mở và sử dụng đồng thời 2 tài khoản vốn đầu tư, cụ thể 01 tài khoản sử dụng đồng Việt Nam và 01 tài khoản vốn bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký ngoại hối theo quy định.
– Đối với việc chuyển các nguồn vốn đầu tư khác như máy móc, thiết bị, giá trị quyền sở hữu trí tuệ… ra nước ngoài sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì được thực hiện theo các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ…
– Chuyển một số nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 83/2015/NĐ-CP thì trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, chủ đầu tư vẫn có thể chuyển vốn đầu tư. Trong đó, các hoạt động hình thành dự án đầu tư được xác định gồm các hoạt động như: thu thập, mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư; nghiên cứu tài liệu; nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư; tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học; tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư; thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư; tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; đàm phán hợp đồng; mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài…
Còn đối với việc chuyển vốn đầu tư là ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối, trong đó hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài được quy định không vượt quá 5% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, và được tính vào tổng số đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, về vấn đề này, theo quy định tại Điều 15, 16 Thông tư 12/2016/TT-NHNN thì việc nhà đầu tư muốn chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản ngoại tệ trước đầu tư được mở tại một tổ chức tín dụng được phép. Nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng số ngoại tệ chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đúng mục đích theo quy định của pháp luật về đầu tư và phải có trách nhiệm cung cấp các chứng cứ, chứng minh việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài phù hợp với mục đích đó.
Trên đây là những cách thức, và điều kiện để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi chủ đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Mỗi cách thức chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài đều có những đặc điểm nhất định phù hợp với nguồn vốn đầu tư là tiền, máy móc, thiết bị… và phụ thuộc vào việc chuyển vốn đầu tư khi đã được hay chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
2. Cách thức chuyển lợi nhuận đầu tư về nước
Cùng với việc quy định về cách thức, điều kiện để nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thì pháp luật hiện hành cũng quy định cụ thể việc sử dụng phần lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài, trong đó có cách thức chuyển lợi nhuận đầu tư về nước.
Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư năm 2014, Điều 18,19 Thông tư 12/2016/TT-NHNN, sau khi phát sinh lợi nhuận từ việc thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài thì chủ đầu tư sẽ sử dụng phần lợi nhuận này vào việc tiếp tục đầu tư ở nước ngoài hoặc chuyển lợi nhuận về nước.
Theo đó, trừ trường hợp sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài thì nhà đầu tư, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của nước tiếp nhận đầu tư (nước mà nhà đầu tư đến đầu tư), phải thực hiện việc chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các thu nhập khác có được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư.
Việc chuyển lợi nhuận đầu tư về Việt Nam được thực hiện sau khi đã thanh lý, chấm dứt, giảm vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư và được chuyển trực tiếp vào tài khoản vốn đầu tư mà nhà đầu tư đã mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định.
Như vậy, qua phân tích ở trên, trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài, chủ đầu tư khi muốn thực hiện việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài hoặc chuyển lợi nhuận về nước đều phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thông qua những hình thức nhất định. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo hình thức nào phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư là tiền tệ, hay là tài sản quyền sở hữu trí tuệ, hay máy móc và thời điểm chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài là trước hay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Còn về việc chuyển lợi nhuận đầu tư từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài về Việt Nam chỉ được thực hiện giao dịch thông qua tài khoản vốn đầu tư.