Hiện nay, thực tế khi tham gia giao thông thường sẽ thấy cảnh sát giao thông đứng điều phối, phân luồng giao thông tại các tuyến đường. Dưới đây là cách nhận biết ý nghĩa các hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.
Mục lục bài viết
1. Hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông gồm những gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10
– Hiệu lệnh bằng tay.
– Hiệu lệnh bằng còi.
– Các hiệu lệnh khác như hiệu lệnh bằng gậy; hiệu lệnh bằng đèn tín hiệu chiếu sáng.
Những hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là một trong những hình thức báo hiệu đường bộ theo quy định của luật giao thông đường bộ, bên cạnh hiệu lệnh là biển báo, đèn tín hiệu và vạch kẻ đường. Và khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông sẽ phải tuân thủ theo.
Cảnh sát giao thông thuộc một trong những đối tượng của người điều khiển giao thông. Ngoài ra, người điều khiển giao thông còn gồm người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
2. Cách nhận biết ý nghĩa các hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông:
2.1. Hiệu lệnh bằng tay:
– Tay giơ thẳng đứng: mang báo hiệu cho người tham gia giao thông ở tất cả các hướng dừng lại.
– Hai tay hoặc một tay dang ngang: báo hiệu để cho người tham gia giao thông ở phía trước cũng như ở phía sau của người điều khiển giao thông sẽ phải dừng lại. Trong khi đó, những người tham gia giao thông ở phía bên trái và phía bên phải của cảnh sát giao thông điều khiển được phép đi.
– Tay phải giơ về phía trước: nhằm báo hiệu người tham gia giao thông phía bên sau và phía bên phải của cảnh sát giao thông sẽ dừng lại. Khi đó, những người tham gia giao thông ở phía trước cảnh sát giao thông được phép rẽ phải; và người tham gia giao thông ở phía bên trái cảnh sát giao thông được đi tất cả các hướng; đối với người đi bộ qua đường sẽ đi sau lưng của người điều khiển giao thông.
– Cánh tay trái Cảnh sát giao thông gập đi gập lại sau gáy: báo hiệu người tham gia giao thông phía bên trái của Cảnh sát giao thông sẽ được đi nhanh hơn.
– Cánh tay phải Cảnh sát giao thông gập đi gập lại trước ngực: báo hiểu người tham gia giao thông phía bên phải Cảnh sát giao thông sẽ đi nhanh hơn.
– Bàn tay trái hoặc phải của Cảnh sát giao thông ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống: báo hiệu người tham gia giao thông phía bên trái và bên pháo cảnh sát giao thông đi chậm lại.
– Bàn tay trái hoặc phải của Cảnh sát giao thông giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất: báo hiệu người tham gia giao thông phía bên trái hoặc phía bên phải cảnh sát giao thông sẽ phải dừng lại.
– Tay phải giơ về phía trước, đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay: báo hiệu người tham gia giao thông phía bên tay trái của Cảnh sát giao thông sẽ được phép rẽ trái qua trước mặt của người cảnh sát giao thông.
2.2. Hiệu lệnh bằng còi:
Hiệu lệnh bằng còi của cảnh sát giao thông thường sẽ được kết hợp với hiệu lệnh bằng tay. Việc báo hiệu sẽ thông qua số lượng và độ ngắn dài về thời gian của mỗi tiếng còi. Cụ thể như sau:
– Báo hiệu dừng lại: một tiếng còi mạnh và dài.
– Báo hiệu cho phép được đi: một tiếng còi ngắn.
– Báo hiệu cho phép được rẽ trái: một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn.
– Báo hiệu nguy hiểm đi chậm lại: hai tiếng còi ngắn và thổi mạnh.
– Báo hiệu để đi nhanh lên: ba tiếng còi ngắn và thổi nhanh.
– Báo hiệu phương tiện phải dừng lại để kiểm tra hoặc báo phương tiện vi phạm giao thông: thổi liên tiếp tiếng một, mạnh và nhiều lần.
2.3. Các hiệu lệnh khác:
Ngoài các hiệu lệnh chính là bằng tay hay bằng còi thì Cảnh sát giao thông cụ thể trong một số tình huống để sử dụng một số hiệu lệnh khác như bằng gậy hay bằng đèn chỉ huy có ánh sáng màu đỏ để giải quyết. Cụ thể:
– Nếu như cảnh sát giao thông cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới thì người tham gia giao thông phải dừng xe.
– Trường hợp cảnh sát giao thông dùng gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe đang chạy thì báo hiệu xe đó phải dừng lại.
3. Mức xử phạt khi không tuân thủ hiệu lệnh điều khiển của cảnh sát giao thông:
Hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông là một trong những hình thức báo hiệu trong Luật giao thông đường bộ, nếu như người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh sát giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:
* Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
Xử phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng: hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
(theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 5
Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (quy định tại điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
* Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng: đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
(theo quy định tại điểm g Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
(quy định tại điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
* Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe):
Xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng: đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
(theo quy định tại điểm d Khoản 5 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
* Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ:
Xử phạt từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng: đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
(quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
* Đối với xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
Xử phạt từ 60 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng: đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
* Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo:
Xử phạt từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng: đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
4. Giá trị của hiệu lệnh cảnh sát giao thông:
Theo quy định, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông luôn có thứ tự ưu tiên đầu tiên. Thông thường, trên thực tế tại các tuyến đường tường bị ùn tắc, đông đúc thì sẽ thấy có cảnh sát giao thông đứng ra với nhiệm vụ thực hiện phân luồng giao thông để tránh tắc đường trong giờ tan tầm, thường sẽ thấy cảnh sát giao thông đưa ra các hiệu lệnh bằng tay, bằng còi, bằng gậy,…Dựa theo quy chuẩn 41:2019/BGTVT, người tham gia giao thông phải tuân thủ theo thứ tự nếu ở tại cùng một khu vực có bố trí đồng thời các hình thức báo hiệu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Thứ hai, hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Thứ ba, hiệu lệnh của biển báo hiệu.
Thứ tư, hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Bên cạnh đó, tại Điều 8 Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, trường hợp ngay cả khi hiệu lệnh đó trái với tín hiệu của đèn giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường thì mọi người khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.