Giấy tờ giả hiện nay diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống và trong mọi lĩnh vực cần thiết sử dụng giấy tờ. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, việc làm giấy tờ xe giả đã trở nên phổ biến vì người dân ngại thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp. Vậy làm thế nào để có phể phân biệt được cavet xe thật và giả? Khi người điều khiển phương tiện sử dụng cavet giả thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn quý bạn đọc cách nhận biết cavet xe giả và cung cấp thông tin về mức xử phạt người sử dụng giấy tờ xe giả.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật hiện hành về Cavet xe:
Cavet xe là cách gọi thông thường của Giấy đăng ký xe. Theo đó, Giấy đăng ký xe được hiểu là loại giấy tờ chứng minh chiếc xe đó thuộc sở hữu của . Đây là loại giấy tờ quan trọng mà người lái xe cần có khi tham gia giao thông, cần xuất trình với cảnh sát giao thông khi có yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Cavet xe ghi nhận các thông tin của chiếc xe đó và được cấp bởi cơ quan Công an và có chữ ký của trưởng công an cấp tỉnh xác nhận và chứng thực.
Cavet xe không chỉ có công dụng trong việc chứng minh quyền sở hữu của chủ xe mà còn có ưu điểm sử dụng trong một số hoàn cảnh khác như:
– Chứng minh là tài sản của chủ xe khi xảy ra tranh chấp;
– Sử dụng để xác minh chủ xe khi có tai nạn xảy ra khi lưu thông liên quan đến xe;
– Tìm lại chủ xe trong trường hợp xe bị trộm cắp tài sản.
2. Cách phân biệt cavet xe giả với cavet xe thật:
Ngày nay việc làm giả cavet rất tinh xảo, những cá nhân, tổ chức làm giả cavet xe thường tìm hiểu rất kỹ về cấu trúc, mực in trên cavet xe thật để làm nhái lại nhằm mục đích qua mắt các cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước. Theo đó, cá nhân hay tổ chức, cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, phân biệt cavet thật và cavet xe giả bằng cách sử dụng đèn cực tím, loại chuyên dụng để soi tiền giả và sử dụng hiểu biết để quan sát bằng mắt thường. Cụ thể, khi kiểm tra cavet xe giả thì cần xem xét dựa trên các tiêu chí sau:
2.1. Tiêu chí về hoa văn phôi và phù hiệu trên cavet xe:
Đối với cavet xe thật thì những đường nét hoa văn in trên cavet sắc nét, chi tiết và rõ ràng. Đặc biệt khi soi đèn cực tím, tia UV vào cavet xe thật thì thấy rõ huy hiệu ngành ẩn ở mặt trước. Hơn nữa, huy hiệu ngành nhìn kỹ bằng mắt thường có thể thấy nó nổi lên.
Còn đối với cavet giả thì nhìn đường nét hoa văn được in trên phôi không rõ nét, mờ nhạt, khi phóng to lên nhiều lần thì hoa văn nhìn thấy bị đứt nét, các nét mực, màu mực khác nhau đan xen lẫn lộn. Đối với huy hiệu ngành in trên cavet xe giả thì không rõ nét, khi soi đèn cực tím lên cavet xe thì không thấy rõ huy hiệu, hoặc huy hiệu không thấy rõ hình, những đặc trưng riêng của huy hiệu ngành. Nhìn kỹ mắt thường thì huy hiệu ngành nhoè nhoẹt, không bắt mắt.
2.2. Tiêu chí về thông tin, nét mực in chữ, số và con dấu trên cavet xe:
Thứ nhất, đối với cavet xe thật:
– Mực được in trên cavet xe là chữ nét liền màu xanh lá. Chữ ký của cán bộ công an cấp cavet xe thật là chữ ký tay, được ký bằng mực xanh theo quy định về mực ký. Việc ký bằng mực xanh để phân biệt với những bản photo và phần được viết ở trên. Theo đó, chữ ký tay bằng bút mực xanh sẽ có dấu hiệu bị tưa mực và hơi nhoè;
– Về con số được in trên cavet xe thật thường không thẳng hàng do mực in trên khung xe trên cavet xe thật thường được in bằng con lăn nên khi lăn con số lên cavet do tay người thực hiện nên có thể bị xê dịch một vài con số nên dãy số này khó có thể ngay ngắn, thẳng hàng;
– Về dấu mộc được in trên cavet xe. Dấu mộc được đóng lên cavet theo quy định và nguyên tắc đóng dấu phải ngay ngắn, rõ nét, đúng chiều và đóng dấu trùm lên 1/3 chữ ký về phía bên trái. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất để có thể phân biệt được giữa cavet xe thật và giả.
Thứ hai, đối với cavet xe giả: tất cả thông tin được in trên cavet đều in laser, scan mà không phải là in ấn thủ công như cavet xe thật. Chữ ký trên cavet xe giả là chữ ký scan nên mực in đều và ngay ngắn, không có biểu hiện tưa mực. Đối với con dấu trên cavet xe giả, con dấu này cũng được scan vì không thể nào làm giả con dấu mộc của cơ quan, nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào. Do đó nên cavet xe giả chỉ có thể scan con dấu đó theo con dấu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.3. Tiêu chí về sợi kim tuyến trên cavet xe:
Đối với cavet xe thật, những sợi kim tuyến được in nhỏ, mỏng và sắc nét. Đây là một trong những tiêu chí tiêu biểu mà có thể phân biệt được bằng mắt thường.
Đối với cavet xe giả thì những sợi kim tuyến này được in to và thô hơn so với cavet xe giả.
Trên đây là 03 tiêu chí tiêu biểu thường được dùng để phân biệt giữa cavet xe thật và cavet xe giả. Ngoài ra còn một vài tiêu chí khác nhưng thường phải dùng các thủ thuật và thiết bị công nghệ hiện đại hơn để kiểm tra. Cá nhân có thể dựa vào những tiêu chí trên để tránh nhận phải cavet xe giả khi mua bán xe cũ. Cán bộ công an có thể dựa vào các tiêu chí trên để kiểm tra các cá nhân điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm về việc sử dụng giấy tờ xe giả hay không.
3. Pháp luật quy định như thế nào về mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe giả?
Hiện nay, đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe giả thì người thực hiện hành vi trên, tuỳ theo mức độ và tính chất cũng như mục đích của hành vi thì bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, mức xử phạt cụ thể đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe giả được quy định cụ thể như sau:
3.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe giả:
Đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe giả với mục đích và mức độ nhẹ thì người sử dụng cavet xe giả đó sẽ bị xử phạt về hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 16 Nghị định số 100/2019, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi sử dụng Giấy đăng ký xe (cavet xe) không do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền thì người có hành vi sử dụng cavet xe giả sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu cavet xe giả đó và yêu cầu khắc phục bằng cách đi làm lại Giấy đăng ký xe hợp pháp.
3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng giấy tờ xe giả:
Đối với những hành vi sử dụng giấy tờ xe giả với mục đích lừa dối, mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật ở mức độ nghiêm trọng hơn thì người có hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể hành vi này sẽ bị xử phạt như sau:
– Đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan nhà nước, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật khác thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm;
– Đối với hành vi phạm tội sử dụng giấy tờ xe giả từ 02 lần trở lên hoặc sử dụng giấy tờ giả đó để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Theo đó, hành vi sử dụng giấy tờ xe giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xét thấy mức độ và mục đích của hành vi là cố ý trực tiếp và xâm phạm đến việc quản lý hành chính của nhà nước. Mục đích ban đầu của việc sử dụng cavet xe giả là để lừa dối, làm cho người khác tin vào giấy tờ đó là thật.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
–
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.