Một trong những cách thức để khắc phục được phần nào tình trạng mất an toàn trật tự giao thông, giảm bớt vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng,.. thì cần nâng cao hơn về ý thức tham gia giao thông, tạo cơ hội cho người dân tham gia vào việc phát hiện hành vi vi phạm giao thông. Vậy người dân gửi video, hình ảnh vi phạm giao thông nộp ở đâu?
Mục lục bài viết
1. Cách gửi video, hình ảnh vi phạm giao thông ở đâu?
Có thể thấy, trong những năm vừa qua đã có rất nhiều văn bản pháp luật được ban hành để thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ( TTATGT), có thể kể đến hoạt động của Chính phủ trong việc ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, Chỉ thị chỉ đạo đồng thời Bộ Công an cũng ra nhiều văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều biện pháp nhằm bảo đảm TTATGT đường bộ và TTATGT đô thị. Pháp luật luôn đề cao và thúc đẩy việc tuyên truyền, giáo dục thậm chí có sử dụng đến hình thức cưỡng chế thi hành pháp luật về TTATGT, nhưng sự thay đổi tích cực về vấn đề này vẫn chưa được thể hiện rõ nét, trong một số trường hợp vẫn có diễn biến phức tạp, chưa ổn định; vi phạm TTATGT, ùn tắc giao thông (UTGT), tai nạn giao thông (TNGT) vẫn đang có xu hướng phức tạp về nhiều mặt;
Dễ dàng thấy, chỉ khi thay đổi nhận thức, cách hành xử của người tham gia giao thông thì mới có thể khắc phục được phần nào thực trạng này, bên cạnh đó đẩy mạnh hình thức xử phạt cũng sẽ đem lại hiệu quả hơn, thể hiện ở việc khuyên khích công dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình trong việc phát hiện hành vi vi phạm giao thông và báo cáo lại cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP và Điều 29 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cá nhân hoàn toàn có thể góp công sức của mình trong việc ghi thu clip vi phạm giao thông, chụp hình ảnh vi phạm gửi cho đơn vị Cảnh sát giao thông thông qua các cách thức sau:
– Công dân khi thu được hình ảnh, video thể hiện hành vi vi phạm giao thông thì có thể đến trực tiếp trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc để gửi clip vi phạm giao thông;
– Ngoài ra, có thể gửi clip vi phạm qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng nếu địa phương có hỗ trợ sử dụng hình thức này;
– Người dân cũng được lựa chọn việc gửi clip vi phạm qua đường bưu điện;
– Thuận tiện hơn nhất đó là gửi clip vi phạm qua phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu: Hiện nay người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để gửi clip vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng;
Cá nhân khi có mong muốn trình báo hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông thì khi gửi clip vi phạm cá nhân phải để lại thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp lực lượng chức năng cần liên hệ, phải hợp tác với Cảnh sát giao thông khi được yêu cầu;
Để đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân của công dân thì trong trường hợp này đơn vị CSGT tiếp nhận thông tin có trách nhiệm giữ bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh;
– Lưu ý khi cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu thì cần cam kết trách nhiệm dưới đây:
+ Khi cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng quy định tại Điều 18 Nghị định này cần liên hệ;
+ Hành động trình báo của công dân phải có tính chính xác, cung cấp dữ liệu phải nguyên vẹn không được cắt ghép, nên cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yếu tố trên đối với hình ảnh và video cung cấp;
+ Khi nhận được yêu cầu hợp tác với người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề thì cần tích cực, chủ động, phối hợp để đạt được hiệu quả cao nhất trong xử lý hành vi vi phạm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền nghĩa vụ này thì Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để người dân được biết; việc tiếp nhận thông tin trình báo cần được thực hiện xuyên suốt với thời gian trực ban 24/24 giờ.
2. Clip vi phạm giao thông phải đảm bảo yếu tố gì thì mới đủ cơ sở xử phạt hành vi vi phạm?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, clip, hình ảnh ghi lại được hành vi vi phạm giao thông gửi cho CSGT sẽ được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tài liệu này cũng cần phải đáp ứng được các yêu cầu về dữ liệu theo quy định:
– Cần phải đảm bảo rằng, clip, hình ảnh thu thập được nằm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông;
– Việc cung cấp hình ảnh trong clip chỉ mang tính chất trình báo, làm cơ sở xử lý vi phạm hành chính, nên pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức;
– Để đảm bảo tính khách quan, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm thì cần chứa nội dung phản ánh khách quan, chính xác, trung thực, rõ ràng về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
– Cùng với đó là đáp ứng được yêu cầu về thời hạn sử dụng clip theo quy định.
Công dân cần biết rằng, thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 135/2021/NĐ-CP);
Tính từ khi phát hiện ra hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn là 01 năm. Nếu hành vi vi phạm giao thông đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (theo khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020). Chính vì vậy, khi đã nhận hình ảnh, clip từ người dân mà CSGT để quá thời hạn kể trên, không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì clip vi phạm giao thông vụ không còn là căn cứ sử dụng để xử phạt.
3. Khi tiếp nhận video, hình ảnh vi phạm giao thông thì cơ quan có thẩm quyền xử lý dữ liệu như thế nào?
Việc sắp xếp đa dạng các cách thức để tiếp cận thông tin trình báo với mục tiêu chính là có thể Tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu ghi nhận hành vi vi phạm nên cơ quan có thẩm quyền cũng phải nhanh chóng triển khai các hoạt động liên quan để thu thập,xử lý, xác minh thông tin. Theo quy định Điều 20 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ghi nhận những nội dung sau:
– Dữ liệu để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thu thập sẽ từ các nguồn sau:
+ Có thể thông qua dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh;
+ Ngoài ra cũng có thể sử dụng dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng;
+ Pháp luật cũng ghi nhận dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 16.
– Trình tự tiếp nhận, thu thập dữ liệu được người dân cung cấp:
+ Có trách nhiệm trong việc hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện cung cấp dữ liệu theo quy định tại Nghị định này;
+ Tiến hành nghiêm túc việc tiếp nhận, thu thập dữ liệu từ các nguồn quy định tại khoản 1 Điều 20;
+ Sau khi thực hiện thủ tục trên sẽ ghi vào sổ và báo cáo công tác tiếp nhận, thu thập dữ liệu. Bởi theo quy định thì dữ liệu tiếp nhận, thu thập được phải ghi chép vào sổ hoặc phần mềm theo dõi và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý theo quy định.
– Chuyển sang giai đoạn xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập: Cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xử lý dữ liệu tiếp nhận, thu thập được như sau:
+ Nếu tiếp nhận mà nhận thấy dữ liệu thuộc thẩm quyền xử lý thì tiến hành thủ tục xác minh theo quy định tại Điều 21 Nghị định này;
+ Còn trong trường hợp xác minh, dữ liệu không thuộc thẩm quyền xử lý thì nhanh chóng chuyển cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc xác minh;
+ Đối với kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 22 Nghị định số 135/2021/NĐ-CPthì không phải thực hiện việc xác minh; việc xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH Luật Xử lý vi phạm hành chính;
– Nghị định số 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
THAM KHẢO THÊM: