"Phạt nguội" trong lĩnh vực giao thông thường được gọi là "phạt nộp nguội" hay "phạt nguội đối với vi phạm giao thông”. Vậy cách gửi video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cách gửi video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội:
“Phạt nguội” trong lĩnh vực giao thông thường được gọi là “phạt nộp nguội” hay “phạt nguội đối với vi phạm giao thông”. Hiện nay các văn bản pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan không quy định hay giải thích thế nào là phạt nguội, tuy nhiên thuật ngữ “phạt nguội” lại được người dân sử dụng để phân biệt với hình thức xử phạt vi phạm về giao thông tại thời điểm có hành vi vi phạm giao thông, nhưng bản chất đây chính là hình thức xử lý vi phạm hành chính sau khi các phương tiện đã vi phạm được một khoảng thời gian nhất định. Với hình thức phạt này thì chủ các phương tiện vi phạm/người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm không bị xử lý ngay khi có hành vi vi phạm mà hình ảnh của vụ vi phạm ấy sẽ được ghi lại bằng hệ thống camera được lắp đặt trên đường phố và gửi về cho trung tâm xử lý hoặc từ cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp cho những cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt.
Khoản 1 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định danh mục, quản lý phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện VPHC có quy định cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật, Điều này đã quy định dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật mà cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt bằng một trong các hình thức sau:
-Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc ở hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp;
– Thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc là trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng;
– Qua dịch vụ bưu chính;
– Kết nối, chia sẻ dữ liệu (hiện nay người dân có thể sử dụng chính tài khoản định danh điện tử VNeID của mình để gửi clip vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng).
Mà tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định danh mục, quản lý phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện VPHC có giải thích “Phương tiện, thiết bị kỹ thuật” là máy móc, thiết bị mà có chức năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, kiểm định, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu do chính cá nhân, tổ chức tự đầu tư, mua sắm, trang bị. “Dữ liệu, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật” (sau đây sẽ được viết chung là dữ liệu) là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, thông tin, dữ liệu lưu ở trong bộ nhớ của phương tiện, thiết bị kỹ thuật.
Như vậy, bất kỳ một cá nhân/tổ chức phát hiện ra hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông của cá nhân/tổ chức khác đang tham gia giao thông đường bộ thì có thể sử dụng máy móc, thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, đo lường, phân tích, kiểm định, lưu trữ, trích xuất thông tin, dữ liệu của chính mình để ghi lại những hành vi vi phạm đó (ví dụ như máy điện thoại có chức năng ghi hình,…). Cần lưu ý rằng, khi ghi lại hành vi vi phạm thì người ghi nên quay rõ biển số xe, hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông,…Sau khi đã ghi lại đầy đủ các hành vi vi phạm thì cá nhân/tổ chức gửi video clip vi phạm giao thông mà mình đã ghi lại được đến Đơn vị Cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu mà pháp luật quy định bằng một trong các hình thức gửi nêu trên.
2. Cách xử lý sau khi nhận được video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội:
Khoản 3 Điều 29 Thông tư 32/2023/TT-BCA nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức quy trình tuần tra xử lý VPHC về giao thông đường bộ quy định về thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, căn cứ Điều này thì cách xử lý sau khi nhận được video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội được thực hiện như sau:
Bước 1: Cán bộ Cảnh sát giao thông khi đã tiếp nhận Dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cung cấp (thông tin, hình ảnh) (video clip vi phạm giao thông) phải xem xét, phân loại, nếu đã bảo đảm yêu cầu quy định thì thực hiện ghi chép vào sổ và báo cáo Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện như sau:
– Trường hợp dữ liệu (thông tin, hình ảnh) (video clip vi phạm giao thông) phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở tại địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì sẽ thực hiện thông báo cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lưu ý rằng, việc xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện giao thông (qua video clip vi phạm giao thông) được thực hiện thông qua các cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Bước 2: Căn cứ kết quả xác minh thì Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc thực hiện việc gửi thông báo đến cho chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến tại trụ sở cơ quan Công an đã gửi thông báo để làm rõ về vụ việc. Trường hợp quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày đã gửi đi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông lại không đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì khi đó người có thẩm quyền thụ lý vụ việc vẫn tiếp tục gửi thông báo đến Công an xã, phường, thị trấn; khi Công an xã, phường, thị trấn đã nhận được thông báo thì phải có trách nhiệm chuyển đến chủ phương tiện, đề nghị chủ phương tiện phải tiến hành thực hiện theo thông báo và thông báo lại cho cơ quan Công an đã gửi thông báo.
3. Quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gửi video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội:
Căn cứ khoản 2, 3 Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định danh mục, quản lý phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện VPHC quy định về quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dữ liệu, theo Điều này thì Quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gửi video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội có các quyền và trách nhiệm như sau:
– Quyền của cá nhân, tổ chức gửi video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội, bao gồm:
+ Cung cấp dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật (video clip vi phạm giao thông) cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc trong lực lượng quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm về bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.
– Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gửi video clip vi phạm giao thông để CSGT phạt nguội, bao gồm:
+ Cung cấp thông tin về họ tên, địa chỉ, phương thức liên lạc ở trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền thuộc các lực lượng pháp luật quy định cần liên hệ;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, tính nguyên vẹn của dữ liệu đã cung cấp;
+ Hợp tác với người có thẩm quyền để giải quyết khi được yêu cầu.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định danh mục, quản lý phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện VPHC;
– Thông tư 32/2023/TT-BCA nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức quy trình tuần tra xử lý VPHC về giao thông đường bộ.