Vì tin tưởng nhau nên nhiều người thường giao dịch bằng miệng. Đến lúc phát sinh tranh chấp mới thấy vô số những rắc rối trong việc giải quyết quyền lợi các bên. Dưới đây là quy định của pháp luật về cách giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán bằng miệng.
Mục lục bài viết
1. Cách giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán bằng miệng:
1.1. Các hình thức giao kết hợp đồng theo quy định của pháp luật:
Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành cụ thể tại Điều 119, đã quy định hình thức hợp đồng được thể hiện bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể hoặc có thể bằng văn bản. Hình thức của hợp đồng được xem là phương tiện nhằm thể hiện nội dung cụ thể là các điều, khoản mà các bên đã thỏa thuận thống nhất với nhau. Tuy nhiên khi xã hội ngày càng phức tạp, mức độ phức tạp của các giao dịch dân sự ngày càng tăng thì việc các bên tùy thuộc vào nội dung và tính chất của từng loại hợp đồng cũng như là độ hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau mà từ đó có thể lựa chọn cho mình một hình thức phù hợp. Các loại hình thức cụ thể của hợp đồng được thể hiện thông qua ba hình thức chính đó là bằng miệng, bằng hành vi cụ thể và bằng văn bản.
Cụ thể hơn, hình thức hợp đồng bằng miệng hay còn gọi là bằng lời nói là những hợp đồng được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ bằng lời nói hay còn gọi là bằng miệng và được xem là một trong những hình thức thông dụng nhất hiện nay. Các bên tiến hành giao kết hợp đồng với nhau một cách trực tiếp bằng lời nói hoặc có thể thông qua phương tiện thông tin liên lạc như bộ đàm, điện thoại … để bày tỏ mong muốn và ý chí của mình về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt giao kết hợp đồng nào đó. Đây được đánh giá là hình thức phổ biến và thông dụng trong đời sống hằng ngày, có đối tượng là những vật phẩm tiêu dùng hay là buôn bán lương thực thực phẩm, mua bán đơn giản mà không cần phải lập thành văn bản … khi tiến hành giao kết hợp đồng thì các bên sẽ thỏa thuận về đối tượng, giá cả, cách thức, thanh toán, giao dịch được xác lập ngay và có thể chấm dứt ngay sau đó. Hình thức này được xem là hình thức đơn giản nhất và mang lại nhiều ưu điểm như việc thực hiện dễ dàng và nhanh chóng cũng như tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của các bên khi tham gia giao kết, do là khá phổ biến trong đời sống xã hội nên có thể được các bên thực hiện ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào mà các bên mong muốn tiến hành. Mặt khác thì hình thức này cũng được áp dụng đối với các giao kết mà các bên đã có sự quen biết và tin tưởng lẫn nhau cũng như có độ tin cậy nhất định. Chính vì vậy mà hình thức này chỉ được lựa chọn đối với những giao dịch có giá trị nhỏ và mang tính chất đơn giản mà không thể áp dụng cho những giao dịch có giá trị lớn.
1.2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán bằng miệng:
Có thể thấy, hợp đồng mua bán bằng miệng là một trong những loại hợp đồng phổ biến hiện nay và có giá trị pháp lý theo như phân tích ở trên. Nhìn chung thì khi xảy ra quá trình tranh chấp, đầu tiên sẽ yêu tiên những phương thức tự thỏa thuận, đề cao ý chí tự định đoạt của các bên. Theo đó các bên sẽ ngồi lại với nhau để tự thỏa thuận và thương lượng, cùng đi đến tiếng nói chung để tránh phải trải qua một quá trình tố tụng kéo dài và rắc rối. Tuy nhiên việc thỏa thuận và thương lượng này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các chủ thể. Thương lượng và hòa giải được xem là phương thức ưu tiên trước khi đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán, kết quả của phương thức thương lượng và hòa giải sẽ được ghi nhận bằng văn bản, hoặc quá trình thương lượng và hòa giải sẽ cần phải được ghi âm và ghi hình để lưu giữ hồ sơ. Kết quả và biên bản thương lượng cũng như hoà giải sẽ không có giá trị pháp lý của các bên phải thi hành nhưng nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng nếu như sau này một trong các bên không tự nguyện thi hành thì có thể đem ra để khởi kiện trước tòa. Đối với loại hợp đồng mua bán hàng hóa bằng lời nói, thì quan điểm của tác giả, khuyến khích các bên nên “khép kín hồ sơ” trước khi chuyển vụ việc ra cơ quan tài phán để tiến hành các thủ tục tố tụng nhằm yêu cầu cơ quan này giải quyết tranh chấp, bởi hầu hết thì cơ quan tài phán sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp theo phương thức công khai, khi đó sẽ vô cùng ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của các chủ thể tranh chấp trong hợp đồng mua bán.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành có quy định: người khởi kiện phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp và có căn cứ, cũng như đúng quy định của pháp luật. Đây là một trong những lý do mà tác giả khuyến khích các bên nên tiến hành việc thương lượng và hòa giải đối với loại tranh chấp hợp đồng mua bán bằng miệng, hơn nữa thì quá trình thực hiện hợp đồng được giao kết bằng miệng này cũng không có bất cứ chứng cứ gì chứng minh thì rất khó để tòa án có thể tiến hành thụ lý và giải quyết tranh chấp trong những trường hợp này. Khi ra tòa thì các đương sự sẽ tự đưa ra những bằng chứng chứng cứ mà mình có để chứng minh cho những gì mình nói là đúng sự thật. Ngoài ra thì các bên cũng cần phải lưu giữ những chứng cứ trong quá trình thực hiện hợp đồng ví dụ như thư từ trao đổi giữa các bên hoặc biên bản giao nhận hàng, và
Hồ sơ khởi kiện cần phải chuẩn bị khi tiến hành khởi kiện như sau:
– Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định đáp ứng về mặt nội dung và hình thức;
– Các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của các bên là có căn cứ và hợp pháp;
– Những giấy tờ cá nhân của người khởi kiện ví dụ như chứng minh thư nhân dân photo có công chứng, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn theo quy định của pháp luật;
– Nếu như có tài liệu chứng cứ là tiếng nước ngoài thì sẽ phải được phiên dịch sang tiếng Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chức năng dịch thuật kèm theo bản gốc của tài liệu và chứng cứ đó.
Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này là tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi mà bị đơn đang cư trú theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Sau khi nhận được đơn khởi kiện đầy đủ các loại giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật thì tòa án sẽ tiến hành nhận đơn và xử lý đơn theo trình tự như sau:
– Xem xét thụ lý vụ án;
– Yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp xét thấy đơn khởi kiện không hợp lệ hoặc thiếu các loại giấy tờ cần thiết;
– Chuyển đơn khởi kiện cho tòa án cấp có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu xét thấy vụ việc đó không thuộc thẩm quyền của tòa án.
2. Điều kiện có hiệu lực và căn cứ phát sinh tranh chấp của hợp đồng mua bán bằng miệng:
Nhìn chung theo quy định của pháp luật thì để một hợp đồng mua bán hàng hóa bằng lời nói có hiệu lực sẽ phải đáp ứng được các điều kiện sau đây theo quy định tại Điều 117 của pháp luật dân sự năm 2015 hiện hành, cụ thể như sau:
– Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo quy định;
– Mục đích và nội dung của hợp đồng không trả điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội cũng như không đi ngược thuần phong mỹ tục;
– Các bên tham gia vào hợp đồng hoàn toàn tự nguyện không bị lừa dối ép buộc;
– Hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Tức là đáp ứng một trong ba hình thức được pháp luật cho phép.
Nhìn chung thì có thể thấy, căn cứ phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa bằng miệng dựa trên nhiều nguyên do khác nhau. Có thể thấy mua bán hàng hóa bằng hợp đồng miệng sẽ diễn ra nhiều tranh chấp hơn so với hình thức hợp đồng bằng văn bản. Thông thường xảy ra khi các bên trong hợp đồng mâu thuẫn và bất đồng với nhau về quan điểm cũng như về quyền và nghĩa vụ có liên quan. Khi có đủ điều kiện sau đây thì bên vi phạm hợp đồng sẽ phải có trách nhiệm với bên bị vi phạm:
– Có sự vi phạm hợp đồng được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động;
– Có thiệt hại thực tế xảy ra;
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại cũng như có lỗi của bên vi phạm.
3. Hợp đồng giao kết bằng miệng thường tiềm ẩn những rủi ro gì?
Thứ nhất, vì nội dung của giao dịch mang tính chất ngắn gọn và được thực hiện một cách nhanh chóng, được xác lập dựa trên độ tin tưởng lẫn nhau nên khi phát sinh tranh chấp rất khó để chứng minh. Vậy nên khi tiến hành giao kết hợp đồng thông qua hình thức lời nói, các bên phải lưu ý thực hiện nội dung của việc giao kết một cách đầy đủ, nên tiến hành ghi âm hoặc quay phim thậm chí có người làm chứng khi tiến hành thỏa thuận hoặc lưu giữ những hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ có liên quan đến quá trình xác lập giao dịch để làm chứng trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa đôi bên, tránh ảnh hưởng đến lợi ích của đôi bên và gây mất sự tin tưởng lẫn nhau. Ví dụ như việc thực hiện giao dịch khi mua vé xem phim tại rạp chiếu phim thì bên mua nên giữ lại những thủ tục thanh toán bằng điện tử hoặc giữ lại các hóa đơn, biên lai thu tiền và vé xem phim bằng giấy để làm bằng chứng chứng minh khi cần thiết.
Thứ hai, bên cạnh đó, cũng bởi vì yêu điểm nhanh gọn và đơn giản mà nhiều chủ thể đã lạm dụng hình thức này để tiến hành giao kết những hợp đồng mà theo quy định phải tiến hành thực hiện các thủ tục công chứng và chứng thực, đăng ký hay xin phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà ở thì phải tuân thủ theo quy định cụ thể tại Điều 121 của pháp luật nhà ở hiện hành thì hợp đồng không cần phải lập thành văn bản. Hiện nay các tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất hay mua bán nhà đất cũng chiếm đa số khi bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm hình thức của hợp đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.