Cho vay nặng lãi, tín dụng đen là gì? Cách thức đòi nợ của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen? Cách đối phó với đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen? Cho vay nặng lãi, tín dụng đen có phải đi tù không?
Hiện nay, có rất nhiều đối tượng xấu đánh vào tâm lý cũng như sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi bằng hình thức cho vay lãi suất cao, tín dụng đen với ưu điểm la vay nhanh, thủ tục đơn giản. Các đối tượng cho vay nặng lãi đã cố tình tiếp cận, dụ dỗ người dân vay với lãi suất “ cắt cổ”. Đến thời điểm “con nợ” gặp khó khăn trong việc chi trả thì những đối tượng này sử dụng nhiều hình thức tiêu cực như đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần nhằm thu lợi. Vậy, khi gặp những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen người dân cần đối phó như thế nào để không bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng?
Cơ sở pháp lý:
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Cho vay nặng lãi, tín dụng đen là gì?
Theo quy định tại điều 468, Bộ luật dân sự 2015 quy định về vấn đề lãi suất cho vay có thể hiểu pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận với nhau về lãi suất, tuy nhiên không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay. Nếu các bên cố tình thỏa thuận lãi suất cao hơn 20% thì phần lãi suất vượt quá đó sẽ không có hiệu lực.
Từ đó, cho vay nặng lãi được hiểu là việc bên cho vay áp dụng lãi suất cao hơn mức 20%/năm mà pháp luật cho phép. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường đánh vào tâm lý của người vay muốn vay nhanh, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, tín chấp, khoản vay ngắn hạn để đưa ra mức lãi suất “ cắt cổ”, có thể gấp 2,3,5 hoặc 10 lần mức lãi suất mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên trên thực tế vẫn không ít người chấp nhận khoản vay với lãi suất cao do hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu dẫn tới những hệ lụy, hậu quả không lường trước được nếu không có tiền để trả lãi. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường thu lãi theo ngày, tháng. Bọn chúng thường hoạt động dưới dạng các công ty tài chính, cá nhân cho vay hoặc có thể còn giả mạo các ngân hàng để dụ người dân vay. Tóm lại, cho vay nặng lãi, tín dụng đen là một hành vi vi phạm pháp luật.
2. Cách thức đòi nợ của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen:
Các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen sau khi đã dụ dỗ được người vay, đến hạn trả lãi thái độ sẽ thay đổi hoàn toàn so với lúc cho vay. Nếu ban đầu bọn chúng ngon ngọt, đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, chăm sóc khách hàng nhiệt tình thì khi đòi lãi suất chúng lại trở nên bặm trợn, đe dọa, uy hiếp, côn đồ. Cụ thể các cách thức mà những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen thường áp dụng đó là:
Gọi điện, nhắn tin liên tục: Khi đến hạn trả lãi mà người dân chưa có điều kiện để trả hoặc đã hết khả năng vì lãi mẹ chồng lãi con, lãi suất quá nặng thì lúc này những đối tượng cho vay sẽ liên tục gọi điện thoại, nhắn tin thúc giục. Bọn chúng có thể gọi cả trăm cuộc trong một ngày, dùng những lời lẽ nhục mạ, văng tục, chửi bậy, uy hiếp về mặt tinh thần khiến cho người vay khiếp sợ. Những đối tượng này thường dùng rất nhiều sim số khác nhau để gọi, nên khi người dân có chặn liên lạc vẫn bị làm phiền, bọn chúng gọi điện không kể ngày đêm. Hành vi này của những đối tượng cho vay nặng lãi sẽ khiến cho người vay hoang mang, lúng túng, lo sợ, đồng thời cũng không thể tập trung làm việc. Hơn thế nữa bọn chúng còn tìm cách liên hệ với gia đình, bạn bè của người vay để tác động, khiến cho người vay áp lực và phải tìm cách để trả nợ và lãi suất cho bọn chúng.
In tờ rơi, ghép ảnh bôi nhọ, khủng bố trên mạng xã hội, tạt sơn, tạt mắm tôm: Đây là hình thức mà các đối tượng cho vay nặng lãi sử dụng khá phổ biến và cũng là hình thức mà người vay cảm thấy lo sợ nhất bởi nó không chỉ dừng lại ở việc tác động đến cá nhân họ mà lúc này toàn bộ người xung quanh khu vực sống hoặc nhiều hơn nữa là tất cả cộng đồng mạng xã hội đều biết đến. Những đối tượng cho vay nặng lãi không chỉ đăng những thông tin đến khoản vay mà chúng còn xuyên tạc, bịa đặt, ghép ảnh, đưa ra những thông tin không có thật, chửi bới, lăng mạ làm cho danh dự, uy tín của người vay bị ảnh hưởng. Hành vi này sẽ khiến cho người vay bị ảnh hưởng đến công việc và gia đình và nếu muốn chúng dừng lại thì người vay phải liên hệ trả tiền cho những đối tượng này.
Giả danh là công an, tòa án gửi giấy triệu tập cho người vay: Khi đã áp dụng các hình thức nhằm bôi nhọ người vay nhưng người vay vẫn không trả lãi thì những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen sẽ đe dọa người vay bằng cách gọi điện giả danh công an đe dọa rằng người vay đang phạm phải tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp người vay không chi trả tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thậm chí chúng còn làm giả giấy triệu tập gửi về cho người vay. Cách thức này khiến cho rất nhiều người tin và sợ hãi phải đi vay mượn, bán tài sản để trả lãi cho bọn chúng.
Sử dụng vũ lực: Trên thực tế điều mà khiến cho mọi người sợ nhất là những đối tượng “ đầu gấu”, “ xã hội đen” cầm theo hung khí đến tận nhà đòi nợ, bọn chúng có thể vào dọa nạt, cũng có thể đánh chém, đập phá đồ đạc trong nhà, uy hiếp sẽ giết hoặc bắt cóc nếu như người vay không trả lãi cho chúng. Những đối tượng này sẽ đe dọa khiến cho mọi người không dám ra khỏi nhà, hoặc nếu không cũng rơi vào tình trạng hoảng sợ do tính mạng luôn bị uy hiếp, đe dọa.
3. Cách đối phó với đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen?
Khi liên quan đến những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen người dân sẽ nhận lại những hậu quả khôn lường, có người thì mất danh dự, uy tín nhưng cũng có người phải mất mạng vì những đối tượng này. Do vậy, để tránh những hậu quả không đáng có việc đầu tiên mà chúng ta cần tránh đó là không liên hệ để vay tiền của những đối tượng này, nếu bị tiếp cận, dụ dỗ vay cũng nên từ chối hoặc phải hỏi rõ vấn đề về lãi suất trước khi vay, nhìn nhận lại khả năng tài chính của mình liệu có chi trả được hay không, đừng vì túng thiếu mà làm liều bởi cái giá mà bạn phải trả sẽ rất đắt.
Nếu đã và đang có những khoản vay với lãi suất cao thì cần lưu ý những điều sau đây để đối phó với các đối tượng cho vay nặng lãi:
Thứ nhất, người vay cần yêu cầu các khoản vay, lãi suất của khoản vay phải được lập thành văn bản, ghi rõ lãi suất. Trường hợp nếu chúng uy hiếp thì người vay có thể sử dụng những giấy từ đó để trình báo với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho mình. Như đã nêu ở trên, cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật nên mọi người cần chuẩn bị những bằng chứng, chứng cứ chứng minh bọn chúng cho vay nặng lãi để chúng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp nếu bọn chúng không chịu viết giấy tờ xác nhận lãi suất hoặc khoản vay thì người vay cũng nên khéo léo giữ lại các bằng chứng như: giao dịch chuyển khoản ghi rõ “ trả lãi tháng…”, hoặc những tin nhắn trao đổi về khoản vay và lãi suất hoặc ghi âm cuộc gọi.
Thứ hai, khi đã bị đe dọa gọi điện, nhắn tin liên tục rồi thì người vay cần bình tĩnh. Thu xếp lại tài chính của gia đình, nếu đủ khả năng hãy thương thảo với những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen để trả trước hoặc trả chậm. Nếu không đủ khả năng chi trả thì cũng không nên quá lo sợ, nếu chúng liên tục tấn công bằng cuộc gọi tin nhắn người vay có thể trình báo công an về sự việc của mình để được hỗ trợ. Ở giai đoạn này chúng sẽ không manh động là thiệt hại đến tính mạng của người vay mà chỉ đe dọa, chửi bới, vì vậy người vay có thể sử dụng một sim khác để liên hệ với gia đình, các đối tác làm ăn, còn sim số mà bọn chúng đã biết thì một ngày người vay nên nghe một đến hai cuộc để xin khất trả chậm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc.
Thứ ba, trường hợp bị đe dọa vũ lực, những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen tìm đến tận nhà để đòi nợ thì ngay lập tức phải báo công an khu vực để các đồng chí cán bộ can thiệp kịp thời, tránh để ra những thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Thứ tư, Khi sử dụng các mạng xã hội thì không nên để lộ những thông tin cá nhân quá nhiều, những hình ảnh nên để chế độ bạn bè, riêng tư để tránh trường hợp bọn chúng tìm những thông tin, hình ảnh đó để cắt ghép đưa lên những trang hội nhóm, in tờ rơi phát tán làm ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự uy tín của mình.
4. Cho vay nặng lãi, tín dụng đen có phải đi tù không?
Cho vay nặng lãi, tín dụng đen là một hành vi vi phạm pháp luật và pháp luật đã quy định rất rõ về các chế tài áp dụng đối với những trường hợp cho vay nặng lãi. Cụ thể, theo quy định tại điều 201,Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có thể xác định rằng những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù giam và còn bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng.
Lãi suất mà pháp luật cho phép là 20%/năm, nếu những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất mà pháp luật cho phép, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Cụ thể là nếu cho vay với mức lãi suất từ 100%/năm trở lên, quy ra là 8.33%/ tháng, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng thì những đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, các đối tượng cho vay với lãi suất cao nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành hình sự thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, khi bị các đối tượng dụ dỗ vay với lãi suất cao, người vay cần lưu lại các bằng chứng chứng minh mình đã trả lãi với mức lãi suất như thế nào để có thể trình báo lên công an khi cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình. Bởi cho vay nặng lãi, tín dụng đen hoàn toàn có thể bị đi tù nếu đủ các điều kiện như đã nêu trên.