Các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Thanh tra bộ: Những yếu tố khách quan, Những yếu tố chủ quan.
Trong quá trình hoạt động, cơ quan nhà nước luôn chịu những tác động mang yếu tố chủ quan và những tác động mang yếu tố khách quan ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức bên trong và các hoạt động biểu hiện ra bên ngoài. Khi các yếu tố này thay đổi dẫn đến tổ chức của cơ quan nhà nước phải điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp bằng các giải pháp cụ thể. Thanh tra Bộ Tư pháp nằm trong hệ thống các cơ quan HCNN và trong tổng thể của hệ thống các cơ quan nhà nước, của HTCT. Do đó, các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ Tư pháp để tiến tới điều chỉnh phù hợp bao gồm các yếu tố ảnh hưởng chung đến hệ thống cơ quan HCNN và những yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống CQTTNN và Thanh tra Bộ Tư pháp. Sự tác động, ảnh hưởng thể đến từ những yếu tố khách quan và những yếu tố chủ quan có thể xét đến đó là:
Mục lục bài viết
1. Những yếu tố khách quan:
Những yếu tố khách quan là những yếu tố mà cơ quan nhà nước không thể thay đổi, dự đoán và kiểm soát được, những yếu tố đó gồm:
1.1. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam:
Trong HTCT nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quan hệ chính trị được xác lập do một cơ chế chủ đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong các mối quan hệ này, sự lãnh đạo của Đảng được xác định bằng các phương thức cương lĩnh, đường lối, chủ trương, thông qua các văn bản của tổ chức Đảng từ nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đến văn bản của chi bộ cơ sở, công tác cán bộ. Đường lối, cương lĩnh của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa trong hệ thống VBQPPL của Nhà nước Đảng có vai trò chủ đạo trong việc lãnh đạo BMNN, hoạt động của BMNN phải dựa trên cương lĩnh, nghị quyết của Đảng. Để đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước phải xem xét các tiêu chí Đảng đề ra, đường hướng thay đổi phù hợp với hệ thống của ngành, của hệ thống bộ máy và đường lối của Đảng.
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020,
1.2. Pháp luật và quản lý của Nhà nước:
Nhà nước quản lý xã hội bằng hệ thống VBQPPL, bằng hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, thông qua thiết chế QLNN dùng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thực hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Nhà nước thực hiện quản lý trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quản lý theo ngành và theo lãnh thổ ở cấp độ vĩ mô và vi mô. Nhà nước thực hiện sự quản lý bằng chính sách và công cụ quản lý khác. Cơ quan nhà nước cấp dưới phải thống nhất với cơ quan nhà nước cấp trên và các quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ Tư pháp nằm trong hệ thống các CQTTNN là cơ quan HCNN phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hành chính. Để điều chỉnh bộ máy, Thanh tra Bộ Tư pháp bắt buộc phải dựa trên các quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về hành chính. Đồng thời, Thanh tra Bộ Tư pháp còn phải dựa trên các văn bản của CQTTNN cấp trên, cơ quan quản lý cùng cấp để điều chỉnh cho phù hợp.
1.3. Nhiệm vụ và quyền hạn được giao:
Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan nhà nước được quy định trong VBQPPL và xác lập của cơ quan quản lý cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước là những việc cơ quan nhà nước đó được làm trong thẩm quyền nhất định để thực hiện mục đích nhất định. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan để phân định thẩm quyền giữa các cơ quan với nhau và tên gọi của cơ quan phản ánh nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó. Việc thêm hoặc giảm các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước sẽ làm thay đổi cơ cấu, tổ chức và hoạt động của cơ quan đó theo mức độ thêm, giảm nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan là yếu tố quyết định cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan.
Thanh tra Bộ Tư pháp được quy định nhiệm vụ và quyền hạn trong pháp luật về thanh tra, pháp luật hành chính và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ Tư pháp được xác lập và thẩm quyền trong công tác thanh tra và thẩm quyền QLNN của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thanh tra Bộ Tư pháp được phép tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật quy định, chỉ đạo của cơ quan Thanh tra Chính phủ và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
1.4. Yếu tố vật chất, phương tiện hoạt động:
Một cơ quan nhà nước muốn hoạt động được phải có phương tiện và điều kiện vật chất. Yếu tố này được chia thành các hoạt động vật chất thường xuyên và các hoạt động vật chất chuyên môn.
Hoạt động vật chất thường xuyên là những phương tiện, công cụ vật chất được sử dụng trong công việc hằng ngày, đặc biệt là các cơ quan HCNN với hoạt động chủ yếu bằng văn bản, giấy tờ. Các trang thiết bị đáp ứng cho hoạt động hành chính cần có với trụ sở để cơ quan đó làm việc và làm nơi liên hệ, phương tiện soạn thảo để ban hành các văn bản hành chính và phương tiện chuyển phát để chuyển phát các văn bản tài liệu của cơ quan nhà nước, trao đổi công việc.
Hoạt động vật chất chuyên môn là những công cụ, phương tiện đặc thù của ngành, của cơ quan hành chính. Những phương tiện này đòi hỏi trên mức tối thiểu của các cơ quan HCNN đơn thuần, theo quy định của pháp luật và đòi hỏi đặc thù công việc. Những phương tiện này không phải cơ quan HCNN nào cũng có mà do chuyên môn, nghiệp vụ của ngành nghề đòi hỏi.
Trong hoạt động thanh tra, ngoài các hoạt động hành chính đơn thuần còn có một số nghiệp vụ công tác khác đòi hỏi phương tiện chuyên môn để thực hiện có tiêu chuẩn cao hơn các cơ quan hành chính khác. Công tác thanh tra có những điểm chung với công tác điều tra như lập biên bản vụ việc, thu thập thông tin. Trong hoạt động đó cần các phương tiện hỗ trợ như máy ghi âm, máy ảnh, máy ghi hình để tiến hành lưu giữ lại các chứng cứ thu thập được trong hoạt động thanh tra. Ngoài ra, trong hoạt động hành chính đòi hỏi ngày càng cao của việc chuyển đổi số hay các hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan yêu cầu các trang thiết bị có tiêu chuẩn cao hơn so với tối thiểu quy định.
1.5. Yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa quốc gia:
Các yếu tố về lịch sử, truyền thống và văn hóa quốc gia là những yếu tố kế thừa của thế hệ trước với những giá trị tốt đẹp. Trong quá trình hình thành và phát triển của đất nước đều có những đặc điểm truyền thống, văn hóa riêng của dân tộc. Đó là những chuẩn mực, tiêu chuẩn để xây dựng những hành vi của con người phù hợp trong xã hội. Một cơ quan, một tổ chức muốn xây dựng các tiêu chí mới trong tổ chức và hoạt động cần phải hài hòa giữa các chuẩn mực truyền thống với các tiêu chí của xã hội hiện đại, phát huy những ưu điểm của các giá trị truyền thống nhưng cũng xem xét loại bỏ những nhược điểm đã lỗi thời và những tư duy bảo thủ trong nền hành chính quốc gia.
Thanh tra Bộ Tư pháp trong hệ thống các cơ quan thanh tra với lịch sử hình thành và phát triển sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, công tác thanh tra được đưa vào BMNN với ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của chính quyền các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của công tác thanh tra trong hoạt động cách mạng và trong thời kỳ xây dựng đất nước. Người đã nhiều lần đề cấp đến công tác thanh tra với câu nói “thanh tra là tai mắt của trên là bạn của dưới”. Từ đó, các cương lĩnh và nghị quyết của Đảng thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra thành các đường lối, chính sách về tổ chức, hoạt động và tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của người cán bộ thanh tra. Yếu tố quyền con người, quyền làm chủ của công dân
Nhân dân giữ vị trí trung tâm của quyền lực nhà nước. Chỉ nhân dân mới có chủ quyền đối với quyền lực nhà nước. Nhân dân không trực tiếp thực hiện các công việc của nhà nước mà ủy quyền cho các đại biểu của mình và giám sát đại biểu đó trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước. Quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo bằng Hiến pháp, bằng pháp luật. Cơ quan nhà nước với người đứng đầu được nhân dân tín nhiệm bầu ra thông qua đại biểu của mình thay nhân dân điều hành, quản lý đất nước. Mọi hoạt động của Nhà nước, các cơ quan nhà nước phải được công khai trước nhân dân. Nhân dân có quyền giám sát Nhà nước hoạt động, có quyền ý kiến đối với các hoạt động đó và nghiêm cấm các cơ quan nhà nước đi ngược lại với ý chí của nhân dân.
Quyền con người là vấn đề đặt ra trong hoạt động trong đời sống. Con người là chủ thể của các loại hình hoạt động trong xã hội nên các vấn đề như pháp luật, chính sách, kinh tế, văn hóa, xã hội…phải đảm bảo vấn đề quyền con người được thực hiện. Hiến pháp quy định Nhà nước phải đảm bảo quyền con người được thực hiện. Do đó, pháp luật của Nhà nước phải quy định các vấn đề về quyền con người và lấy yếu tố con người làm trung tâm để xem xét đưa vào các quy định cho phù hợp. Các hoạt động của cơ quan nhà nước với mục đích hoạt động đều đảm bảo các quyền con người của công dân được thực hiện. Tôn trọng, bảo vệ quyền con người là yêu cầu, đòi hỏi trách nhiệm của toàn bộ BMNN và HTCT.
1.6. Yếu tố quốc tế:
Bối cảnh toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề cho các quốc gia trong việc quản trị tốt. Toàn cầu hóa là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị cấp độ toàn cầu. Trong bối cảnh mới này, các quốc gia đều phải nỗ lực chạy đua, thể hiện mình trên mọi mặt về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để gia nhập xu hướng toàn cầu hóa. Ở sân chơi mới này, các quốc gia đi ngược lại các giá trị phổ quát toàn cầu hoặc không bắt kịp xu hướng phát triển sẽ bị tụt hậu, trở thành gánh nặng hoặc thậm chí bị quốc tế lên án đối với những hành vi gây nên các thiệt hại về kinh tế, con người của quốc gia đó, trong khu vực và đe dọa đến tình hình chung của toàn cầu. Đây là điều bất lợi cho quốc gia, cho dân tộc đó nếu bị thế giới đánh giá hoặc có những sự trừng phạt vì hành động của mình. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó khi có những yếu tố lịch sử không đáng có đã gây ra những cản trở để phát triển về kinh tế và con người khiến Việt Nam đáng lý phải phát triển nhanh và xa hơn hiện tại. Nhận thức vấn đề đó, Việt Nam cùng toàn bộ HTCT đang ngày càng nỗ lực thay đổi, đổi mới từ bên trong hệ thống BMNN cùng cách thức hoạt động để tạo đà phát triển kinh tế – xã hội nhằm sánh ngang với các quốc gia đã và đang phát triển trên thế giới. Có thể nhận thấy được một quốc gia muốn phát triển trước hết phải có một HTCT đủ mạnh để đưa con thuyền đất nước đi đúng hướng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Như trên mọi quốc gia dân chủ trên thế giới, hệ thống BMNN với hạt nhân là các cơ quan thực hiện quyền hành pháp với quyền lực và pháp luật đầy đủ là yếu tố chính để phát triển đất nước.
2. Những yếu tố chủ quan:
Những yếu tố chủ quan là những yếu tố ở bên trong của cơ quan, tổ chức. Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng chủ yếu đến cơ cấu tổ chức, có thể kiểm soát nhằm điều chỉnh và thay đổi theo hướng phù hợp, những yếu tố chủ quan có thể kể đến là:
2.1. Năng lực quản lý của người lãnh đạo:
Năng lực của nhà lãnh đạo với vai trò người quản lý của cơ quan HCNN là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động của cơ quan đạt những kết quả cao. Năng lực của cá nhân được hình thành từ các yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các yếu tố cấu thành và ảnh hưởng đến phẩm chất QLNN của người lãnh đạo gồm: năng lực và kinh nghiệm công tác với khả năng tham mưu, lãnh đạo, quản lý thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; về hiểu biết với nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nắm vững các VBQPPL về lĩnh vực, chuyên môn quản lý, hiểu biết chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý về lĩnh vực chuyên môn, có kiến thức và hiểu biết tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước; về trình độ đòi hỏi người lãnh đạo có trình độ về chuyên môn và kinh nghiệm quản lý, có trình độ về chính trị và một số kỹ năng khác. Năng lực của người lãnh đạo ảnh hưởng và tác động tới con người và tổ chức là việc đưa ra chủ trương, phương hướng phát triển về tổ chức và hoạt động phù hợp với yêu cầu và điều kiện trong mỗi giai đoạn.
Trong ngành Tư pháp, năng lực quản lý của người lãnh đạo cần có trình độ am hiểu pháp luật tương đối rộng để gắn kết công chức, viên chức thực hiện công việc chuyên môn và đảm bảo phù hợp với sở trường mỗi người.
2.2. Tư duy bảo thủ, trì trệ:
Đây là tư tưởng chung, có hệ thống không chỉ trong cơ quan HCNN mà trong toàn bộ HTCT Việt Nam. Các tư tưởng chung về cơ cấu tổ chức và hoạt động ảnh hưởng từ những thế hệ trước đến các thế hệ kế cận. Nhiều tư tưởng đến vẫn được áp dụng trong việc xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước như lãnh đạo cơ quan nhà nước ngoài cấp trưởng còn có ít nhất một cấp phó trở lên với chức năng tham mưu cho cấp trưởng, mỗi cấp phó lại phụ trách một hoặc nhiều nhiệm vụ, quản lý các đơn vị cấu thành của cơ quan nhà nước đó. Mỗi tổ chức lại tổ chức các chức danh lãnh đạo với tư tưởng phân công công việc, tham mưu cấp trưởng. Mỗi cơ quan lại phân công nhiệm vụ với việc thành lập các tổ chức cấu thành, các tổ chức trung gian để đảm bảo mỗi nhiệm vụ đều có người chịu trách nhiệm. Việc phân tầng các tổ chức và phân công nhiệm vụ tạo nên tư tưởng việc của ai, nhiệm vụ của ai người đó làm trong khi có những việc là trách nhiệm chung của tập thể. Việc bổ nhiệm lãnh đạo tập trung xem xét vào thâm niên công tác, bằng cấp hiện có, việc tuyển dụng xem trọng bằng cấp hơn kinh nghiệm làm việc. Tư tưởng chung ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tổ chức cũng như hoạt động hầu hết của các cơ quan nhà nước. Chỉ có thay đổi tư duy, tiếp nhận cách thức làm việc mới thì mới thay đổi được tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước.
2.3. Chất lượng của nguồn nhân lực:
Một tổ chức có hoạt động tốt đòi hỏi con người trong tổ chức đó có năng lực và phẩm chất đạo đức để thực hiện nhiệm vụ chung của tổ chức. Yếu tố con người là trung tâm của hoạt động cơ quan nhà nước. Cơ quan HCNN với lực lượng lao động chính là công chức, thực hiện chủ yếu các công việc của cơ quan với quyền hạn và chức trách của mình. Công chức là lực lượng lao động đặc biệt với các công việc chủ yếu sử dụng trí óc, nghiên cứu và đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới xã hội. Các tiêu chuẩn để làm công chức đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn các lao động phổ thông. Công chức không chỉ làm việc bằng chuyên môn mà còn có đạo đức nghề nghiệp, sự chịu áp lực công việc bền bỉ hơn nghề nghiệp khác. Phân loại công chức trong cơ quan HCNN gồm có công chức chuyên môn là những người thực hiện các công việc chuyên ngành của cơ quan HCNN. Nhóm công chức thực hiện các công việc chung, công việc phụ trợ là những công việc bất kỳ cơ quan hành chính nào cũng có. Trong hoạt động của cơ quan HCNN, không thể nói công việc chuyên môn quan trọng hơn công việc phụ trợ. Tất cả các công việc đều hướng đến mục đích hoàn thành nhiệm vụ chung của tổ chức. Công chức trong cơ quan hành chính đòi hỏi phải có chuyên môn năng lực nhất định để đảm bảo các công việc được giao, có tư tưởng chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức. Để đảm bảo chất lượng công việc của cơ quan HCNN, việc tuyển dụng công chức và tiếp nhận công chức phải được thực hiện chặt chẽ. Công việc hành chính không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà còn cần sự nhanh nhẹn, linh hoạt xử lý các vụ việc có tính chất tác động đến xã hội. Yếu tố này tác động đến khả năng đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan HCNN.
Thanh tra Bộ Tư pháp nằm trong cơ cấu của cơ quan HCNN với tuyển dụng công chức với ngạch chuyên viên theo từng vị trí. Trong quá trình công tác và yêu cầu của tổ chức sẽ tiến hành bổ nhiệm các công chức vào ngạch Thanh tra viên là những vị trí yêu cầu trong hoạt động thanh tra. Tiêu chuẩn năng lực, chuyên môn, đạo đức công vụ không chỉ áp dụng tiêu chuẩn chung của công chức trong cơ quan HCNN mà còn phải đáp ứng các tiêu chí của Thanh tra viên trong ngành thanh tra. Tiêu chuẩn năng lực còn thể hiện việc thực hiện các hoạt động thanh tra cần đến sự nhạy bén xử lý các tình huống cụ thể, các vụ việc nhạy cảm bằng thái độ đúng mực, khả năng am hiểu về pháp luật, các kiến thức chuyên ngành, các kiến thức xã hội để hài hòa đưa các hoạt động của Thanh tra Bộ Tư pháp vào khuôn khổ và nề nếp. Khả năng đổi mới được tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ Tư pháp hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ công chức.
2.4. Sự gắn kết bên trong tổ chức:
Sự gắn kết bên trong tổ chức bao gồm gắn kết các bộ phận cấu thành của tổ chức và gắn kết giữa những người hoạt động bên trong tổ chức.
Sự gắn kết giữa các bộ phận cấu thành là việc phân chia các công việc nhiệm vụ dựa trên các chức năng của bộ phận, phân chia theo ưu điểm của từng bộ phận. Ngoài ra, các bộ phận phải chủ động phối hợp với nhau để hoàn thiện mục tiêu chung của tổ chức. Cơ quan HCNN được cấu thành từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Các đơn vị cấu thành này sẽ tổ chức và hoạt động dựa theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao với mục đích chung của cơ quan. Mỗi cơ quan, đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quá trình Vấn đề phối hợp bên trong cơ quan HCNN vẫn đang là vấn đề cần bàn, các cơ quan hiện nay chủ yếu vẫn chỉ làm việc theo chỉ đạo là chủ yếu, việc chủ động đề xuất phối hợp, đề xuất tăng cường công tác hiện chưa xứng tầm với nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho cơ quan, tổ chức. Do đó, đổi mới ở đây là đổi mới được cách thức làm việc, thậm chí các nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho từng cơ quan.
Sự gắn kết giữa những người hoạt động bên trong tổ chức là các trường hợp thể của việc gắn kết giữa các bộ phận cấu thành của tổ chức. Xét về mặt tổ chức, sự gắn kết được thể hiện ở người đứng đầu từng bộ phận và có yếu tố quyết định chính đến sự gắn kết với nhau. Về mặt hoạt động, các cá nhân hoạt động bên trong tổ chức có chức năng tham mưu chính đối với các vấn đề và công việc, các công việc chỉ được xem xét đúng mức khi các cá nhân đó thật sự làm việc đúng chức trách của mình. Công chức là nhân lực chính trong các cơ quan HCNN cùng thực hiện mục tiêu chung của tổ chức, cơ quan có hoạt động hiệu quả cần sự phối hợp rất nhiều từ bên trong bộ máy. Đặc thù các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan HCNN được giao cụ thể còn có thể linh động tùy theo tình hình công việc. Do đó, trước hết là các đơn vị trực thuộc với người đứng đầu là công chức lãnh đạo đảm nhiệm chức trách quyết định đến hoạt động của các đơn vị.
Thanh tra Bộ Tư pháp với cơ cấu gồm các phòng chuyên môn là bộ phận cấu thành của Thanh tra Bộ Tư pháp. Các phòng chuyên môn có trách nhiệm tham mưu, đề xuất và chủ động các công việc dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn của từng phòng. Trách nhiệm đầu tiên là của người đứng đầu các phòng chuyên môn trong việc gắn kết công việc, gắn kết các công chức trong phòng và trong tập thể Thanh tra Bộ Tư pháp. Yếu tố gắn kết trong tập thể còn cần sự gắn kết giữa các công chức không chỉ các phòng chuyên môn mà còn của tập thể Thanh tra Bộ Tư pháp. Sự gắn kết ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc và thời gian hoàn thành các công việc của đơn vị. Do đó, nghiên cứu vấn đề xây dựng và duy trì sự gắn kết với nhau trong công việc để hoàn thiện hoặc đổi mới cách thức làm việc rất quan trọng của Thanh tra Bộ Tư pháp.
Những yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của Thanh tra bộ
Nếu yếu tố gắn kết bên trong tổ chức là việc phối hợp giữa các bộ phận cấu thành để hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức thì quan hệ công việc giữa các tổ chức có mục đích để hoàn thành các công việc phối hợp giữa các tổ chức không cùng chung nhiệm vụ hoặc phục vụ mục đích riêng của từng tổ chức. Quan hệ công việc giữa các tổ chức khác nhau là cần thiết đối với các công việc cần giải quyết nhưng cần có yếu tố khác để hoàn thành mục đích riêng của mình. Các tổ chức này không cùng chung sự chỉ đạo mà chỉ quan hệ với nhau vì cần thiết có sự giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ của nhau. Trong BMNN cũng vậy, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện các quyền về hành pháp, tư pháp, lập pháp là khác nhau. Mỗi cơ quan có một mục đích làm việc khác nhau nếu không xét mục đích chung của toàn bộ. Đẩy mạnh được quan hệ trong công việc sẽ giúp cho nhiệm vụ của từng cơ quan đạt được hiệu quả, trau dồi được kinh nghiệm làm việc và tăng cường khả năng thích ứng trong mọi vấn đề của xã hội.
Vấn đề quan hệ công việc của Thanh tra Bộ Tư pháp xét trong khối cơ quan HCNN và trong hệ thống các cơ quan thanh tra hỗ trợ về mặt kỹ thuật giải quyết vụ việc, trau dồi kinh nghiệm hoạt động và khả năng thích ứng đối với nhiều ngành, lĩnh vực không thuộc quản lý của Bộ Tư pháp và tình hình của từng địa phương.
Trong quan hệ với các cơ quan khác, đặc biệt là các cơ quan tư pháp ngoài các quy định trong pháp luật về thanh tra với mục đích, nhiệm vụ của hoạt động thanh tra, còn giúp cho việc nắm bắt các thông tin, các chuyên môn không thuộc QLNN nhằm đổi mới các hoạt động thanh tra được hiệu quả.
2.5. Mục tiêu, phương hưởng của cơ quan, tổ chức:
Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng hoạt động vì mục đích và phương hướng rõ ràng, cụ thể. Hoạt động không mục đích, không phương hướng dẫn đến sự vô kỷ luật trong công việc, sự trì trệ của hệ thống dễ dẫn đến sự tiêu tán của tổ chức. Một tổ chức có mục đích rõ ràng và phương hướng đúng đắn sẽ giúp tổ chức đó tồn tại và phát triển. Cơ quan nhà nước nào cũng có mục tiêu công việc của mình.
Ngoài mục tiêu chung còn có các mục tiêu riêng nhưng không được phép đi ngược lại với mục tiêu chung. Mỗi mục tiêu đề ra nhằm đạt một thành quả nhất định và đóng góp vào thành quả lớn hơn. Việc đề ra phương hướng là việc xây dựng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất hướng đến mục tiêu. Mục tiêu được đề ra ngắn hạn, dài hạn, mục tiêu gắn với giai đoạn thực hiện. Mỗi giai đoạn cần có các mục tiêu khác nhau, thời gian khác nhau. Phương hướng để thực hiện các mục tiêu đề ra là xác định thời gian và cách thức đạt được mục tiêu đó. Trong đổi mới tổ chức và hoạt động thì việc mục tiêu đề ra cho việc đổi mới là gì, việc đổi mới đó đem lại hiệu quả ra sao và ảnh hưởng của việc đổi mới đó tác động đến đối tượng nào. Phương hướng đề ra là những việc phải làm dựa trên căn cứ, cách thức đổi mới và tính khả thi của việc đổi mới đó.