Các vấn đề về nguồn gốc sản phẩm trong thương mại điện tử? Các quy định của pháp luật Việt Nam về nguồn gốc sản phẩm trong thương mại điện tử?
Trong xu thế tất yếu phát triển thương mại toàn cầu hóa, đặc biệt phát triển thương mại điện tử trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 và đại dịch COVID 19, việc thực hiện pháp luật về thông tin sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử càng cần được chú trọng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tiễn thực hiện pháp luật về thông tin sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử cho thấy các thông tin liên quan đến nguồn và xuất xứ sản phẩm cũng như nhãn hiệu và nhận diện sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng bởi các thông tin này là những lý do phổ biến dẫn đến tranh chấp hợp đồng trong thương mại điện tử.
Năm 2005, Quốc hội thông qua ba luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho thương mại điện tử. đó là Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử và việc giải quyết các tranh chấp thông tin sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử còn chịu sự điều chỉnh của một số luật như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Luật Viễn thông năm 2009; Bộ luật Hình sự 2015; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010; Luật Quảng cáo 2012; Luật Đầu tư 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020. Chủ thể tham gia thương mại điện tử bên cạnh việc tuân thủ các quy định trực tiếp về thương mại điện tử còn phải thực hiện các quy định pháp luật liên quan khác như đầu tư kinh doanh, thương mại, dân sự.
Với chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP điều 37 và điều 59 đã có yêu cầu tối thiểu đối với chủ thể kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhưng việc quy định như trên dường như chỉ tiếp cận dưới góc độ quản lý nhà nước mà thiếu sự nhìn nhận dưới góc độ bảo vệ đối với chủ thể kinh doanh, và quan trọng hơn dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng và tương đối mang tính hình thức trên thực tế dường như chỉ để có thông tin để điền trên hợp đồng hơn là với mục đích bảo vệ người tiêu dùng bởi sự xác minh đối với các thông tin được cung cấp của các chủ thể cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử gần như là không có và phần nhiều dựa trên sự tự giác, thiện chí.
Mục 2 Nghị định 52/2013/NĐ–CP dành 8 điều để quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua. Điều 23 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định “Bộ Công thương có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ”, nhưng cho đến nay BCT vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết này. Nếu cho rằng, trước đây BCT đã ban hành Thông tư Hướng dẫn nghị định thương mại điện tử 09/2008/TT BCT về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử ngày 21/7/2008, thì nay không cần phải quy định gì thêm là không phù hợp.
Vì, tại thời điểm Thông tư Hướng dẫn nghị định thương mại điện tử 09/2008/TT BTC được ban hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này chưa được ban hành, chính vì vậy, việc quy định như tại Điều 23 Nghị định về thương mại điện tử 52/2013/NĐ-CP là cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Gần đây nhất, thông tư số 47/2014 BCT đã quy định về việc đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội của các công ty có trang web bán hàng quản lý thông tin, hoạt động của người đăng ký trên trang mạng xã hội của mình bởi việc giải quyết các tranh chấp liên quan thương mại điện tử hiện nay theo khoản 3 Điều 95 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, Việc tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử được xem là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông qua thương mại điện tử an toàn.
Thông tin sản phẩm trên thương mại điện tử phải đảm bảo chính xác nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cấu thành sản phẩm, thành phần và chất lượng hàng hóa với nhãn mác nhận diện sản phẩm. Các chủ thể giao dịch trong thương mại điện tử phải hiển thị đầy đủ các thông tin về người bán, thông tin sản phẩm, quy trình mua hàng, thanh toán và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, phải có chính sách bảo mật thông tin và giải quyết khiếu nại phát sinh hợp lý.
Thực tiễn thực hiện pháp luật về nguồn gốc sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử cho thấy các tranh chấp phát sinh do nguồn gốc sản phẩm thường được giải quyết dựa vào Bộ luật Dân sự hiện hành do văn bản pháp luật chính thức có hiệu lực quy định về trách nhiệm nguồn gốc sản phẩm không ràng buộc tuyệt đối trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối, đại lý bán hàng với tính an toàn của sản phẩm do họ bán ra.
Trong thực tế hiện nay, luật cũng không quy định rõ nhà sản xuất phải bồi thường như thế nào, cơ sở pháp luật nào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để nhà sản xuất phải tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nguồn gốc hàng hóa sản phẩm còn được đề cập ở các mức độ khác nhau tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Thương mại Văn bản hợp nhất 17/VBHN/VPQH 2019, Luật Cạnh tranh 23/2018/QH14, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 68/2006/QH11 Văn bản hợp nhất 2018, Luật Bảo vệ môi trường 72/2020/QH14; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 30/VBHN–VPQH 2018, Luật an toàn thực phẩm 55/2010/QH12 v.v.
Các bộ luật này có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng cũng chỉ dừng ở mức chung chung, đều có những quy định không chi tiết, không rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm . Những quy định rải rác, tản mạn, không chi tiết, rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm đã gây khó khăn không nhỏ cho ngay cả các nhà nghiên cứu pháp luật chứ không nói đến chính bản thân những người tiêu dùng.
Hàng loạt các sự kiện vi phạm nguồn gốc sản phẩm như tơ lụa, thiết bị điện tử viễn thông, thực phẩm đóng gói vay nhưng vẫn chưa có trường hợp nào nhà sản xuất bồi thường và cũng chưa có trường hợp nào người tiêu dùng khiếu kiện nhà sản xuất được chấp nhận. Hơn nữa, khó có thể đưa ra những chứng cứ xác đáng về gian lận nguồn gốc sản phẩm khi mà văn bản pháp quy chỉ đưa ra những quy định không chi tiết, không rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Các vi phạm nguồn gốc sản phẩm đã được phát hiện như Khaisilk, Asanzo hay Khóa Việt Tiệp v.v thì khó có thể đưa ra những chứng cứ xác đáng về gian lận nguồn gốc sản phẩm.
Khoản 5 Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 chỉ rõ, người tiêu dùng có cơ sở pháp lý độc lập để được có hàng hóa với thông tin chính xác về nguồn gốc sản phẩm. Theo luật này thì người tiêu dùng “Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ” có nghĩa rằng người tiêu dùng có quyền hiểu tìm mọi khía cạnh thông tin sản phẩm, bao gồm nguồn gốc sản phẩm được đưa trên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản là “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ... và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có quyền “Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”
Quy định của pháp luật liên quan tiêu chí xác định hàng hóa Việt Nam” đã có một số thông tư quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các quy định được ban hành hầu như chỉ được áp dụng cho mặt hàng xuất khẩu, nhằm giúp hàng hóa được hưởng lợi về thuế xuất ưu đãi trong khi đó, đối với hàng hóa lưu thông trong nước, hầu như chưa có quy định cụ thể nào . Và theo Điều 37 Khoản 1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì điều này vi phạm các quy định cung cấp thông tin tối thiểu đối với chủ thể kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
Thực tiễn thực hiện theo Khoản 5 Điều 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 liên quan nguồn gốc sản phẩm trong thương mại điện tử chỉ để cập tới việc “Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức...” chứ chưa xác định như thế nào là hàng hóa nguồn gốc tại Việt Nam trong giao dịch hợp đồng thương mại điện tử. Trong khi đó Khoản 1 Điều 26 của Nghị định về thương mại điện tử 52/2013/NĐ-CP có ghi các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử chung chung “Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch” .
Không có quy định cụ thể văn bản quy phạm pháp luật về nguồn gốc sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nhưng khi tham gia thương mại điện tử thì các bên lại có thể tự do thỏa thuận xác lập quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng thương mại điện tử có thể dẫn đến các căn cứ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch thương mại điện tử mà có thể làm cho người tiêu dùng ở vào thế yếu do bị đơn độc
Như vậy, do Việt Nam hiện chưa có quy định về bộ tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt vụ việc gian lận thương mại, mập mờ nguồn gốc sản phẩm. Mặt khác do Việt nam chưa có các quy định đồng bộ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên dẫn đến hàng loạt vi phạm nguồn gốc sản phẩm. Tuy hiện nay việc sử dụng mã QR Code đã được ứng dụng nhưng Việt Nam chưa có các quy định nhất quán về việc phát hành hoặc in lên nhãn mác sản phẩm để lưu hành trên thị trường, đặc biệt với sản phẩm trên thương mại điện tử với việc dùng các ứng dụng trên phương tiện thiết bị điện tử như Smartphone để Scan (Quét) giải mã để đọc dữ liệu, thông tin về sản phẩm được lưu trữ của máy chủ kết xuất mã vạch.
Mặc dù, nhà sản xuất hiện nay đã được trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cần thiết và các thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy tính bảng, smartphone v.v và nhiều nơi cung cấp dịch vụ quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc QR nhưng các quy định của luật vẫn chưa theo kịp tiến bộ của công nghệ. Tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch, các chức năng quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ có cách sử dụng khác nhau.
Nhiều đơn vị và cá nhân đã và đang cung cấp cho các nhà sản xuất, nhà phân phối phần mềm quản lý lưu hành sản phẩm trên thị trường cùng với ứng dụng truy xuất và xác thực sản phẩm miễn phí với tiện ích. Tạo mã QR code cho sản phẩm nhanh, dễ dàng in ấn chỉ bằng một cú click, in ấn nhanh, tiện lợi, phù hợp với tất cả các loại hình sản phẩm muốn truy xuất thông tin bằng ứng dụng trên các Smartphone, máy tính bảng với công nghệ thông tin.
Việc sử dụng mã QR Code đã được ứng dụng, nhưng việc phát hành hoặc in lên nhãn sản phẩm để lưu hành trên thị trường cùng việc sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử như Quét đọc dữ liệu thông tin về sản phẩm được lưu trữ của máy chủ kết xuất mã vạch lại chưa được pháp luật quy định đồng bộ. Kết quả là việc truy xuất nguồn gốc mới chỉ thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, rau củ quả, thịt heo mà cũng chưa triệt để và tổng quát.
Trường hợp Khaisilk bị phát hiện cắt bỏ nhãn “Made in China” để thay vào đó là nhãn “made in Vietnam” thì có bằng chứng quy kết doanh nghiệp giả mạo nguồn gốc do khăn nhập hoàn toàn từ Trung Quốc, nhưng lại gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam“. Nhưng với Asanzo, hàng hóa trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam, còn linh phụ kiện, nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, thì các cơ quan chức năng lại thiếu căn cứ pháp luật để phân xử. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 59/2010/QH12 còn đề cập chung chung chứ không ghi rõ các quy định liên quan nguồn gốc sản phẩm.
Trong bối cảnh các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi về nguồn gốc hàng hóa, Bộ Công Thương đã đang đề xuất “Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”. Dự thảo thông tư đã đưa ra các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong thông tư và các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư này chưa làm rõ khái niệm thế nào là “Hàng của Việt Nam” hoặc “Hàng Việt Nam”, cũng như khái niệm “Hàng sản xuất tại Việt Nam” hay “Made in Vietnam” được đề cập trong phần xuất xứ sản phẩm dưới đây