Các trường hợp tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Khoản 1 Điều 64 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng quy định:
“Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất cảnh trái phép;
b) Bị Tòa án tuyên bố là mất tích;
c) Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật”.
Theo đó, có ba trường hợp tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng:
Thứ nhất, xuất cảnh trái phép.
Theo Điều 274 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì hành vi xuất cảnh trái phép là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh.
Hành vi xuất cảnh trái phép là hành vi xuất cảnh mà không có các giấy tờ theo quy định của nhà nước về xuất, nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa.
Trong trường hợp này, do chủ thể đã có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam về hình sự nên sẽ bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, và có thể được cấp lại theo quy định của pháp
Thứ hai, bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Trong trường hợp này, Khoản 1 Điều 78 Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định: “Khi một người biệt tích hai năm trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc được còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích”.
Hậu quả pháp lý của việc Tòa án tuyên bố một người mất tích là tư cách chủ thể của người bị mất tích tạm thời bị đình chỉ, tuy nhiên quyết định này không làm chấm dứt tư cách chủ thể của họ, nên người bị Tòa án tuyên bố mất tích thuộc trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, và có thể được cấp lại theo quy định của pháp luật lao động nếu người đó trở về và thực hiện các thủ tục khôi phục lại tư cách chủ thể của mình.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, Khoản 3 Điều 64 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định : “Cơ quan bảo hiểm xã hội khi quyết định tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do”.
Theo đó, các căn cứ xác định việc hưởng bao hiểm xã hội không đúng pháp luật sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và được ghi rõ trong văn bản thông báo.