Thu hồi thực phẩm là toàn bộ quy trình loại bỏ các loại thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng ra khỏi thị trường. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì các trường hợp bắt buộc phải thực hiện thủ tục thu hồi thực phẩm bao gồm những trường hợp nào?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp phải thực hiện thu hồi thực phẩm:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Văn bản hợp nhất luật an toàn thực phẩm năm 2018 có quy định về các trường hợp phải thu hồi thực phẩm. Theo đó, thực phẩm cần phải được thực hiện thủ tục thu hồi khi thực phẩm đó thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Các loại thực phẩm đã hết thời gian sử dụng tuy nhiên vẫn buôn bán trên thị trường;
- Các loại thực phẩm không còn phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
- Các loại thực phẩm được xác định là sản phẩm công nghiệp mới, tuy nhiên sản phầm này chưa được phép lưu hành trên thị trường;
- Các loại thực phẩm đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, kinh doanh, hư hỏng trong quá trình bảo quản;
- Các loại thực phẩm có sử dụng chất cấm, thực phẩm có xuất hiện các tác nhân gây ô nhiễm vượt quá mức giới hạn do pháp luật quy định;
- Các loại thực phẩm sau khi thực hiện thủ tục nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia khác, hoặc các tổ chức quốc tế ra thông báo bằng văn bản thực phẩm đó có chứa các tác nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người.
2. Các hình thức thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn:
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Văn bản hợp nhất luật an toàn thực phẩm năm 2018 có quy định về các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ bị thu hồi theo một số hình thức nhất định. Theo đó, các hình thức thu hồi đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn bao gồm:
- Thu hồi tự nguyện, thu hồi tự nguyện là hình thức thu hồi thực phẩm do các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm đó tự giác thu hồi;
- Thu hồi bắt buộc, thu hồi bắt buộc là hình thức thu hồi thực phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm đó tiến hành hoạt động thu hồi khi nhận thấy các loại sản phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người.
Đồng thời, cần phải lưu ý về các hình thức xử lý thực phẩm trong trường hợp các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn. Có thể kể đến các hình thức xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn bao gồm:
- Hình thức khắc phục lỗi sản phẩm, lỗi ghi nhãn hàng giá của sản phẩm;
- Chuyển mục đích sử dụng của thực phẩm;
- Tái xuất;
- Tiêu hủy thực phẩm.
Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân kinh doanh, sản xuất thực phẩm không đáp ứng đầy đủ điều kiện an toàn cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ công bố công khai thông tin về sản phẩm bị thu hồi, các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm đó cần phải chịu trách nhiệm tiến hành thủ tục thu hồi, xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con người trong khoảng thời gian do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cụ thể, các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm cần phải chịu mọi chi phí liên quan đến quá trình thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe lưu thông trên thị trường. Trong trường hợp vượt quá thời gian thu hồi trong văn bản được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm không tiến hành nghĩa vụ thu hồi thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện thu hồi thực phẩm:
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 55 Văn bản hợp nhất luật an toàn thực phẩm năm 2018 có quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có trách nhiệm trong quá trình thực hiện thủ tục thu hồi thực phẩm. Theo đó, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quá trình thu hồi thực phẩm bao gồm các trách nhiệm sau:
- Căn cứ vào mức độ vi phạm, căn cứ vào điều kiện đảm bảo an toàn, quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền, xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn, quy định cụ thể thời gian hoàn thành quá trình thu hồi thực phẩm, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm quy định, xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn;
- Kiểm tra quá trình thu hồi thực phẩm không đảm bảo an toàn của các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong vấn đề an toàn thực phẩm theo thẩm quyền do pháp luật quy định;
- Trong trường hợp các loại thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của cộng đồng, sức khỏe của con người, hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải trực tiếp tổ chức thủ tục thu hồi, xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn, yêu cầu các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thanh toán toàn bộ chi phí phục vụ cho quá trình thu hồi và xử lý thực phẩm đó.
Đồng thời, cần phải lưu ý về trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm. Căn cứ theo quy định tại Điều 68 của Văn bản hợp nhất luật an toàn thực phẩm năm 2018 có quy định về trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo đó:
- Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc Bộ quản lý ngành là cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghĩa vụ kiểm tra an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm đó theo quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Văn bản hợp nhất luật an toàn thực phẩm năm 2018;
- Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương theo quyết định và theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Trong trường hợp tiến hành thủ tục kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm có liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều ban ngành, nhiều địa phương khác nhau, cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, các bộ ban ngành có liên quan, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan để thực hiện sao cho phù hợp với quy định của pháp luật;
- Hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc như sau: Quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, chính xác, không phân biệt đối xử, công khai minh bạch, luôn luôn đề cao sức khỏe của người dân, bảo vệ bí mật thông tin, bảo vệ tài liệu giấy tờ, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, các cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm không được thực hiện hành vi gây nhiễu sách, gây phiền hà cho các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm, đồng thời cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kết luận và kết quả kiểm tra có liên quan;
- Bộ trưởng Bộ quản lý ngành là cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về vấn đề hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong phạm vi quản lý nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền phân công.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH năm 2018 hợp nhất Luật An toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội ban hành.
THAM KHẢO THÊM: