Công nhận quyền sở hữu nhà ở. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm có:
“- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở nằm trong khu vực không thuộc diện được sở hữu theo quy định tại Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;
– Tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam.”
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc trường hợp trên không được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở mà chỉ được bán hoặc tặng cho nhà ở này cho các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Đồng thời, khoản 2 Điều này quy định về việc tặng cho nhà ở:
“- Với đối tượng Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở nằm trong khu vực không thuộc diện được sở hữu theo quy định tại Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc vượt quá số lượng nhà ở được phép sở hữu theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP: được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán hoặc tặng cho nhà ở.
– Với tổ chức nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài không được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam: được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.”
Bên cạnh đó, việc bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng trên được thực hiện khi có các giấy tờ theo quy định sau đây:
– Có hợp đồng tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự của Việt Nam;
– Có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho, bên để thừa kế theo quy định của Luật nhà ở 2014 và Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;
– Có văn bản ủy quyền bán hoặc tặng cho nhà ở được lập theo quy định của pháp luật dân sự nếu ủy quyền cho người khác bán, tặng cho nhà ở.
Trình tự, thủ tục mua bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
>>> Luật sư
Ngoài ra, trường hợp trong số đối tượng được thừa kế nhà ở có cả người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và người không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các bên được thừa kế phải thống nhất phân chia tài sản nhà ở này theo một trong các trường hợp sau đây:
– Các bên thống nhất đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó cho người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
– Các bên thống nhất thực hiện tặng cho hoặc bán nhà ở này cho đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 78 Nghị định 99/2015/NĐ-CP.