Đối tượng nộp thuế khoán? Căn cứ tính thuế khoán? Các trường hợp được miễn giảm thuế khoán? Quy trình miễn giảm, thuế hộ kinh doanh?
Hoạt động kinh doanh, buôn bán ngày càng sôi nổi, phát triển, tuy nhiên những người tham gia chưa biết được khi mình kinh doanh, buôn bán sẽ phải làm những thủ tục gì, phải đóng góp những Khoản thu nào cho nhà nước và khi nào thì mình được miễn, giảm thuế khoán. Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra của rất nhiều người trong giới hoạt động kinh doanh. Khi họ không đủ khả năng hoặc ngừng/nghỉ kinh doanh thì có phải tiếp tục đóng các loại thuế khoán cho Nhà nước hay không?
*Căn cứ pháp lý
– Thông tư 92/2015/TT- BTC quy định về tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề.
– Thông tư 156/2013/TT- BTC
Mục lục bài viết
1. Đối tượng nộp thuế khoán:
Căn cứ Điều 38 Luật quản lý thuế 2006 quy định:
” Xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế
1. Cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với các trường hợp sau đây:
a) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ;
b) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế.
2. Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.
3. Mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch và phải được công khai trong địa bàn xã, phường, thị trấn. Trường hợp có thay đổi ngành, nghề, quy mô kinh doanh, người nộp thuế phải khai báo với cơ quan thuế để điều chỉnh mức thuế khoán.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.”
Theo đó, các trường hợp áp dụng phương pháp khoán thuế là:
– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không đăng ký kinh doanh hoặc thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh không đăng ký thuế và không thực hiện đăng ký thuế theo thời hạn đôn đốc đăng ký thuế của cơ quan thuế.
– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh không thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ dẫn đến không xác định được số thuế phải nộp phù hợp với thực tế kinh doanh.
– Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh khai thác tài nguyên thủ công, phân tán, lưu động, không thường xuyên.
Khi cá nhân, hộ gia đình kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể thì có ba loại thuế cần phải đóng, đó là: Thuế môn bài, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân.
2. Căn cứ tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh:
Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Số thuế GTGT phải nộp= Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp= Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng ( GTGT) và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân( TNCH) là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT- BTC quy định về tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
– Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
– Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
3. Các trường hợp được miễn giảm thuế khoán:
Các trường hợp được miễn giảm thuế khoán được quy định tại Khoản 11 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT- BTC, cụ thể:
” 11. Các trường hợp giảm thuế khoán
a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán ngừng/nghỉ kinh doanh
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán ngừng/nghỉ kinh doanh thì
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế khoán phải nộp của quý; nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế khoán phải nộp của quý, nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế khoán phải nộp của quý. Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán ngừng/nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.
b) Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì gửi văn bản đề nghị miễn (giảm) thuế theo mẫu số 01/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC đến cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ miễn (giảm) thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành để xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
c) Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán chuyển đổi hình thức khai thuế
Cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu chuyển đổi hình thức khai thuế theo từng lần phát sinh thì cơ quan thuế chấm dứt quản lý thuế đối với cá nhân theo phương pháp khoán và thực hiện thủ tục giảm thuế khoán theo hướng dẫn như với cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh hướng dẫn tại điểm a Khoản 11 Điều này đối với số tháng không nộp thuế theo phương pháp khoán.”
Như vậy, các trường hợp được miễn giảm thuế khoán gồm có:
– Thứ nhất, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán ngừng/nghỉ kinh doanh
– Thứ hai, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo
– Thứ ba, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán chuyển đổi hình thức khai thuế.
4. Quy trình miễn giảm, thuế hộ kinh doanh:
*Trình tự thực hiện:
– Bước 1. Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán ngừng kinh doanh thì gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
– Bước 2. Cơ quan thuế tiếp nhận:
+ Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
+ Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
– Cách thức thực hiện:
+ Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan Thuế;
+ Hoặc gửi qua hệ thống bưu chính;
*Hồ sơ và thủ tục xét miễn, giảm thuế
Để được miễn, giảm thuế theo các trường hợp nêu tại Điểm 1 công văn này, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán gửi Hồ sơ miễn, giảm thuế đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Hồ sơ miễn, giảm thuế đối với từng trường hợp được quy định tại Mục II Phần E Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 157/2009/TT- BTC .
Tại Điểm 6 Mục II Phần E Thông tư 60/2007/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 157/2009/TT- BTC nêu trên quy định: “Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế ra quyết định miễn thuế, giảm thuế theo mẫu số 03/MGTH hoặc thông báo cho người nộp thuế lý do không thuộc diện diện được miễn thuế, giảm thuế theo mẫu số 04/MGTH ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp cần kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ giải quyết hồ sơ thì thời hạn ra quyết định miễn thuế, giảm thuế là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có văn bản đề nghị miễn, giảm thuế thì kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế phải kiểm tra thực tế và phải kết hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn trong việc xét miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh. Nếu qua kiểm tra thực tế thấy hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện được miễn, giảm thuế (do có thu nhập thấp, có nghỉ kinh doanh, có gặp khó khăn do thiên tai địch họa, tai nạn bất ngờ, hoặc không có khả năng nộp thuế), có đủ hồ sơ theo quy định và có ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn thì Chi cục trưởng Chi cục thuế ra Quyết định miễn, giảm thuế theo mẫu số 03/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 157/2009/TT- BTC .
Trường hợp qua kiểm tra thực tế thấy hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện được miễn, giảm thuế thì cơ quan thuế gửi Thông báo cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lý do không thuộc diện được miễn, giảm thuế theo quy định theo mẫu số 04/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 157/2009/TT- BTC .
Để phù hợp với Quy trình quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thời hạn để ra Quyết định miễn, giảm thuế theo mẫu số 03/MGTH hoặc Thông báo cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lý do không thuộc diện được miễn, giảm thuế theo quy định theo mẫu số 04/MGTH là 10 ngày áp dụng đối với hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế trong trường hợp nghỉ kinh doanh hoặc 15 ngày áp dụng đối với hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế cho các trường hợp khác kể từ ngày Chi cục thuế nhận đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế.
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có đơn đề nghị miễn, giảm thuế do nghỉ kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh thì việc xử lý hành vi của hộ kinh doanh căn cứ thời Điểm kiểm tra phát hiện thì cơ quan thuế thông báo cho hộ kinh doanh lý do không được miễn, giảm thuế theo mẫu số 04/MGTH ban hành kèm theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 157/2009/TT- BTC và yêu cầu hộ kinh doanh nộp đủ thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế thông báo để các Cục thuế được và thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc đề nghị các Cục thuế báo cáo để được hướng dẫn giải quyết.