Hộ chiếu là gì? Các loại hộ chiếu tại Việt Nam? Các trường hợp phải đổi hộ chiếu? Đổi hộ khẩu có nhất thiết phải đổi hộ chiếu? Hồ sơ gồm đề nghị đổi hộ chiếu? Thủ tục xin cấp đổi hộ chiếu tại Việt Nam theo quy định mới nhất năm 2021?
Hộ chiếu là một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng của cá nhân, bên cạnh các loại giấy tờ khác như chứng minh nhân dân, bằng lái xe,… đặc biệt trong trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Nếu không đảm bảo đúng các thông tin trên hộ chiếu, cá nhân có thể không được nhập cảnh và phải trở về nước. Vậy, trường hợp nào thì phải thay đổi hộ chiếu, và việc thay đổi hộ khẩu có phải đổi hộ chiếu hay không?
Luật sư tư vấn pháp luật về thủ tục cấp đổi hộ chiếu: 1900.6568
* Căn cứ pháp lý:
–
–
– Thông tư 29/2016/TT-BCA hướng dẫn về việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước cho công dân Việt Nam.
– Thông tư 219/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Hộ chiếu là gì?
Hộ chiếu (còn được gọi là Passport) là giấy tờ giúp nhận dạng cá nhân và quốc tịch của người đăng ký, sử dụng khi sang quốc gia khác. Hộ chiếu truyền thống là một cuốn sổ nhỏ với nhiều trang trong đó lưu giữ thị thực (visa) cho phép nhập cảnh vào quốc gia khác. Ngoài hộ chiếu truyền thống với các trang giấy thì hiện nay còn có hộ chiếu hiện đại hơn được gắn chíp điện tử cũng lưu giữ visa cho phép nhập cảnh vào các quốc gia khác, hộ chiếu điện tử dạng này hiện đã được áp dụng trên nhiều nước như Mỹ, Nhật, khối EU…
*Phân loại hộ chiếu
– Hộ chiếu phổ thông – Popular Passport – Ordinary Passport
Hộ chiếu phổ thông với đối tượng sử dụng chính là công dân của quốc gia đó. Tại Việt Nam, hộ chiếu phố thông được cấp cho công dân Việt Nam, có thời hạn sử dụng là 10 năm kể từ ngày được cấp. Du học sinh và công dân định cư cũng sử dụng được hộ chiếu phổ thông.
– Hộ chiếu công vụ – Official Passport được cấp cho mục đích ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ chính thức của cơ quan Nhà nước, cụ thể:
Khối an ninh, quốc phòng: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân viên và Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ, công chức ngành.
Khối kinh tế, tài chính: cán bộ từ cấp phòng trở lên, kế toán trưởng doanh nghiệp Nhà nước ra nước ngoài phục vụ các hoạt động chính thức của doanh nghiệp.
Khối hành chính: cán bộ, công chức Nhà nước ra nước ngoài phục vụ nhiệm vụ chính thức thuộc công tác Đảng nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ cấp Trung ương theo diện được đề cử.
– Hộ chiếu ngoại giao – Diplomatic Passport
Hộ chiếu ngoại giao được cấp riêng cho đối tượng giữ chức vụ cấp cao trong cơ quan Đảng và Nhà nước như: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh trở lên; Bộ trưởng, Thứ trưởng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
*Một số dạng viết tắt khi nói về loại hộ chiếu:
OR: Ordinary Passport : Hộ chiếu phổ thông.
OF: Official Passport: Hộ chiếu công vụ.
DP: Diplomatic Passport: Hộ chiếu ngoại giao.
*Số hộ chiếu là gì?
Số hộ chiếu là một dãy chữ số, bắt đầu là chữ cái in hoa và tiếp theo đó là 7 chữ số tự nhiên. Vị trí của số hộ chiếu nằm ở trang 1 dưới chữ Hộ chiếu/Passport hoặc là ở góc phải của trang 2 – nơi có ảnh của cá nhân được cấp hộ chiếu.
*Sổ hộ chiếu có màu gì?
Sổ hộ chiếu thường chỉ có một số màu như đỏ, xanh lá cây, xanh dương, đen. Màu sắc của sổ hộ chiếu không phụ thuộc vào hệ thống phân loại quốc gia nào, nhưng mỗi quốc gia lại chọn một màu sắc riêng cho hộ chiếu nước mình, phổ biến nhất vẫn là hai màu xanh và đỏ.
Hiện, không có quy định cụ thể nào về màu vỏ cuốn sổ hộ chiếu của từng quốc gia, mà chỉ có quy định về kích thước bìa, công nghệ xác nhận của hộ chiếu, cách thức trình bày hộ chiếu.
Trên khía cạnh văn hóa, màu sắc hộ chiếu của từng quốc gia phản ánh một phần về bản sắc dân tộc.
– Hộ chiếu màu xanh nước biển
Các quốc gia thuộc cộng đồng Caribe thường chọn màu xanh nước biển, có thể vì khu vực này tập trung nhiều đảo với bờ biển xanh ngát bao quanh, bên cạnh đó, màu xanh nước biển cũng tượng trưng cho “Thế giới mới”.
Khối thị trường chung Nam Mỹ – Mercosur – chọn màu xanh nước biển cho màu hộ chiếu, đây cũng là màu nền của biểu tượng Mercosur (trừ Venezuela).
Quốc gia có nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay là Mỹ chọn màu xanh navy cho hộ chiếu của mình.
– Hộ chiếu màu xanh lá cây
Cộng đồng các quốc gia Hồi giáo sử dụng hộ chiếu màu xanh lá cây. Lý do lựa chọn nghiêng về tín ngưỡng tôn giáo, màu xanh lá cây cũng là màu sắc phổ biến trên quốc kỳ của các quốc gia Hồi giáo.
– Hộ chiếu màu đỏ được sử dụng phổ biến tại các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (ngoại trừ Croatia), sắc đỏ sử dụng là đỏ mận. Có thể xem hộ chiếu màu đỏ là đặc trưng của tập thể các quốc gia châu Âu, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi màu sắc hộ chiếu khi trở thành thành viên EU.
Và phía bên kia đại dương, khối Liên minh Andean ( liên minh các nước Nam Mỹ theo hình mẫu EU, gồm Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru) sử dụng màu đỏ mận làm màu hộ chiếu.
Màu đỏ cũng là màu của hộ chiếu Thụy Sĩ, nhưng là màu đỏ sáng hơn tương đồng với màu quốc kỳ quốc gia này.
– Hộ chiếu đen: Quốc gia có hộ chiếu màu đen là: New Zealand.
2. Các loại hộ chiếu tại Việt Nam
Loại thứ nhất là màu xanh, được xem là Passport phổ biến nhất, dành cho khách du lịch.
Loại thứ hai cũng là màu xanh nhưng là xanh ngọc bích, đậm hơn một chút, thường dành cho công vụ ngoại giao ở nước ngoài.
Cuối cùng là Passport màu đỏ, chiếm tỷ lệ ít nhất, chỉ dành cho quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước.
2.1. Hộ chiếu phổ thông màu xanh lá
Hộ chiếu phổ thông dành cho đa số, tên gọi tiếng anh là Popular Passport, được cấp cho công dân có quốc tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Thường thì những bạn có ý định du lịch nước ngoài hay đi du học, công tác thì sẽ được cấp loại hộ chiếu phổ thông có màu xanh lá này.
– Điều kiện: Chỉ cần bạn cung cấp CMND và sổ hộ khẩu thì sẽ được cấp Popular Passport, không cần điều kiện gì phức tạp
– Lệ phí cấp hộ chiếu được cập nhật như sau:
Đối với trường hợp cấp mới: 200.000 VNĐ
Đối với trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc mất: 400.000 VNĐ
Cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự: 100.000 VNĐ
Gia hạn hộ chiếu: 100.000 VNĐ
– Quy định về độ tuổi:
Popular Passport chỉ cấp cho công dân từ 14 tuổi trở lên với thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Còn trẻ em từ 9 – 14 tuổi, thời hạn Popular Passport chỉ có 5 năm.
Cả hai trường hợp này đều không được gia hạn thêm thời gian. Đối với trẻ em dưới 9 tuổi, Popular Passport không được cấp riêng mà phải ghép chung với cha hoặc mẹ.
2.2. Hộ chiếu công vụ màu xanh ngọc bích
Hộ chiếu công vụ có màu xanh đậm hơn so với hộ chiếu phổ thông, chỉ được cấp cho những trường hợp đặc thù ra nước ngoài làm việc theo sự phân công của chính phủ. Tên gọi tiếng anh của hộ chiếu công vụ là Official Passport, thời gian chỉ khoảng 5 năm.
Nếu có Official Passport, bạn không cần phải xin visa ở nước muốn đến, hơn nữa bạn còn được ưu tiên đi qua cổng đặc biệt lúc nhập cảnh, tất nhiên là phải chấp hành đúng quy định của quốc gia mà bạn đến.
Đối tượng được cấp của Official Passport là cán bộ, công chức làm việc ở các cơ quan nhà nước. Ngoài ra còn có sĩ quan, quân nhân làm trong quân đội, công an ra nước ngoài để làm nhiệm vụ được yêu cầu từ chính phủ.
2.3. Hộ chiếu ngoại giao màu đỏ
Hộ chiếu ngoại giao có màu đỏ, tên tiếng anh là Diplomatic Passport, là loại “chứng minh thư” chỉ dành cho các quan chức cấp cao.
Họ thường sử dụng tấm hội chiếu này để hoàn thành các công việc, nhiệm vụ được giao từ tổ chức chính phủ tối cao của nhà nước. Thời hạn của Diplomatic Passport cũng là 5 năm, có nó bạn cũng được miễn visa nhập cảnh và được ưu tiên đi qua cổng đặc biệt theo quy định của quốc gia mà bạn đặt chân đến.
Những người được cấp Diplomatic Passport thường giữ chức vụ cao trong hệ thống cơ quan của nhà nước. Chẳng hạn như Bộ trưởng, thứ Trưởng của Bộ Tài Chính, Bộ Nội Vụ, Bộ Công An hay Bộ Tư Pháp. Cấp bậc thấp nhất được cấp Diplomatic Passport là bí thư, phó bí thư hoặc Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh.
3. Các trường hợp phải đổi hộ chiếu
Trong trường hợp thay đổi bất kỳ thông tin cá nhân nào, bạn cũng phải thay đổi hộ chiếu cho thống nhất, phòng khi hải quan cửa khẩu một số nước yêu cầu bạn xuất trình thêm CMND hay căn cước công dân mà thông tin không trùng khớp giữa 2 loại giấy tờ này thì bạn khó lòng được xuất hay nhập cảnh.
Tương tự, nếu ảnh hoặc thông tin trên hộ chiếu chưa chuẩn xác hay bị nhòe, bị vết thâm, nhìn không rõ…, bạn cũng nên đề nghị được đổi lại hộ chiếu khác. Ngoài ra khi hộ chiếu bị mất, bị hư hỏng, còn thời hạn dưới 30 ngày hoặc đã hết thời hạn, khi tách trẻ em trong hộ chiếu của mẹ hoặc cha… thì bạn phải đổi hộ chiếu mới.
Trong trường hợp đổi hộ chiếu (hộ chiếu còn giá trị ít nhất 30 ngày; hộ chiếu còn thời hạn nhưng hết trang dành cho thị thực hoặc vì lý do khác), ngoài giấy tờ khai theo quy định, bạn phải nộp hộ chiếu đó để làm căn cứ cấp đổi. Tờ khai đề nghị đổi hộ chiếu không phải xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú.
4. Đổi hộ khẩu có nhất thiết phải đổi hộ chiếu?
Theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP, khi thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm tỉnh, thành thì phải đổi chứng minh nhân dân.
Thông tin trên Hộ chiếu bao gồm: Họ và tên; Quốc tịch; Nơi sinh; Số chứng minh nhân dân… Ngoài ra, tại một số nước khi xin visa nhập cảnh yêu cầu xuất trình thêm chứng minh nhân dân ngoài hộ chiếu.
Hiện tại, chứng minh nhân dân sẽ được cấp đổi sang căn cước công dân, số chứng minh nhân dân sẽ đổi sang số căn cước công dân. Do đó, khi đổi chứng minh nhân dân cần thực hiện đổi hộ chiếu để thông tin thống nhất giữa chứng minh nhân dân và hộ chiếu, tránh những rắc rối không đáng có xảy ra.
5. Hồ sơ gồm đề nghị đổi hộ chiếu
– 01 tờ khai Mẫu X01;
– 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng. Trẻ em dưới 09 tuổi cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ thì nộp 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm;
– Trẻ em dưới 14 tuổi nộp 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Các trường hợp dưới đây thì thực hiện như sau:
– Trường hợp ủy thác nộp hồ sơ thì tờ khai Mẫu X01 phải do Thủ trưởng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh, kèm theo văn bản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó gửi cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh đề nghị cấp hộ chiếu cho người ủy thác (nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì lập danh sách, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác).
– Trường hợp nộp hồ sơ cấp lại hộ chiếu qua doanh nghiệp bưu chính thì tờ khai Mẫu X01 do Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi thường trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh, kèm theo hộ chiếu, bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng;
– Trường hợp đề nghị sửa chi tiết trang nhân thân trong hộ chiếu (điều chỉnh họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân) của người từ đủ 14 tuổi trở lên thì nộp hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 01 năm và giấy tờ pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đó;
– Trường hợp đề nghị cấp lại hộ chiếu do bị mất thì nộp kèm theo xác nhận của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh về việc đã trình báo. Nếu khi mất hộ chiếu chưa có đơn trình báo thì nộp kèm theo đơn trình bày về lý do, thời gian mất hộ chiếu;
– Trường hợp cấp lại hộ chiếu do hộ chiếu bị hỏng thì nộp kèm theo hộ chiếu đó;
– Trường hợp đề nghị cấp mới, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi thì tờ khai Mẫu X01 do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ khai, ký thay, được Trưởng Công an phường, xã, thị trấn nơi trẻ em đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh, kèm theo:
Nếu đề nghị bổ sung trẻ em dưới 09 tuổi vào hộ chiếu của cha hoặc mẹ thì nộp kèm theo hộ chiếu của cha hoặc mẹ còn thời hạn ít nhất 01 năm;
Nếu đề nghị sửa đổi chi tiết trang nhân thân trong hộ chiếu (điều chỉnh họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân) thì nộp kèm theo hộ chiếu của trẻ em còn thời hạn ít nhất 01 năm và giấy tờ pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đó;
Nếu đề nghị cấp lại hộ chiếu thì nộp kèm hộ chiếu của trẻ em đó;
Nếu đề nghị cấp lại hộ chiếu do hộ chiếu bị mất thì nộp kèm đơn trình báo theo Mẫu X08 ban hành kèm theo Thông tư 29/2016/TT-BCA hoặc giấy xác nhận của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh về việc đã trình báo mất hộ chiếu;
Nếu người giám hộ khai và ký thay thì nộp bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy tờ chứng minh quyền giám hộ trẻ em đó, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.
Trên đây là một số thông tin về các trường hợp đổi hộ chiếu và việc đổi hộ chiếu khi thay đổi hộ khẩu. Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ thêm bất kỳ thông tin nào khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty luật TNHH Dương Gia để được giải đáp.