Trách nhiệm hành chính là hình thức trách nhiệm pháp lí đặt ra đối với chủ thể vi phạm hành chính.
Trách nhiệm hành chính là hậu quả pháp lý bất lợi mà cá nhân phải gánh chịu khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Cá nhân không phải chịu trách nhiệm hành chính nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1. Cá nhân không đáp ứng đủ điều kiện để trở thành chủ thể vi phạm hành chính
Trách nhiệm hành chính là hình thức trách nhiệm pháp lí đặt ra đối với chủ thể vi phạm hành chính. Đối với cá nhân nói riêng để trở thành chủ thể vi phạm hành chính thì phải có những điều kiện nhất định sau:
Thứ nhất, cá nhân phải có năng lực chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật bao gồm điều kiện về độ tuổi và khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Theo đó, cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là chủ thể của vi phạm hành chính trong trường hợp thực hiện hành vi với lỗi cố ý; Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có thể là chủ thể của vi phạm hành chính trong mọi trường hợp. Bên cạnh đó, cá nhân phải không bị mắc các bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.
Thứ hai, đối với cá nhân là người nước ngoài thì có thể là chủ thể vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia không có quy định khác.
Thứ ba, hành vi vi phạm của cá nhân có mức độ nguy hiểm cho xã hội chưa đến mức cấu thành tội phạm theo quy định của Luật Hình sự Việt Nam. Để đánh giá mức độ nguy hiểm của tội phạm và vi phạm hành chính có thể dựa vào những căn cứ sau đây: Mức độ gây thiệt hại cho xã hội; Mức độ tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; Công cụ, phương tiện, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm.
Thứ tư, hành vi vi phạm của cá nhân chưa hết thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm hành chính sẽ không được đặt ra đối với cá nhân vi phạm hành chính trong trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt.
Như vậy, cá nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm hành chính nếu không thỏa mãn các điều kiện trên.
Trường hợp 2. Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 6
– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
– Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
+ Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
+ Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
Trong thời gian nêu trên mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Trường hợp 3. Cá nhân thực hiện hành vi vi phạm nhưng thuộc các trường hợp sau
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.