Về căn cứ và trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ. Thời hạn tạm giữ. Người bị tạm giữ sẽ bị tạm giữ trong bao lâu?
1. Về căn cứ và trường hợp áp dụng biện pháp tạm giữ:
Tạm giữ là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự và việc áp dụng biện pháp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền con người của người bị áp dụng, đặc biệt là quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân. Vì vậy khi áp dụng biện pháp này không được áp dụng tuỳ tiện mà cần phải tuân thủ đầy đủ những quy định chặt chẽ của pháp luật tố tụng hình sự.
Điều 109 BLTTHS 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn như sau:
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Điều 109 cũng thể hiện mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, đó là ngăn chặn hoạt động phạm tội, không để cho người phạm tội trốn tránh pháp luật và gây khó khăn cho quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Để đạt được mục đích của biện pháp ngăn chặn đầu tiên cần phải xác định đúng các trường hợp và đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Khoản 1 Điều 109 được coi như là căn cứ chung để áp dụng biện pháp ngăn chặn, bên cạnh đó cũng cần phải xem xét đến căn cứ riêng của từng biện pháp để áp dụng. Đối với biện pháp ngăn chặn tạm giữ, đầu tiên phải dựa vào các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 117 BLTTHS, đó là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội
quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Đối với trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú, cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận những người này cần phải tiến hành các hoạt động lấy lời khai, thu thập và xác minh chứng cứ để có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Bởi đây là những người thực hiện hoặc nghi thực hiện hành vi phạm tội nên trong khoảng thời gian này chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác vì chưa đủ căn cứ, trong khi đó nếu trả tự do cho họ thì họ lại tiếp tục phạm tội hoặc gây khó khăn cho việc tiến hành các hoạt động tố tụng sau đó. Đối với trường hợp người bị bắt theo quyết định truy nã, tạm giữ là biện pháp nhằm ngăn chặn họ tiếp tục bỏ trốn, cản trở các hoạt động tố tụng. Vì vậy để có thể xác định căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ là khi có căn cứ chứng tỏ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú có thể tiếp tục phạm tội, trốn tiêu hủy chứng cứ hoặc có các hành vi khác gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án hình sự.
2. Về thời hạn tạm giữ:
Thời hạn tạm giữ là khoảng thời gian do luật định cho phép cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ người bị nghi là thực hiện tội phạm để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo. Theo quy định tại Điều 118 BLTTHS, thời hạn tạm giữ là không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Sở dĩ pháp luật quy định thời hạn như vậy vừa nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bị tạm giữ bởi họ đang là người bị nghi có hay không thực hiện tội phạm, nếu thời hạn tạm giữ quá lâu sẽ ảnh hưởng tới quyền con người, quyền tự do của người bị tạm giữ, đồng thời đây cũng là khoảng thời gian vừa đủ để cơ quan điều tra xác định có hay không hay hành vi phạm tội thực tế xảy ra cũng như đánh giá được tính chất, mức độ của hành vi, nhân thân của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để từ đó có thể quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc không khởi vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc các quyết định pháp lý cần thiết khác như: tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay trả tự do cho người bị bắt …
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ (khoản 3, Điều 118).
Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong trường hợp tạm giữ và tạm giam liên tục hoặc không liên tục với nhau, thời hạn tạm giữ đều phải được trừ vào thời hạn tạm giam để điều tra. Theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, nếu việc tạm giam liên tục với được tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp từ ngày hết thời hạn tạm giữ. Nếu việc tạm giam không liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam cho đến ngày kết thúc được ghi trong lệnh (đã trừ đi số ngày bị tạm giữ). Thời điểm cuối cùng của thời hạn tạm giam là 24 giờ 00 phút của ngày cuối cùng được ghi trong lệnh. Khi tính thời hạn tạm giữ, tan tam phải căn cứ vào thời hạn thực tế được ghi trong quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam và tính liên tục cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết), 01 tháng tạm giam được tính bằng 30 ngày.