Các tội về mại dâm đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu trong lịch sử phát triển của xã hội, hiện nay nó vẫn đã đang tồn tại gây bức xúc cho xã hội. Quy định tội mại dâm có rất nhiều khái niệm nhưng chưa được thống nhất.
1. Khái niệm các tội về mại dâm:
Thực tế hiện nay, song hành cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội và sự cải thiện cuộc sống của mỗi người dân trong chúng ta thì vấn đề về tội phạm cũng có thay đổi lớn về cách thức quy mô thủ đoạn mức độ thực hiện hành vi phạm tội. Khái niệm tội phạm được TSKH.GS. Lê Văn Cảm định nghĩa tại giáo trình sau đại học Đại học Quốc gia Hà Nội – Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật Hình sự như sau:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Pháp luật Hình sự, (hay còn gọi là “trái pháp luật hình sự” hoặc “bị pháp luật hình sự cấm”), do cá nhân (người) có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý).
Mại dâm là hoạt động dùng các dịch vụ tình dục ngoài hôn nhân giữa người mua dâm và người bán dâm hoặc thông qua người trung gian khác để thực hiện hành vi tình dục nhằm trao đổi lấy tiền bạc, vật chất hoặc một số quyền lợi và ưu đãi nào đó. Hành vi mại dâm thường được thực hiện trong các địa điểm xác định cụ thể trong thời gian xác định với người mua thường là nam giới và người bán là nữ giới. Hành vi mại dâm thực hiện tại nhà của khách hàng hoặc khách sạn thuê riêng là mại dâm hộ tống. Theo Karl Marx và Lenin, mại dâm được xem là sự buôn bán xác thịt con người, phản ánh sự tha hóa đạo đức và áp bức bóc lột xuyên suốt lịch sử từ chế độ nô lệ, phong kiến cho tới chủ nghĩa tư bản, là điều cần phải xóa bỏ trong chủ nghĩa xã hội vốn chú trọng đạo đức và công bằng. Ở nước ta, mại dâm là vi phạm pháp luật. Các tội về mại dâm được quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành và có những hình thức xử lý cứng rắn. Mại dâm gồm hai mặt là bán dâm và mua dâm và được nhận diện qua hai đặc điểm: Thứ nhất, có hành vi giao cấu và hành vi trên phát sinh trên cơ sở có sự trao đổi trả hoặc hứa trả) về tiền hoặc lợi ích vật chất khác; Thứ hai, đây phải là hành động trao đổi tình dục ngoài hôn nhân.
Các tội về mại dâm đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu trong lịch sử phát triển của xã hội, hiện nay nó vẫn đã đang tồn tại gây bức xúc cho xã hội. Quy định tội mại dâm có rất nhiều khái niệm nhưng chưa thống nhất.
Để hiểu rõ được khái niệm của tội mại dâm, ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa tội phạm về mại dâm và tệ nạn mại dâm.
Thứ nhất, tệ nạn mại dâm là hiện tượng xã hội tiêu cực, mang tính phổ biến, gồm hành vi về hoạt động tình dục trên cơ sở một giá trị vật chất hoặc tinh thần nhất định, có thể ngoài phạm vi hôn nhân, gây hậu quả nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực xã hội và ảnh hưởng trật tự an toàn công cộng.
Thứ hai, tội phạm về mại dâm bao gồm các hành vi mua bán tình dục được quy định và điều chỉnh bằng pháp luật hình sự hiện hành; cụ thể tại các Điều 327: Tội chứa mại dâm, Điều 328: Tội môi giới mại dâm và Điều 329: Tội mua dâm người dưới 18 tuổi ở Mục 4, Chương XXI: Các tội xâm phạm ATCC, TTCC.
Hiện tại, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm của ba tội này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 254 và khoản 1 Điều 255 BLHS năm 1999: “tội chứa mại dâm là hành vi chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 327, khoản 1 Điều 328 và khoản 1 Điều 329 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017: “tội chứa mại dâm là người có hành vi chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm là người có hành vi làm trung gian dụ dỗ hoặc dẫn dắt người khác mua bán dâm, tội mua dâm người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi”. Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm ngày 14/03/2003 quy định: “tội chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm; tội môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm”. Ngoài ra, còn có rất nhiều các quan điểm khác về các các tội mại dâm nhưng đều có đồng nhất những ý chính về từng loại tội riêng, cụ thể là: Về tội chứa mại dâm, đều là hành vi tạo điều kiện về vật chất hoặc tinh thần cho hoạt động mại dâm; Về tội môi giới mại dâm, đều là hành vi dụ dỗ người khác mua bán dâm; Về tội mua dâm người dưới 18 tuổi, lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý, họ biết hoặc có thể biết (nghi ngờ) và nhận thức được hành vi của mình đang thực hiện, chấp nhận hành vi đó và để mặc cho hậu quả xảy ra là việc thực hiện hoàn thành hành vi giao cấu với người dưới 18 tuổi. Riêng đối với tội mua dâm người dưới 18 tuổi, nếu xác định được rằng hành vi phạm tội là vô ý, tức là người mua dâm không biết hoặc bị lừa dối bởi chính người bán dâm làm họ không nhận thức được hành vi đang mua dâm người dưới 18 tuổi của mình thì không truy tố về tội này.
Tóm lại, theo những quan điểm đã nêu ở trên, theo quy định của BLHS hiện hành, các văn bản pháp luật của nhà nước về Phòng chống mại dâm cùng những tổng kết đúc rút từ kiến thức đã có, những khái niệm về các tội về mại dâm:
“Tội chứa mại dâm là hành vi của người hoặc nhóm người tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho hoạt động mại dâm; do người hoặc nhóm người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cố ý thực hiện; xâm phạm tới trật tự an toàn công cộng.”
“Tôi môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người hoặc nhóm người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm; do người hoặc nhóm người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cố ý thực hiện; xâm phạm tới trật tự an toàn công cộng.”
“Tội mua dâm người dưới 18 tuổi là hành vi của người hoặc nhóm người nhằm thỏa thuận trả tiền hoặc vật chất khác cho người dưới 18 tuổi để thực hiện hành vi giao cấu với người đó; do người hoặc nhóm người đủ 18 tuổi trở lên cố ý thực hiện; xâm phạm tới trật tự an toàn công cộng; tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người hoặc nhóm người phạm tội đã thỏa thuận với người dưới 18 tuổi và người dưới 18 tuổi đã nhận lời.”
2. Ý nghĩa việc quy định các tội về mại dâm:
Cùng với sự phát triển của xã hội, các tội về mại dâm cũng ngày càng nguy hiểm và thay đổi quy mô hoạt động, mang đến nhiều bức xúc bất cập hiện nay. Ở đó, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đã xâm phạm đến các mối quan hệ xã hội nhất định được BLHS hiện hành bảo vệ. Cụ thể, nó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới những mối quan hệ đó. Theo Điều 8 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 những mối quan hệ bị gây thiệt hại và cần được bảo vệ bởi quy phạm pháp luật hình sự đó là: “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.
Tội về mại dâm đã có từ rất sớm trong xã hội loài người, nó không chỉ ở riêng lẻ ở từng quốc gia từng khu vực hay chế độ mà là ở trên toàn cầu, nó cùng với tội phạm về cờ bạc và ma túy là những tâm điểm gây nhức nhối trong xã hội. Với những đặc điểm này, ảnh hưởng của nó đối với con người là vô cùng to lớn, gây hoang mang lo sợ, luôn là loại tội phạm cần chú ý đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của nhà nước cầm quyền. Những ảnh hưởng của nó về cơ bản theo ba hướng là sức khỏe, kinh tế và xã hội. Hậu quả tất yếu của mại dâm là ảnh hưởng xấu về sức khỏe của đối tượng, dẫn tới giảm thiểu sức khoẻ mại dâm cũng gắn liền với căn bệnh thế kỷ HIV và đây là con đường nhanh nhất tới AIDS. Ngoài ra, kinh tế hay lợi ích về kinh tế là một lý do khiến nhiều người đi vào con đường mại dâm. Hoạt động mại dâm làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa và giá trị văn minh.
Với những ảnh hưởng theo ba hướng cơ bản đã nêu ở trên, việc quy định các tội về mại dâm có ý nghĩa vô cùng to lớn và trên nhiều phương diện, cụ thể là:
– Phương diện thứ nhất, quy định các tội về mại dâm cùng với các tội phạm ATCC, TTCC đã thể chế hóa chủ trương của Đảng ta. Nghị quyết đại hội Đảng XIII đã đưa nhiệm vụ tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” làm nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong giai đoạn tới.
– Phương diện thứ hai, quy định tội về mại dâm là nội dung cụ thể hóa nhiệm vụ của BLHS Việt Nam đã được ghi nhận tại bộ luật này. Cụ thể là: “Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”
Chính vì thế, với nhiệm vụ đảm bảo chuẩn mực xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức danh dự nhân phẩm của con người, việc phòng chống tội phạm mại dâm có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết phải thực hiện trong thực tế hiện nay.
– Phương diện thứ ba, các tội mại dâm đã được ghi nhận và bảo đảm trong BLHS hiện hành. Nó còn được được thừa nhận bởi cộng đồng nhân loại về các chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục, đạo đức, nếp sống văn minh, sức khỏe danh dự nhân phẩm của con người. Các văn kiện của Liên Hợp Quốc và nhiều đạo luật của các quốc gia trên thế giới cũng đã khẳng định điều này. Công tác phòng ngừa và loại trừ các hành vi xâm phạm hoặc biểu hiện xâm phạm của loại tội phạm này bằng các chế tài nghiêm khắc của BLHS là phương pháp bảo đảm hữu hiệu nhất các giá trị cốt lõi đã nêu trên của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng, xã hội trong thực tiễn.