Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được coi là 1 trong bốn căn cứ quyết định hình phạt và là cơ sở cho việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Dưới đây là những tình tiết giảm nhẹ đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mục lục bài viết
1. Các tình tiết giảm nhẹ với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1.1. Khái niệm và đặc điểm của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hiện nay được hiểu theo nghĩa chung nhất là những tình tiết làm giảm bớt mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Hiện nay vẫn tồn tại nhiều khái niệm khác nhau về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên có thể khái quát: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 2015 với tính chất là tình tiết giảm nhẹ chung hoặc là tình tiết do tòa án tự xem xét, cân nhắc và ghi rõ trong bản án, đồng thời là một trong những căn cứ để cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền và tòa án tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt của người phạm tội theo hướng giảm nhẹ hơn trong phạm vi một khung hình phạt. Vì thế có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản của tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Thứ nhất, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 hoặc do tòa án xem xét và cân nhắc, xác định những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đồng thời ghi rõ lý do áp dụng trong bản án theo quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Thứ hai, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có giá trị làm giảm bớt mức độ trách nhiệm hình sự của người được áp dụng các tình tiết này. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có khả năng làm giảm hình phạt trong giới hạn một khung hình phạt hoặc trong những trường hợp đặc biệt, tòa án có thể chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn thậm chí là miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự, hoặc được tòa án áp dụng án treo. Trường hợp thông thường thì người có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ được giảm nhẹ hình phạt trong phạm vi một khung hình phạt đang được áp dụng đối với người phạm tội đó.
Thứ ba, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt, do tòa án cân nhắc và xem xét. Giá trị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là không giống nhau. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 có nội dung khác nhau nên mức độ giảm nhẹ cũng sẽ khác nhau. tuy nhiên giá trị giảm nhẹ của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này chưa được quy định cụ thể tại bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, theo đó phụ thuộc vào sự xem xét và cân nhắc của tòa án trong từng trường hợp nhất định.
Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không chỉ rất đa dạng về mức độ giảm nhẹ mà còn đa dạng về số lượng. Việc tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải đảm bảo nguyên tắc, các tình tiết giảm nhẹ đã được quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt. Điều đó có nghĩa một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không bao giờ được sử dụng hai lần để áp dụng trong một trường hợp phạm tội cụ thể.
1.2. Các tình tiết giảm nhẹ với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015. Các tình tiết giảm nhẹ với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015. Các tình tiết giảm nhẹ này có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, các tình tiết liên quan đến mức độ hậu quả của hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
– Người phạm tội đã ngăn chặn và có hành vi làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
– Người phạm tội tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra;
– Phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn trên thực tế;
– Tình tiết phạm tội lần đầu hoặc thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật;
– Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
– Phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra, phạm tội do bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức dưới bất kỳ hình thức nào, do tư tưởng lạc hậu hoặc hiểu biết sai lệch, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị bệnh dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.
Thứ hai, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ảnh hưởng đến khả năng cải tạo của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
– Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tự thú hoặc đầu thú tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thành khẩn khai báo và có biểu hiện ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện và điều tra tội phạm;
– Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã lập công chuộc tội hoặc là người có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trong học tập và trong công tác …
Thứ ba, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một số hoàn cảnh đặc biệt và nhận được sự khoan hồng của nhà nước:
– Người phạm tội được xác định là đối tượng có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
– Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang mắc bệnh hiểm nghèo và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội;
– Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người lao động duy nhất trong gia đình và nếu như họ phải chấp thành hình và tù thì gia đình của họ sẽ rơi vào trạng thái khó khăn đặc biệt, hoặc họ là người cao tuổi.
Trên đây là một số tình tiết giảm nhẹ đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
2. Căn cứ quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Để đưa ra quyết định hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay không có quy định chi tiết về căn cứ quyết định hình phạt cụ thể cho từng tội nói chung và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, tuy nhiên có những quy định chung và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng cần phải tuân thủ quy định đó. Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về căn cứ để ra quyết định hình phạt như sau:
– Khi quyết định hình phạt thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật hình sự, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, cân nhắc về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi phạm tội gây ra trên thực tế, cân nhắc về nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
– Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, thì ngoài những căn cứ nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải căn cứ vào tình hình tài sản và khả năng thi hành án trên thực tế của người phạm tội.
Như vậy có thể nói, khi quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tòa án cũng cần phải tuân thủ những căn cứ nêu trên.
3. Vai trò của các tình tiết giảm nhẹ với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội phạm nói chung và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung đóng vai trò vô cùng quan trọng. nhìn chung thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ để Tòa án cân nhắc, xem xét nhằm giảm hình phạt trong giới hạn một khung hình phạt đã được xác định. Giá trị giảm nhẹ của các tình tiết này còn là căn cứ để quyết định hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Khi có tình tiết giảm nhẹ, thì người phạm tội được Tòa án áp dụng loại và mức hình phạt ít nghiêm khắc hơn, làm giảm mức hình phạt trong một khung hình phạt hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn hoặc miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự hay cho người phạm tội được hưởng án treo.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là phương tiện thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước khi áp dụng các hình thức trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Đây cũng là biểu hiện của nguyên tắc công bằng, phân hóa trách nhiệm hình sự, nhân đạo của pháp luật hình sự, thể hiện giá trị của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự giúp cho việc quyết định hình phạt được phù hợp với tinh chất và mức độ nguy hiểm của từng tội phạm. Những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là cơ sở để nhìn nhận đúng đắn bản chất tội phạm, khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội. Qua đó có sự khách quan, toàn diện, mềm dẻo trong quyết định hình phạt, xét xử đúng người đúng tội, thấu tình đạt lý. Bên cạnh việc quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cụ thể trong pháp luật hình sự, sự cho phép công nhận những tình tiết khác luật định tạo thuận lợi cho việc áp dụng luật, góp phần hạn chế sự bất cập trong trường hợp pháp luật chưa tiên liệu được, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong tương lai.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).