Khi công dân không đồng ý với các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đi khiếu nại. Vậy các quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu:
1.1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu:
– Căn cứ khoản 1 Điều 7
– Bộ trưởng: nếu quyết định hành chính, các hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ bị khiếu nại.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: nếu quyết định hành chính, các hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây sẽ gọi chung là cấp tỉnh) bị khiếu nại.
1.2. Các quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu:
Căn cứ Điều 14
– Quyền của người giải quyết khiếu nại lần đầu:
+ Yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc khiếu nại cung cấp những thông tin, tài liệu, những chứng cứ trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để làm cơ sở giải quyết khiếu nại;
+ Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp;
+ Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu:
+ Tiếp nhận khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp về việc thụ lý giải quyết việc khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại;
+ Giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính khi người khiếu nại yêu cầu;
+ Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
+ Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của chính mình; trong trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến thì sẽ phải thực hiện thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà có liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại đưa ra yêu cầu; cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại lần hai hoặc Tòa án yêu cầu.
+ Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý rằng, người giải quyết khiếu nại lần đầu giải quyết bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do chính quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra theo đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu:
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu được thực hiện như sau:
2.1. Thụ lý giải quyết khiếu nại:
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đã nêu ở mục trên nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp những khiếu nại sẽ không được thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết.
– Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và thông báo cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết.
– Nếu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu không thực hiện thụ lý giải quyết khiếu nại của người khiếu nại thì phải nêu rõ lý do.
2.2. Xác minh nội dung khiếu nại:
Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu pháp luật quy định, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:
– Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của chính mình, của người có trách nhiệm do chính mình quản lý trực tiếp, nếu như khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;
– Trong trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại của người khiếu nại thì tự mình phải tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại của người khiếu nại hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây sẽ gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) thực hiện xác minh những nội dung khiếu nại của người khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Hình thức xác minh: người có trách nhiệm thực hiện xác minh những nội dung khiếu nại của người khiếu nại sẽ tiến hành xác minh thông qua các hình thức sau:
– Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại;
– Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã cung cấp;
– Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
2.3. Tổ chức đối thoại:
– Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu như yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh về các nội dung khiếu nại còn có những điểm khác nhau thì người giải quyết khiếu nại sẽ thực hiện tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ về các nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và phương hướng giải quyết khiếu nại. Lưu ý rằng, việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
– Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, với người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, với cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.
– Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ các nội dung cần phải đối thoại, kết quả xác minh về nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày về những ý kiến, đưa ra các chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.
– Việc đối thoại phải được lập thành biên bản. Trong biên bản đối thoại phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia. Trong trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì sẽ phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.
2.4. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu:
– Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
– Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có các nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;
+ Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại;
+ Nội dung khiếu nại;
+ Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;
+ Kết quả đối thoại (nếu có);
+ Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;
+ Kết luận nội dung khiếu nại;
+ Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ về quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;
+ Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có);
+ Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
– Trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại cho mỗi người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.
2.5. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đó cho:
– Người khiếu nại;
– Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại;
– Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;
– Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Khiếu nại 2011.