Nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển những vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo hiện hành. Vậy các quy định của pháp luật về giấy phép nhận chìm ở biển như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các quy định của pháp luật về giấy phép nhận chìm ở biển:
Khoản 14 Điều 3 Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo có giải thích nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển những vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo hiện hành. Yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển được quy định tại Điều 57 Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo, cụ thể Điều này quy định các yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển bao gồm có:
– Việc nhận chìm ở biển chỉ được thực hiện khi mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật.
– Vật, chất nhận chìm phát sinh ở ngoài lãnh thổ Việt Nam không được phép nhận chìm ở vùng biển Việt Nam.
– Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với các quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
– Việc nhận chìm ở biển không được gây ra tác động có hại đến sức khỏe của con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển.
– Việc nhận chìm ở biển phải được quản lý, được kiểm soát chặt chẽ.
Theo quy định trên thì việc nhận chìm ở biển chỉ được thực hiện khi mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Giấy phép nhận chìm ở biển được pháp luật quy định như sau:
– Nội dung chính trong giấy phép nhận chìm ở biển: căn cứ khoản 1 Điều 59 Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo quy định về giấy phép nhận chìm ở biển, Điều này quy định Giấy phép nhận chìm ở biển gồm các nội dung chính sau đây:
+ Tên tổ chức, cá nhân mà được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;
+ Tên, khối lượng, kích thước và thành phần của vật được nhận chìm; tên, loại, khối lượng, thành phần của chất được nhận chìm;
+ Vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích của khu vực biển được sử dụng để nhận chìm;
+ Phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm;
+ Thời điểm và thời hạn được phép thực hiện các hoạt động nhận chìm;
+ Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân mà được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;
+ Hiệu lực để thi hành.
– Thời hạn của Giấy phép nhận chìm ở biển: căn cứ khoản 2 Điều 59 Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo quy định về Giấy phép nhận chìm ở biển, Điều này quy định thời hạn của Giấy phép nhận chìm ở biển được xem xét dựa trên cơ sở vật, chất được nhận chìm, quy mô, tính chất hoạt động nhận chìm và khu vực biển mà được sử dụng để nhận chìm tối đa không quá 02 năm và được gia hạn một lần nhưng không quá 01 năm.
– Người có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển: căn cứ Điều 60 Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo quy định về Giấy phép nhận chìm ở biển thì những người sau có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển:
+ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm ở biển ở trong trường hợp khu vực biển được sử dụng để nhận chìm có một phần hoặc là toàn bộ nằm ngoài vùng biển ven bờ hoặc khu vực biển giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thực hiện cấp Giấy phép nhận chìm ở biển trong vùng biển ven bờ thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định ở trên.
+ Lưu ý rằng, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển nào thì sẽ có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển đó.
– Điều kiện cấp Giấy phép nhận chìm ở biển: căn cứ khoản 1 Điều 49
+ Vật, chất được phép nhận chìm đáp ứng các điều kiện quy định ở tại khoản 1 Điều 58 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
+ Có phương án nhận chìm bảo đảm yêu cầu được quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
+ Khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ mà đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp chưa có quy hoạch sử dụng biển, chưa có quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thì khu vực biển mà đề nghị được nhận chìm được xem xét trên cơ sở các báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển: căn cứ khoản 1 Điều 54
+ Đơn đề nghị cấp về Giấy phép nhận chìm ở biển
+ Dự án về nhận chìm ở biển
+ Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc là bản sao có chứng thực của báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
+ Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc là bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp);
+ Bản đồ của khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm.
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển:
Căn cứ Điều 61 Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo thì tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
2.1.Quyền của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển:
– Được nhận chìm ở biển theo đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển;
– Được Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi gây thiệt hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển thực hiện cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép theo quy định của pháp luật;
– Khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển theo quy định của pháp luật;
– Những quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển:
– Chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện đúng những nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển;
– Nộp lệ phí cấp phép và tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo đúng quy định của pháp luật;
– Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển;
– Không cản trở hoặc gây ra thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác;
– Cung cấp đầy đủ và trung thực các dữ liệu, thông tin về hoạt động nhận chìm ở biển khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
– Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường biển do các hoạt động nhận chìm của mình gây ra theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường biển và chế độ thông tin, báo cáo về các hoạt động nhận chìm theo quy định của pháp luật;
– Bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm ở biển không đúng với quy định của mình gây ra;
– Những nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 40/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
– Văn bản hợp nhất 33/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Tài nguyên môi trường biển hải đảo.