Có thể tìm thấy dấu vân tay ở đâu? Các phương pháp thu thập dấu vân tay trong điều tra hình sự? Quá trình phân tích vân tay?
Dấu vân tay chính là đặc điểm cơ thể riêng của mỗi người và do vậy dấu vân tay được xem là một chứng cứ để nhận diện và truy tìm tội phạm dễ dàng nhất. Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, việc thu thập dấu vân tay để tìm ra người phạm tội là phương pháp được áp dụng rất phổ biến và hiệu quả. Bất kể nơi nào tại hiện trường xảy ra vụ án mà hung thủ chạm tay vào đều để lại dấu vân tay của mình, đó có thể là bề mặt vật cứng hay bề mặt vật mềm. Do đó, căn cứ vào khả năng nhận thấy bằng mắt thường, dấu vân tay được chia thành hai loại là vân nhìn thấy (hay vân nổi) và không nhìn thấy (hay vân chìm). Để tìm thấy vân chìm thì các nhà điều tra hình sự phải dùng đến rất nhiều công cụ khác nhau để làm nổi bật chúng lên. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc các phương pháp thu thập dấu vân tay trong điều tra hình sự.
Luật sư
1. Có thể tìm thấy dấu vân tay ở đâu?
Vân tay có thể tìm thấy ở mọi nơi, miễn là trên một bề mặt rắn, bao gồm cả trên cơ thể con người. Các nhà phân tích dựa theo nơi mà vân tay được tìm thấy đã chia ra 3 loại vân tay. Trước hết là dấu vân tay trên những bề mặt mềm như xà phòng, sáp nến, khăn ướt… hay còn được gọi là vân “mềm” 3 chiều. 2 loại dấu vân tay còn lại là vân tay trên bề mặt cứng và chia thành vân nhìn thấy (hay vân nổi – patent print) hoặc vân không nhìn thấy (hay vân chìm – latent print).
Vân nổi có thể dễ dàng tìm thấy được vì chúng nổi lên trên các bề mặt có dính máu, bụi đất, mực, sơn, dầu… mà hung thủ để lại trên bề mặt. Còn vân chìm rất khó nhận thấy bằng mắt thường bởi chúng được hình thành khi dầu và mồ hôi của hung thủ bám lên một bề mặt khác. Do đó, các nhà điều tra hình sự phải dùng đến rất nhiều công cụ và phương pháp khác nhau để làm nổi bật vân chìm từ đó mới có thể thu thập được dấu vân tay của nghi phạm.
2. Các phương pháp thu thập dấu vân tay trong điều tra hình sự
Trên thực tế, các điều tra viên thường thu thập dấu vân tay của người phạm tội bằng những phương pháp khác nhau nhưng đều tuân theo nguyên tắc là làm dấu vân tay nhìn thấy được bằng mắt thường rồi dùng máy ảnh có độ phân giải cao để chụp lại.
2.1. Phương pháp thu thập vân nổi
Đây là phương pháp dễ thu thập nhất. Cách thu thập cũng rất đơn giản, sử dụng máy ảnh và chụp lại ảnh vân tay ở độ phân giải cao sau đó dùng các công cụ đo đạc hình sự để trích xuất ra thông tin. Họ có thể cải thiện chất lượng hình ảnh bằng cách thay đổi hướng ánh sáng khi chụp hoặc sử dụng những loại ánh sáng khác (alternate) hoặc một số hóa chất khác. Song thông thường thì việc này không cần thiết lắm.
2.2. Phương pháp thu thập vân chìm
Không phải lúc nào điều tra viên cũng có thể xác định được vân tay của người phạm tội một cách dễ dàng như trong trường hợp thu thập vân nổi. Nếu người phạm tội ranh ma, mưu mô thì sẽ không để lại mẫu vân nổi nào lại hiện trường phạm tội. Song đôi khi vì lơ đãng mà một số vân chìm có thể sẽ tố cáo ra danh tính của người phạm tội. Người phạm tội càng tiếp xúc với nhiều đồ vật tại hiện trường gây án thì rủi ro để lại dấu vết hay dấu vân tay càng cao. Giả định như lúc rửa tay hay đi vệ sinh, người phạm tội bỏ đã găng tay ra và lưu lại đâu đó xung quanh khu vực gây án dấu vân tay của mình. Chính vì vậy, các điều tra viên có thể sử dụng các phương pháp thu thập dấu vân tay sau để lấy dấu vân tay của người phạm tội:
– Bột lưu vân tay
Đây là một phương pháp thu thập dấu vân tay phổ biến nhất để lấy vân chìm. Phương pháp này được thực hiện theo cách là phủ bụi lên khu vực có dấu vân bằng các loại bột có thể lưu vân tay. Khi đó, bụi sẽ bám lên các vị trí có vân tay và biến vân chìm thành vân nổi. Tiếp theo đó, các nhà điều tra sẽ chụp hình lại y như cách thu thập vân nổi. Sau đó, vân tay còn được lưu mẫu bằng cách áp băng dính để lưu trữ về sau này.
Tuy nhiên, các loại bột lưu vân tay có thể làm hư hại đến các bằng chứng liên quan khác có ở hiện trường gây án khiến cho công tác điều tra bị ảnh hưởng. Vì thế, trước khi sử dụng loại bột này, các nhà điều tra có thể sẽ dùng các phương pháp lấy vân chìm khác để hỗ trợ việc thu thập dấu vân tay trong quá trình điều tra hình sự.
– Nguồn ánh sáng khác
Đây là phương pháp thu thập dấu vân tay phổ biến và được nhiều nhà điều tra hình sự áp dụng vì có thể áp dụng lên hầu hết mọi bề mặt lấy mẫu như cửa chính, cửa sổ, tay cầm, thang vịn… tại hiện trường gây án và không tác động lên các bằng chứng khác. Một thiết bị phát tia laser hoặc LED với ánh sáng nằm trong một dải bức xạ cố định sẽ được quét lên bề mặt nghi án để làm hiện lên dấu vân tay của người phạm tội. Thậm chí những thiết bị cao cấp hơn còn có thể cung cấp các bộ lọc sáng khác nhau dành cho từng phổ màu hoặc bột lưu vân tay khác nhau. Chẳng hạn như các nhà điều tra có thể dùng ánh sáng xanh với bộ lọc màu cam để làm nổi bật dấu vân chìm của người phạm tội hơn.
– Cyanoacrylate
Đây là tên một loại keo siêu dính, loại keo này sẽ được nhà điều tra phun sương lên bề mặt lấy mẫu trước khi cho bột lưu vân tay hoặc thuốc nhuộm màu. Phương pháp thu thập dấu vân tay này được dùng trên các bề mặt không xốp (non-porous) như mặt kính, gương, kim loại… là những bề mặt cho phép hơi cyanoacrylate bám lên một cách dễ dàng. Sau đó, các vân tay của người phạm tội có thể sẽ được nhìn thấy dưới ánh sáng đèn sáng trắng thông thường.
– Các hóa chất hỗ trợ
Với các bề mặt xốp (porous) như gỗ, giấy… tại hiện trường gây án thì các nhà điều tra cần tới những loại hóa chất khác để thu thập dấu vân tay, ví dụ ninhydrin hay hóa chất tương tác vật lý, nhằm làm bật lên những chi tiết vân chìm mà người phạm tội vô tình lưu lại. Từng loại hóa chất hỗ trợ trên sẽ tương tác với từng loại thành phần của bề mặt tiếp xúc, như các amino acid hoặc hoặc muối vô cơ. Chất ninhydrin sẽ khiến các mẫu vân chìm chuyển sang màu tím, giúp cho việc chụp hình dấu vân tay của các điều tra viên được dễ dàng hơn. Trong khi DFO (1,2-diazafluoren-9-one) lại gây ra hiệu ứng huỳnh quang làm cho các mẫu vân chìm của người phạm tội sẽ sáng lên khi chúng được rọi bởi những tia sáng xanh-lam.
– Các kỹ thuật khác
Ngoài các biện pháp thu thập dấu vân tay của người phạm tội đã nêu ở trên, còn một số những kỹ thuật đặc biệt khác chuyên dùng cho việc lấy mẫu vân tay từ da người, vải vóc, quần áo hoặc các bề mặt khó khăn khác. Như Amido Black, một hoạt chất nhuộm màu protein, chất này vốn phản ứng với sự hiện diện của bất kỳ loại protein nào do sinh vật để lại bao gồm cả con người, do đó nó thường được dùng để tăng cường hình ảnh các vết máu nằm trên da người. Riêng với quần áo, một số kỹ thuật cao như kết tủa kim loại trong buồng chân không bằng bột vàng và kẽm, được dùng để hỗ trợ việc thu thập dấu vân tay trong công tác điều tra hình sự.
AccuTrans, đây là một phức chất đổ khuôn dạng lỏng, được dùng để tách các mẫu vân làm bằng bột lưu vân ra khỏi những bề mặt gồ ghề, cong hoặc dệt bằng sợi. Về cơ bản, AccuTrans là một chất lỏng sẽ lấp đầy những ngóc ngách hoặc lỗ hổng có trên bề mặt lấy mẫu, cho phép chúng dính tốt hơn với bột lưu vân tay khi mà những mẫu băng dính để tách loại bột trên gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình bám dính.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng các hóa chất để lấy mẫu vân tay của người phạm tội có thể làm giảm khả năng thu thập những thông tin khác có giá trị cho việc điều tra hình sự. Vì vậy các phương pháp điều tra không làm hỏng (nondestructive) mẫu vật thường được tiến hành trước khi các phương pháp hóa chất được sử dụng. Chẳng hạn như một mảnh giấy do người phạm tội để lại sẽ được khám nghiệm trước bởi các chuyên gia về tài liệu trước khi được xử lý bằng ninhydrin, vì phản ứng hóa học của ninhydrin sẽ khiến một số loại mực bị biến mất, từ đó làm mất đi thông tin của người phạm tội.
3. Quá trình phân tích vân tay
Sau khi mẫu vân tay của người phạm tội tại hiện trường gây án được thu thập, có 4 bước mà nhà giám định vân tay cần thực hiện, được gọi là ACE-V (phân tích, so sánh, đánh giá và xác nhận), để quyết định liệu mẫu vân tay đó có phản ánh chính xác chủ của nó hay không.
– Bước 1: Phân tích, bao gồm việc xác định xem mẫu vân tay đó có thể dùng để so sánh được hay không. Nếu dấu vân tay đó không phù hợp bởi các lý do như chất lượng kém hoặc số lượng các chi tiết nhận dạng không đầy đủ thì quá trình giám định kết thúc và mẫu vân tay được báo cáo là không phù hợp. Nếu dấu vân tay đó phù hợp, việc phân tích chấp nhận các chi tiết nhận dạng có thể dùng được và số lượng các sai số nằm trong khoảng cho phép thì trong quá trình phân tích trên thậm chí còn có thể tiết lộ thêm một số chi tiết vật lý khác mà mẫu vân gốc không có, giúp làm rõ thêm về người phạm tội.
– Bước 2: So sánh, được thực hiện khi nhà phân tích nhìn vào mẫu vân tay của nghi phạm (có sẵn) và mẫu vân tay vừa được lấy từ quá trình phân tích. Nhà phân tích sẽ thực hiện so sánh các chi tiết nhỏ nhặt riêng biệt trên dấu vân tay để quyết định xem chúng có trùng khớp hay không. Mẫu vân tay có sẵn thường được lấy từ những người có mặt tại hiện trường, nghi phạm hoặc các đối tượng có liên quan khác. Tất nhiên là nẫu vân tay còn có thể đến cả từ những cơ sở dữ liệu về vân tay khác nếu nó không trùng khớp với bất kỳ người nào kể trên.
– Bước 3: Đánh giá – giai đoạn mà nhà giám định sẽ đưa ra quyết định liệu các mẫu vân tay có đến từ chung một nguồn không (nhận diện được chủ mẫu vân) hay đến từ nguồn khác (loại trừ nghi vấn) hoặc không thể kết luận được. Trong trường hợp không kết luận được có thể do chất lượng các mẫu vân tay quá tệ, thiếu sót các khu vực có thể so sánh hoặc không có đủ số lượng các chi tiết đồng dạng hoặc không đồng dạng để có thể chắc chắn rằng mẫu vân tay đó thuộc về ai.
– Bước 4: Xác nhận – lúc mà một nhà giám định khác sẽ độc lập thực hiện 3 bước trên nhằm để xem những nhà giám định sau nhà giám định đầu tiên có đưa ra quyết định giống như nhà giám định ban đầu hay không. Bước kiểm tra chéo này được thực hiện nhằm loại bỏ các sai sót mang tính chủ quan mà nhà giám định đầu tiên có thể mắc phải.