Dẫn độ được hiểu là hoạt động tương trợ tư pháp giữa các quốc gia với nhau. Việt Nam cũng tham gia ký kết hiệp định dẫn độ với một số nước trên thế giới. Dưới đây là bài phân tích về các nước có hiệp định dẫn độ và không dẫn độ với Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là dẫn độ?
Dẫn độ là khái niệm tương đối quen thuộc mà ta thường được nghe liên quan đến quan hệ liên đới giữa Việt Nam và nước ngoài về vấn đề hình sự.
Theo quy định tại Điều 32 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó. Về cơ bản, dẫn độ được hiểu là một trong những hình thức hỗ trợ tư pháp mà Việt Nam áp dụng với một số nước trên thế giới. Khi áp dụng hình thức dẫn độ này, Việt Nam và các nước ký hiệp định sẽ tương trợ nhau về việc chuyển giao cá nhân thực hiện hành vi phạm tội.
Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa các nước trên thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Các nước hợp tác với nhau không chỉ về vấn đề thương mại, ngoại giao kinh doanh, mà còn có sự liên kết nhất định về việc xử lý các hành vi phạm tội của công dân các nước với nhau.
Cũng theo quy định tại Điều 32 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, hoạt động dẫn độ được diễn ra dựa trên các nguyên tắc cụ thể sau đây:
+ Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho người Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án. Tức Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan tố tụng của nước đã ký hiệp định dẫn độ với mình giải quyết người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt tại nước mình. Thực tế, yêu cầu chuyển giao người phạm tội chỉ được diễn ra giữa Việt Nam và các nước đã ký hiệp định dẫn độ.
+ Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án. Tức trong trường hợp một quốc gia đã ký hiệp định dẫn độ với Việt Nam, yêu cầu cơ quan tố tụng Việt Nam thực hiện dẫn độ người nước ngoài đang trên lãnh thổ nước ta, thì cơ quan tố tụng Việt Nam sẽ thụ lý giải quyết.
2. Các trường hợp bị dẫn độ:
Điều 33 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định về các trường hợp bị dẫn độ như sau:
– Trường hợp 1: Người bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà pháp luật hình sự Việt Nam và nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng. Đối với trường hợp này, cơ quan tố tụng Việt Nam hoặc nước mà Việt Nam ký hiệp định dẫn độ sẽ có quyền thực hiện dẫn độ.
– Trường hợp 2: Các đối tượng bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng, mà không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.
– Trường hợp 3: Các đối tượng bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng. Song chủ thể thực hiện hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện.
Trên đây là những quy định của pháp luật Việt Nam về các trường hợp bị dẫn độ. Thực tế, không phải trường hợp vi phạm pháp luật nào cũng được áp dụng hình thức dẫn độ, mà phải thuộc diện được pháp luật quy định thì mới được áp dụng biện pháp tương trợ pháp lý này.
Về cơ bản, dẫn độ có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và các nước thành viên mà Việt Nam ký hiệp định dẫn độ. Cụ thể như sau:
+ Nó thể hiện mối quan hệ hợp tác, đàm thoại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Quan hệ hợp tác này được tạo dựng trên khuôn khổ pháp lý.
+ Dẫn độ giúp Việt Nam và các nước quản lý công dân, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, đây cũng được xem là một trong những cách thức giúp Việt Nam và các quốc gia khác bảo vệ công dân của nước mình (cho dù chủ thể đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật); công tác quản lý dân cư của mỗi quốc gia từ đó cũng đạt hiệu quả cao hơn.
3. Các nước có hiệp định dẫn độ và không dẫn độ với Việt Nam:
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ và 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ với các nước khác trên thế giới. Cụ thể như sau:
– Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Anh: Hai nước đã ký kết với nhau hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù; Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự.
– Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Hàn Quốc: Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Hiệp định về dẫn độ.
– Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a: Hai nước đã ký kết Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù với nhau.
– Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Thái Lan: Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự đã được hai nước ký kết với nhau.
– Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và Hung-ga-ri: Hai nước đã ký kết với nhau Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
– Hiệp định dẫn độ giữa Việt Nam và An giê ri, Ấn Độ, Indonesia, Hungary.
– Việt Nam và Ba Lan đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự với nhau.
– Việt Nam và Belarus đã tham gia ký kết hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự.
– Việt Nam và Bungari ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự với nhau.
– Việt Nam và Ca dắc xtan đã đồng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự với nhau.
Trên đây là các quốc gia đã ký hiệp định dẫn độ với Việt Nam.
4. Việt Nam được từ chối dẫn độ đối với nước ngoài:
– Theo quy định tại Điều 35 Luật tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Nếu người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền có quyền từ chối dẫn độ. Đây là một trong những phương thức bảo vệ công dân của nước ta.
+ Trong trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ đã hết thời hiệu bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Nếu Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội trong yêu cầu dẫn độ, thì người bị yêu cầu dẫn độ có thể được cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ.
+ Đối với công dân Việt Nam bị truy bức ở nước ngoài bị yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị, thì cơ quan chức năng có thẩm quyền có quyền có quyền từ chối dẫn độ.
– Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam; Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Trên đây là những trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Luật tương trợ tư pháp năm 2007.