Đấu giá hàng hóa? Các nguyên tắc trong đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại?
Hiện nay việc bán đấu giá nói chung đã xuất hiện từ khá lâu. Tuy nhiên đối với bán đấu giá hàng hóa thì mới chỉ xuất hiện gần đây và được ghi nhận tại
Cơ sở pháp lý: Luật thương mại 2005
1. Đấu giá hàng hoá
Căn cứ theo quy định tại điều 185. Đấu giá hàng hoá luật thương mại 2005 quy định:
“1. Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.
2. Việc đấu giá hàng hoá được thực hiện theo một trong hai phương thức sau đây:
a) Phương thức trả giá lên là phương thức bán đấu giá, theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm là người có quyền mua hàng;
b) Phương thức đặt giá xuống là phương thức bán đấu giá, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người có quyền mua hàng.”
Như vậy thông qua quy định trên chúng tôi đưa ra có thể thấy việc đấu giá hàng hóa có tính chất đặc thù thể hiện ở chỗ chỉ có một người bán hàng hóa nhưng có nhiều người tham gia mua hàng hóa. Những người tham gia mua hàng hóa đều có quyền hỏi đáp thắc mắc, có quyền xem xét hàng hóa về chất lượng mặt hàng. Khi mà tất cả mọi người tham gia mua hàng hóa, họ đều muốn mua hàng hóa đó thì không còn cách nào khác là họ phải cạnh tranh nhau về giá cả, ai là người trả giá cao nhất, người đó sẽ mua được hàng hóa. Thị trường hàng hóa đấu giá là của người bán, người mua phải cạnh tranh nhau để mua được hàng hóa. Trong quan hệ thương mại, đấu giá hàng hóa có những đặc điểm chung của một hoạt động thương mại. Bên cạnh những điểm chung đó, đấu giá hàng hóa còn có những nét đặc thù so với các hoạt động thương mại khác được thể hiện ở các đặc điểm cụ thể như sau:
Thứ nhất, đấu giá hàng hóa là một phương thức bán hàng đặc biệt. Theo đó trong quan hệ đấu giá hàng hóa, người có hàng hóa có thể tự mình tổ chức bán đấu giá hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá tổ chức việc đấu giá hàng hóa. Bên bán là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền hoặc là người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến hàng hóa đấu giá. Bên mua là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa và đáp ứng các điều kiện theo qui định của pháp luật để tham gia trả giá. Người làm dịch vụ bán đấu giá là những tổ chức được người bán hàng hóa ủy quyền tiến hành việc bán đấu giá.
Thứ hai, đối tượng thực hiện các hoạt động bán đấu giá có thể là những hàng hóa thương mại thông thường, bên cạnh đó do tính chất đặc thù của việc bán hàng theo phương thức này mà không phải hàng hóa nào cũng được các chủ sở hữu quyết định bán bằng phương pháp đấu giá. Chính vì vậy nên theo phương thức này thì hầu hết chỉ những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới thường được cân nhắc để lựa chọn bán theo phương thức đấu giá. Trên thự tế có thể thấy những loại hàng hóa này rất khó xác định giá trị thực của nó như các loại hàng hóa khác. Thế nên người bán chỉ đưa ra một mức giá cơ sở để người mua tham khảo giá khởi điểm đối với hàng hóa đó, còn giá bán thực tế về hàng hóa này do những người tham dự cuộc bán đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh ai đưa ra được mức giá cao hơn thì người đó sẽ có quyền mua sản phẩm và kết thúc đấu giá họ sẽ thực hiện thanh toán và nhận sản phẩm đấu giá. Giá bán thực tế trong quá trình đấu giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá mà người bán đưa ra ban đầu.
Hiện nay có thể thấy việ đấu giá hàng hóa rất phổ biến và đây là cách mang lại lợi nhuận cho bên bán đấu giá và đáp ứng được nhu cầu của người muốn tham gia để mua sản phẩm đấu giá, theo đó cần thực hiện đúng quy định về đấu giá do pháp luật thương mại và các văn bản hướng dẫn khác quy định
2. Các nguyên tắc trong đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại
Đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất. (Khoản 1 Điều 185 Luật thương mại 2005).
Điều 188 Luật Thương mại 2005 quy định: “Việc đấu giá hàng hóa trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia”.
Theo đó, trong đấu giá hàng hóa cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đó là:
2.1. Nguyên tắc công khai:
Việc công khai đấu giá lựa chọn người mua hàng hóa nên mọi vấn đề có liên quan đến cuộc đấu giá và những thông tin về hàng hóa bán đấu giá phải được công khai cho tất cả những người có nhu cầu mua loại hàng hóa đó được biết dưới các hình thức như niêm yết, thông báo, trưng bày, giới thiệu về tài sản…Theo quy định thì những nội dung bắt buộc phải công khai cụ thể là thời gian, địa điểm tiến hành bán đấu giá, tên loại hàng hóa bán đấu giá, số lượng, chất lượng, giá khởi điểm của hàng hóa, địa điểm trưng bày giới thiệu hàng hóa, các hồ sơ tài liệu có liên quan đến hàng hóa, công khai họ tên người bán hàng, tên tổ chức bán đấu giá và những người đăng kí mua hàng hóa nếu theo quy định của pháp luật, người mua hàng phải đăng kí trước… Tại phiên bán đấu giá, người điều hành bán đấu giá phải công khai các mức giá được trả và họ tên người mua trả giá cao nhất của mỗi lần trả giá…
2.2. Nguyên tắc trung thực:
Nguyên tắc trung thực ở đây được hiểu là người bán cần phải trung thực khi xác định giá khởi điểm của hàng hóa. Không nên đưa ra mức giá khởi điểm quá cao so với giá trị thực tế của hàng hóa sẽ làm cho người mua bị thiệt. Theo quy định thì người mua có quyền trả lại hàng hóa cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chất lượng hàng hóa không đúng như thông báo. Tổ chức bán đấu giá không phải chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng hàng hóa bán đấu giá trừ trường hợp không thông tin đầy đủ cho người mua. Yêu cầu về tính trung thực còn thể hiện ở việc pháp luật quy định những người có mâu thuẫn pháp lí hay hoàn cảnh đặc biệt mà sự tham dự của họ có ảnh hưởng đến sự trung thực của cuộc bán đấu giá thì không được tham gia trả giá.
2.3. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia:
Những nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên trong quan hệ đấu giá hàng hóa đều phải được coi trọng và bảo đảm đầy đủ theo quy định của pháp luật. Theo đó người bán hàng có quyền xác định giá khởi điểm của hàng hóa, có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá thanh toán đầy đủ tiền bán hàng hóa ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc và được bồi thường thiệt hại nếu tổ chức bán đấu giá hoặc bên mua có hành vi xâm hại đến lợi ích của mình.
Quyền và lợi ích của người mua hàng như người mua có quyền xem hàng hóa, có quyền yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, được tự đặt giá, được xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa sau khi hoàn thành văn bản đấu giá và họ đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. Tổ chức bán đấu giá được thu của người bán hàng lệ phí và các khoản chi phí cần thiết khác cho việc tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Kết luận: dựa trên những thông tin và quy định chúng tôi đưa ra như trên có thể thấy thực hiện đấu giá theo nguyên tắc do pháp luật quy định có thể đấu giá hàng hóa đảm bảo tính khách quan, trung thực trong mua bán hàng hóa đặc biệt là trong vấn đề giá cả. Giá cả thể hiện chất lượng hàng hóa bán đấu giá và khả năng tài chính của của người mua được hàng hóa đấu giá Bán đấu giá hàng hóa thực hiện một cách công khai, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, ngăn ngừa được những hành vi tiêu cực gây thiệt hại cho người bán hàng, người mua hàng và các chủ thể khác có liên quan. Khi người bán hàng hóa đem hàng hóa ra bán đấu giá thì cơ hội để họ bán được hàng hóa với giá rất cao so với việc đem ra bán thông thường.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Các nguyên tắc trong đấu giá hàng hóa theo Luật Thương mại” và các thông tin pháp lý khác có liên quan dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.